Công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và hệ thống du lịch:
Thương hiệu quốc gia và tầm nhìn thời đại
VHO - Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những công cụ quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hôm nay 18.10, Bộ VHTTDL trang trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Bộ VHTTDL và các điểm cầu cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng, TP.HCM cùng 63 tỉnh, thành.
Tạo dựng các thương hiệu quốc gia
Luôn coi trọng phát triển con người và xây dựng nền văn hóa dân tộc, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước không ít thời cơ nhưng cũng vô vàn thách thức, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững, nhiệm vụ đặt ra là phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI.
Tăng cường đầu tư cho văn hóa, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, Quyết định phê duyệt và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ là công cụ quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Đặc biệt, hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai. Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.
Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm mạng lưới bảo tàng; mạng lưới thư viện; mạng lưới cơ sở điện ảnh; mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn; mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa. Về mạng lưới bảo tàng, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng mới hai bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và một số bảo tàng chuyên ngành. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của các Bảo tàng quốc gia: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các bảo tàng chuyên ngành…
Mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc. Hình thành trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương trung tâm vùng và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng mới bốn công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội, Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại TP.HCM với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi/ cơ sở.
Quy hoạch cũng đặt phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia gồm mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên. Xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, phục vụ huấn luyện cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới…
Đồng bộ, hiện đại, bản sắc
Nhằm đạt được các mục tiêu đồng bộ, hiện đại, bản sắc như Quy hoạch đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Cục Văn hóa cơ sở, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở những năm qua đã từng bước được hoàn thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, đáp ứng nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; cơ chế, chính sách cho nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong số các giải pháp, cần bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... Quan tâm các thiết chế phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Ưu tiên đầu tư các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước khắc phục chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở các vùng, miền... UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi, đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, TDTT. “Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tỉnh; bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; đầu tư, mua sắm, trang thiết bị, cơ sởvật chất, phương tiện chuyên dùng; đảm bảo kinh phíhoạt động nghiệp vụtheo chức năng, nhiệm vụđối với thiết chế văn hóa, thể thao; rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp để điều chỉnh theo quy định về vị trí, quy mô và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của nhân dân…”, Cục Văn hóa cơ sở nêu.
Căn cứ mục tiêu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, theo Viện VHNT quốc gia Việt Nam, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đã bảo đảm tính thống nhất với mục tiêu xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, bản sắc. Các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển đã bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Việc thực hiện quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến các ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các cơ sở văn hóa, TDTT do Bộ VHTTDL quản lý và hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương. Với vai trò động lực cho sự phát triển, việc xác định các giải pháp đúng đắn, phù hợp để thực hiện quy hoạch đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí các nguồn lực được xác định có tính quyết định đến thành công của quy hoạch.
Các giải pháp được đề xuất cần được tiếp cận theo hướng toàn diện, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các rào cản. Song song là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, trong nước và quốc tế; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa và thể thao đối với phát triển bền vững. Việc triển khai quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo nên thay đổi mang tính đột phá, góp phần tạo ra nguồn lực, động lực mới để phát triển đất nước; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Định hướng để du lịch lớn mạnh, cạnh tranh, bền vững
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng trên tiền đề của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quy hoạch được xây dựng theo quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, lượng khách quốc tế tăng 2,3 lần, tăng trưởng bình quân 22,7%/ năm. Đây là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hằng năm của UNWTO. Du lịch đã khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với tỉ lệ đóng góp vào GDP cả nước lên đến 9,2%; góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xãhội; bảo tồn vàphát huy giátrịvăn hoá; bảo vệmôi trường vàgiữvững quốc phòng, an ninh quốc gia. Xếp hạng chung về chỉ số năng lực phát triển du lịch, năm 2019, Việt Nam xếp thứ 60/140 nền kinh tế về năng lực phát triển du lịch; năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Có thể nói, du lịch từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 10 năm tới, ngành du lịch có nhiều thuận lợi nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những cơ hội và thách thức đó đòi hỏi ngành cần có các định hướng phát triển mới, hành trang mới, phù hợp vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó được thể hiện ở những điểm mới trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển du lịch trên tinh thần bám sát Nghị quyết 08, Quy hoạch tổng thể quốc gia và kế thừa các quan điểm phát triển giai đoạn trước, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Theo đó, tiếp tục khẳng định vai trò mũi nhọn của du lịch. Bổ sung, đi sâu các nội dung phù hợp xu hướng mới nhưng vẫn nhấn mạnh lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng, phát huy vai trò động lực của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hướng tới chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia. Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo. Nhấn mạnh chuyển đổi số, khoa học công nghệ và phát huy yếu tố con người. Đặc biệt, quan điểm về ứng phó với rủi ro là nội dung mới và cần thiết ở giai đoạn tới.
Về thị trường du lịch, cơ cấu lại thị trường theo hướng chất lượng, tiếp tục đầu tư vào hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch, đồng bộ với chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận phát huy được các điều kiện về hạ tầng mới như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... Về sản phẩm du lịch, phát triển ba nhóm sản phẩm gồm các dòng sản phẩm chính; các loại hình du lịch mới; các sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng, theo hướng liên kết phát triển và theo từng thị trường. So với Quy hoạch 2013, đã phát triển các loại hình du lịch mới và theo từng thị trường phù hợp với bối cảnh hiện tại, đặc biệt như các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cũng theo Cục Du lịch quốc gia, tổ chức không gian phát triển du lịch được định hướng chi tiết và là những điểm mới của Quy hoạch lần này. Các nội dung trong quy hoạch cũng đã cơ bản cập nhật đúng tầm các định hướng phát triển mang tính thời đại (kinh tếxanh, kinh tếsố, xãhội số...), thể hiện rõ các định hướng, quan điểm về ngành du lịch chất lượng, hiệu quả, bền vững, toàn diện, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trọng tâm.
Những mục tiêu và quan điểm tại Quy hoạch thể hiện sự quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tôn trọng văn hóa bản địa, phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng địa phương và phát huy truyền thống giá trị văn hóa...; bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa. Phát huy, xác định công nghệ là yếu tố then chốt để đẩy nhanh quá trình phát triển lên tầm cao mới, gia tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ. Coi nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hội nhập, nâng tầm, cạnh tranh với khu vực và thế giới. Với mục tiêu tổng quát vào năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và các ngành liên quan khác như giao thông, xây dựng, biển đảo..., nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch cơ bản giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, Quy hoạch được triển khai và đi vào cuộc sống sẽ định hướng cho ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới: Lớn mạnh, cạnh tranh và bền vững.