Đã chín muồi để phục hồi điện Cần Chánh
VHO - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, sự nghiệp bảo tồn di sản Huế đã đi qua các giai đoạn “cứu nguy”, “bảo tồn bền vững” và giờ đây bước vào giai đoạn “phục hồi” các công trình đã mất; tiếp nối dự án phục hồi điện Kiến Trung, dự án phục hồi điện Cần Chánh sẽ là một trong những ví dụ tiêu biểu trong việc khảo sát, nghiên cứu rất công phu.
Phối cảnh điện Cần Chánh
Cuối tuần qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức hội thảo khoa học để nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý cho Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh”. Đây là bước đi cần thiết để đơn vị tư vấn và chủ đầu tư hoàn thiện dự án trước khi trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt để có thể khởi công công trình trong năm 2024.
Sáu thập kỷ nghiên cứu phục dựng
Điện Cần Chánh là một công trình kiến trúc đặc biệt, có quy mô thuộc hàng lớn nhất của Hoàng cung triều Nguyễn, là công trình quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành (điện chính trong khu vực Nội đình) và có mối quan hệ đặc biệt với điện Thái Hòa (điện chính ở khu vực Ngoại triều).
Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804 với cấu trúc là một ngôi nhà kép kiểu “trùng lương trùng thiềm”, chính điện 5 gian 2 chái kép, tiền điện 7 gian 2 chái đơn, kết nối với nhau thông qua một bộ vì “vỏ cua” rất độc đáo, tạo nên không gian rộng lớn, với mặt bằng hơn 1.350m2; quy mô và kích thước công trình này tương đương với điện Thái Hòa ở phía trước. Điện Cần Chánh là nơi tổ chức các lễ Thường triều mỗi tháng 4 ngày (5, 10, 20 và 25 âm lịch) và một phần của lễ Đại triều mỗi tháng 2 ngày (1 và 15 âm lịch). Ngoài ra, điện còn là nơi tổ chức các nghi tiết bất thường như tiếp đón sứ thần ngoại giao hay quan chức các địa phương về kinh, lễ Phất thức (lau chùi ấn tín cuối năm), hay tổ chức các buổi yến tiệc thuộc hàng trang trọng nhất của triều Nguyễn…
Với chức năng quan trọng như vậy nên điện Cần Chánh được xây dựng công phu với các loại vật liệu quý thuộc hàng cao cấp nhất như gỗ lim, đá thanh, gạch hoa, pháp lam…; trang trí nội ngoại thất rất cầu kỳ, tỉ mỉ, về mọi khía cạnh không hề thua kém điện Thái Hòa. Điện Cần Chánh tồn tại đúng 143 năm (1804-1947), kéo dài qua cả 13 triều vua Nguyễn. Điện bị thiêu hủy vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 2.1947); những công trình phối thuộc như Đại Cung môn, các hành lang kết nối, điện Văn Minh, điện Võ Hiển, điện Càn Thành... đều chung số phận. Nhưng may mắn thay, hai tòa Tả, Hữu vu của điện Cần Chánh lại còn nguyên vẹn. Từ năm 1963, việc nghiên cứu phục hồi ngôi điện này đã được đề cập, thậm chí phương án trùng tu phục hồi công trình bằng cột bê tông cốt thép sơn giả gỗ đã được đưa ra, tuy nhiên đã không được triển khai. Từ năm 1979, trong một bản báo cáo đặc biệt về Huế, đặc phái viên của UNESCO đã đề cập đến việc phục hồi công trình này.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu để phục hồi điện Cần Chánh bắt đầu từ năm 1995, đến năm 1997, hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về việc phục hồi điện Cần Chánh được tổ chức… Có thể nói, dự án phục hồi điện Cần Chánh được báo cáo lần này là sự kế thừa các thành quả nghiên cứu trong suốt 60 năm qua. Đây là một may mắn rất lớn, bởi cho đến nay, Huế đã có các kết quả nghiên cứu rất dày dặn, tỉ mỉ, được thực hiện bài bản trong nhiều năm với cách tiếp cận quốc tế đa dạng và khoa học; các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu phim, ảnh rất phong phú; kinh nghiệm và nguồn lực cho công tác trùng tu phục hồi di tích dồi dào…
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phục hồi điện Cần Chánh
Bài bản, công phu, khoa học…
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” được đơn vị tư vấn là Ban Tư vấn bảo tồn di tích (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) thực hiện công phu, bài bản và đã được chỉnh sửa nhiều lần qua lắng nghe góp ý của các nhà khoa học trước đó. Báo cáo đã phân tích, làm rõ giá trị đặc biệt của di tích điện Cần Chánh, nhu cầu và tính khả thi của việc phục hồi công trình; các nguồn tư liệu và cơ sở dữ liệu đã có được; phương án và giải pháp phục hồi công trình; khả năng phát huy giá trị công trình sau khi phục hồi…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản đều đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án, các cơ sở pháp lý và khoa học, đặc biệt là sự bài bản, công phu, nghiêm túc và sự kế thừa các thành quả nghiên cứu về điện Cần Chánh cùng kiến trúc cung đình thời Nguyễn của dự án. Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, sự nghiệp bảo tồn di sản Huế đã đi qua các giai đoạn “cứu nguy”, “bảo tồn bền vững” để bước vào giai đoạn “phục hồi” các công trình đã mất; tiếp nối dự án phục hồi điện Kiến Trung, dự án phục hồi điện Cần Chánh sẽ là một trong những ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, với tư cách là người đã theo dõi công tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế trong hơn 30 năm qua, đã tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu, các hội thảo khoa học về điện Cần Chánh, chúng tôi cho rằng, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư cần lưu ý để điều chỉnh và bổ sung một số nội dung nhằm hoàn thiện dự án đặc biệt quan trọng này.
Trước hết, dự án cần phân tích và làm rõ mối quan hệ gắn kết tương hỗ rất độc đáo giữa điện Cần Chánh và điện Thái Hòa để hiểu đầy đủ vị trí, chức năng của hai ngôi điện đóng vai trò là chủ thể của hai khu vực Nội đình và Ngoại triều trong hoàng cung Huế. Đây là một điểm rất đặc biệt, riêng có trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn, khác hẳn cấu trúc cung điện thời Lê và các triều đại trước đó, cũng như khác biệt với cấu trúc cung điện ở các nước đồng văn. Giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh có rất nhiều điểm tương đồng về quy mô, cấu trúc, nhưng lại khác biệt về chức năng, đặc biệt là các chức năng về nghi lễ, nghi thức, từ đó dẫn đến sự khác biệt về bố trí không gian nội ngoại thất và trang trí cung điện. Hiểu sâu sắc điều này không chỉ giúp cho phương án tu bổ phục hồi thêm chính xác mà còn là căn cứ để xây dựng phương án phát huy giá trị công trình sau khi trùng tu phục hồi.
Mặc dù đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu khá phong phú cho dự án phục hồi điện Cần Chánh nhưng vẫn cần bổ sung thêm rất nhiều hình ảnh tư liệu cùng sự phân tích khoa học, thuyết phục về bài trí không gian nội thất và các chi tiết trang trí ở nội, ngoại thất công trình, đặc biệt là những bài thơ, những hoa văn họa tiết được bố trí theo lối “nhất thi nhất họa” rất độc đáo của công trình này. Theo thống kê, tại điện Thái Hòa có đến 297 ô hộc trang trí thơ văn và cũng chừng ấy số lượng ô hộc trang trí các bức họa, hoa văn cung đình. Điện Cần Chánh với quy mô, kích thước tương đương điện Thái Hòa nên số lượng văn thơ trang trí cũng không hề thua kém. Một số hình ảnh tư liệu cho thấy rõ điều đó. Bên cạnh đó, việc bài trí tái hiện không gian nội thất ở điện Cần Chánh như thế nào là phù hợp và để phát huy tốt giá trị sau khi phục hồi công trình cũng là một bài toán cần có phương án giải đáp thuyết phục. Chính vì vậy, dự án nên phân chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là phục hồi công trình kiến trúc, giai đoạn sau là phục hồi không gian nội thất và các chi tiết trang trí công trình. Trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tích cực sưu tầm, bổ sung thêm các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu hình ảnh hiện đang được lưu trữ rất nhiều tại Pháp và một số quốc gia khác.
Nhìn chung, dự án nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã được chuẩn bị công phu, bài bản, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra cho một dự án trùng tu, phục hồi công trình di sản quan trọng. Hy vọng, trong năm 2024 này, dự án phục hồi điện Cần Chánh sẽ được khởi công sau khi hoàn tất các quy trình thủ tục. Đây cũng là sự mong đợi của rất nhiều thế hệ những người làm công tác bảo tồn và yêu di sản Huế. n
TS PHAN THANH HẢI