Thay đổi tư duy làm chính sách nghệ thuật

THÚY HIỀN

VHO - Đề nghị không giảm biên chế một cách cơ học; Giải quyết việc làm cho diễn viên đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu; Ký hợp đồng chuyên môn cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Có chính sách đào tạo và sử dụng lao động đặc thù..., những kiến nghị này là đòi hỏi vô cùng cấp thiết đối với giới nghề hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay ở nước ta.

Thay đổi tư duy làm chính sách nghệ thuật - ảnh 1

Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam

 Từ đó, nhằm tháo gỡ những tồn tại bất cập trong cơ chế, chính sách để người nghệ sĩ yên tâm, gắn bó làm nghề, phát huy năng lực sáng tạo…

Chế độ, chính sách chưa tương xứng

Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao… là một số nội dung dư luận đặc biệt quan tâm và sẽ được Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 7 này.

Lâu nay, điểm nghẽn lớn mà các đơn vị luôn “kêu cứu” là những bất hợp lý về tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu. Tổng hợp từ các cơ quan sự nghiệp nghệ thuật công lập của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy, số lượng nghệ sĩ, diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu là rất lớn, đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa, thanh nhạc… Như vậy, số diễn viên này nếu không được bố trí, sắp xếp vị trí phù hợp hoặc tham gia công tác đào tạo, truyền nghề thì họ vẫn ở lại cơ quan từ 10-15 năm nữa, gây khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật.

Bất cập về tuổi nghỉ hưu và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với viên chức, người lao động càng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Chính sách về hưu sớm hơn 5 năm so với quy định thông thường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Còn nếu chuyển công tác sang lĩnh vực đào tạo, thì các diễn viên hết tuổi nghề (thậm chí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu) lại thường chỉ có bằng trung cấp, không đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Trường hợp giải quyết chuyển công tác sang vị trí công chức hành chính, thì chỉ một số lượng rất nhỏ đáp ứng được tiêu chuẩn thi, xét tuyển. Chưa kể, đa phần những người này thường mong muốn giải quyết chế độ để họ được nghỉ sớm…

Để giải bài toán thiếu hụt lực lượng kế thừa, trong khi “đầu vào” không có người dự tuyển, Bộ VHTTDL đã đổi mới hình thức đào tạo theo kiểu “đặt hàng”. Theo đó, các đơn vị nghệ thuật sẽ chủ động đề xuất số lượng thí sinh dựa trên yêu cầu thực tế của đơn vị mình và tổ chức sơ tuyển tại địa phương rồi gửi danh sách đến Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh để phối hợp đào tạo; các nhà hát mời đội ngũ nghệ sĩ giỏi tham gia công tác giảng dạy chuyên môn; học viên được hỗ trợ tiền ở và miễn học phí cả 4 năm học. Tuy nhiên, qua chia sẻ của chính những người triển khai Đề án, rất nhiều đơn vị cử người đi đào tạo lại không biết làm sao để có thể tiếp nhận những diễn viên, nhạc công ấy về với đơn vị mình (?!).

Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho biết, một số học sinh tốt nghiệp ra trường nhưng khi về đến “nhà” lại không có biên chế, không được ký hợp đồng lao động, trong đó có cả những em đạt thành tích cao tại các cuộc thi tài năng trẻ. Hiện tượng này đang xảy ra ở nhiều đơn vị như Nhà hát NTTT tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Nhà hát NTTT Thanh Hóa...

NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát NTTT Thanh Hóa trăn trở: “Không cần đào tạo bằng cấp, chỉ đi làm công nhân cũng có thể thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Trong khi nghề diễn viên phải học hành, khổ luyện ít nhất 3 năm; tốt nghiệp ra trường lại gặp cảnh biên chế đã “kẹt cứng”, các đơn vị không thể nhận về được. Nhiều diễn viên trẻ chấp nhận không lương, chật vật làm đủ nghề để mưu sinh, chờ vai diễn. Ngay cả có biên chế thì lương nghệ sĩ cũng chỉ tầm 4 triệu/tháng. So sánh thu nhập và công sức lao động bỏ ra, thử hỏi còn ai muốn đầu quân làm nghệ thuật?”.

Thay đổi tư duy làm chính sách cho nghệ thuật

Những năm qua, một số chế độ, chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chưa theo kịp thực tiễn, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, bởi những quy định không còn phù hợp.

Bộ VHTTDL đã gửi nhiều văn bản báo cáo Chính phủ, như: Ngày 10.11.2023 có Văn bản số 339/BC-BVHTTDL báo cáo về thực trạng một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; ngày 17.11.2023 có Tờ trình số 350/TTr-BVHTTDL về việc đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… Và đến nay, Chính phủ đã cho phép Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất để xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp tạo động lực cho những người làm nghệ thuật tiếp tục phát huy tài năng, sức sáng tạo để cống hiến cho đất nước.

Chia sẻ với Văn Hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: “Bộ VHTTDL đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với lực lượng nghệ sĩ, diễn viên để có được cái nhìn tổng thể, giải quyết tận gốc căn nguyên bất cập đối với lực lượng này trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện và động lực để họ yên tâm sáng tạo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tạo được những thay đổi lớn trong chính sách cũng như quá trình thực thi chính sách, chúng ta phải thay đổi tư duy làm chính sách cho nghệ thuật. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước rất cần sự chung tay hợp sức của nhiều Bộ, Ban, ngành…”.

Đơn cử như việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật giúp cho công tác đào tạo nghệ thuật đạt hiệu quả là vô cùng cần thiết. Cho tới thời điểm này, nội dung đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật phải là 4 năm, 6 năm, thậm chí 9 năm, khác với đào tạo trung cấp 18 tháng ở những ngành nghề khác vẫn có một số Bộ, ngành chưa đồng tình. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nền nghệ thuật tiên tiến vẫn duy trì phương thức đào tạo đa cấp trong một cơ sở đào tạo (như Mỹ, Nga, Đức, Australia…).

Có thể nói, chế độ, chính sách đối với những người làm nghệ thuật biểu diễn phải được chú trọng tới tính đặc thù riêng, và nếu cần, phải có những quy định cụ thể tới từng loại hình khác nhau. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi thẳng thắn nhìn nhận: “Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lâu nay chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư tương xứng. Những khó khăn về nhân lực, vật lực đang khiến cho nhiều đơn vị phải đối diện với nguy cơ phải giải thể. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến, không kích thích được nghệ sĩ gắn bó với Nhà nước, không thu hút được nhân tài. Vì vậy, ngành nghệ thuật biểu diễn rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các chính sách đãi ngộ đặc thù của Nhà nước”. 

 Bảo tồn là phải đầu tư

Không sáp nhập chung theo mô hình Trung tâm VHNT tỉnh hay Nhà hát nghệ thuật truyền thống, TP Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập, và đặc biệt, hiện tất cả đều đang hoạt động hết công suất. Nghệ thuật Hải Phòng khởi sắc chính là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố khi cho triển khai Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Đề án đã cụ thể hóa một cách sinh động chủ trương thực hiện chính sách bảo tồn, phát triển VHNT, không những giữ vững được thương hiệu cho từng loại hình sân khấu mà còn xây dựng được những tác phẩm chất lượng cao. Đề án cũng đã tạo được thói quen thưởng thức nghệ thuật đối với nhân dân Hải Phòng”.

(Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng TRẦN THỊ HOÀNG MAI)