Văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đào tạo VHNT:

Chú trọng tính đặc thù để nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển

HIỀN LƯƠNG

VHO - Hôm qua 4.6, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 1818/ KL-BGDĐT ngày 23.12.2022, kết luận thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ VHTTDL. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

 Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới lĩnh vực giáo dục như Thanh tra Bộ, Vụ Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL...

Chú trọng tính đặc thù để nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị

Sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với thực tiễn

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết, công tác triển khai thực hiện Kết luận số 1818/KL-BGDĐT được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị thuộc Bộ và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ VHTTDL đã chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, ổn định hoạt động tại các cơ sở đào tạo và thực hiện nghiêm Kết luận 1818/ KL-BGDĐT.

Để việc thực hiện Kết luận sau thanh tra được triệt để, hiệu quả, đại diện Thanh tra Bộ, Vụ Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ và lãnh đạo các cơ sở đào tạo đã có nhiều ý kiến kiến nghị cần sự phối hợp kịp thời của các Bộ, ngành trong việc xử lý tồn tại, vướng mắc, bất cập về những quy định của pháp luật đối với đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu, đặc thù. Thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng được ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế thường xuyên, tuy nhiên một số quy định vẫn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã nhiều lần làm việc và đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số quy định đối với lĩnh vực này, tuy nhiên tính đặc thù vẫn chưa được thể hiện nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, gây khó khăn đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật.

Về công tác đào tạo, các ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, sửa đổi quy định hiện hành đối với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong đó quan tâm tới điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có các quy định phù hợp, tạo điều kiện để các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành. Cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật.

Chú trọng tính đặc thù để nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển - ảnh 2
Các đại biểu cho rằng, tính đặc thù vẫn chưa được thể hiện nhiều trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật

Kiến nghị cho trúng, cho đúng

Về công tác tổ chức cán bộ, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, nội dung quy định về Hội đồng trường chưa bao quát hết những phát sinh phức tạp trên thực tế, nhiều quy định còn thiếu hoặc khó triển khai; đặc biệt, quy định về chức năng, quyền hạn của Hội đồng trường còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật quản lý chuyên ngành. Đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng trường vẫn còn nhiều bất cập, như chưa thuộc vào nhóm chức danh lãnh đạo quản lý, chưa xếp ngạch/hạng công chức, viên chức, chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, công tác quy hoạch, chế độ chính sách liên quan… Hội nghị đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo thẩm quyền để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Hội nghị kiến nghị với Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Bộ VHTTDL gặp không ít khó khăn, bất cập. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Ban, Bộ chuyên ngành về công tác tổ chức cán bộ để tham mưu trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn tổng thể, toàn diện, thống nhất nội dung này. Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường, quy hoạch Chủ tịch Hội đồng trường... Ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp chuyên ngành GD&ĐT để các cơ sở giáo dục của Bộ VHTTDL có cơ sở triển khai, thực hiện.

Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, kết quả thực hiện Kết luận số 1818/KL-BGDĐT ngày 23.12.2022 kết luận thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ VHTTDL đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục của Bộ VHTTDL rà soát lại trách nhiệm quản lý của mình. Trong quá trình thực hiện, đến thời điểm này, một số vấn đề sai sót đã được khắc phục, những vấn đề cần có sự phối hợp, căn cứ pháp lý sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL và các Bộ, ban, ngành có trách nhiệm để có biện pháp giải quyết.

Thứ trưởng nhận định, phần kiến nghị với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT cũng như các đơn vị liên quan cần phải cụ thể hơn, sát thực tiễn hơn nữa. Đặc biệt, cần thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị cho trúng, cho đúng nhằm giúp các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.