Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
VHO- Ngày 19.10, tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 đã được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo được kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, văn hóa và thể thao được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng và là động lực của kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan đến lĩnh vực văn hóa và thể thao, đặc biệt là các định hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao cấp quốc gia như: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045
Sau 10 năm triển khai thực hiện các Chiến lược, quy hoạch, kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các chiến lược, quy hoạch phát triển văn hóa và thể thao sau khi được ban hành đến nay cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, cùng với đó các Chiến lược, quy hoạch cũng đã dần hết thời hạn thực hiện. Một số nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao tuy được xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 nhưng đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Các đại biểu dự Hội thảo
Theo Thứ trưởng, nhằm tiếp tục phát huy các nền tảng phát triển ở các giai đoạn quy hoạch trước, nắm bắt bối cảnh mới với những cơ hội và các khó khăn thách thức, ngành văn hóa, thể thao cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển văn hóa, thể thao phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cũng như làm nền tảng vững chắc cho các định hướng phát triển văn hóa, thể thao tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Ngày 29.6.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg về nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện lập quy hoạch này.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thông qua Hội thảo, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Bộ ngành, địa phương đối với những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm bổ sung, hoàn thiện về những định hướng và giải pháp cơ bản tạo đột phá cho phát triển văn hóa và thể thao trong giai đoạn mới, phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển Ngành; đồng thời làm cơ sở pháp lý để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành văn hóa và thể thao trên phạm vi cả nước một cách có hiệu quả.
Trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại diện đơn vị Liên danh tư vấn nhấn mạnh, Quy hoạch được xây dựng để đáp ứng những yêu cầu: Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021; Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch vùng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng...; yêu cầu sắp xếp lại các cơ sở văn hóa thể thao theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách Nhà nước về cải cách hành chính; Xu hướng phát triển văn hóa thể thao ở Việt Nam và thế giới...
Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ KHĐT
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều vấn đề quan trọng. Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ KHĐT cung cấp thông tin tổng quan về các bước lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục 1 Luật Quy hoạch. Quy trình lập được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quy hoạch, gồm 4 bước. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thụy cũng thông tin về tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao.
Đánh giá chính sách về nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, để phát triển mạng lưới các cơ sở văn hóa và thể thao thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có đủ nguồn lực để đầu tư, xây dựng, bao gồm cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn
“Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa đã được quy định khá rõ trong các Luật và văn bản dưới Luật. Triển khai thực hiện các quy định này, thời gian qua Nhà nước đã có những chương trình, dựa án cụ thể để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Nguyễn Thanh Sơn phát biểu.
Trong tham luận về phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa thể thao TP.HCM để trở thành trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Võ Trọng Nam nhấn mạnh, TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Theo ông Nam, TP.HCM hiện có trên 300 công trình, trong đó có 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức. Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của Thành phố. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất TDTT tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…), trong đó nổi bật là mô hình kết hợp hoạt động TDTT với các loại hình văn hóa xã hội. Hệ thống rạp chiếu phim hiện đại do các công ty liên doanh đầu tư càng ngày càng phát triển. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng nhiều quảng trường, góp phần chỉnh trang cảnh quan kiến trúc đô thị, tạo điều kiện cho du khách đến tham quan thành phố… Trong quy hoạch, Thành phố luôn chú trọng gìn giữ, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, thành phố có 185 công trình có quyết định xếp hạng di tích.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Võ Trọng Nam tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ả nh: LÊ HOÀNG
Trong giai đoạn đầu tư trung hạn 2021-2025, Thành phố đã có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng trên 30 công trình văn hóa và thể thao; Sở VHTT đang đề xuất bổ sung vốn trung hạn để triển khai công tác lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với 40 công trình, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố cũng như các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn TP.HCM là 2.826 ha (đạt tỷ lệ 1,35% quỹ đất của thành phố). Tuy quỹ đất còn hạn chế nhưng để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến năm 2030, TP.HCM tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm. TP.HCM phấn đấu trở thành Thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án phát triển văn hóa và thể thao, qua đó nghiên cứu, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, quỹ đất quy hoạch đầu tư, nhu cầu sử dụng và định hướng phát triển; từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình, thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án về phát triển văn hóa, thể thao; cơ sở lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực phục vụ phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong 39 quy hoạch trong Danh mục các quy hoạch ngành Quốc gia cần được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Trong quá trình tổ chức triển khai lập quy hoạch, việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân đối với các nội dung dự thảo Quy hoạch là cần thiết, nhằm mở rộng việc tiếp cận, thu thập các thông tin, nhìn nhận đa chiều từ các đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới.
PHƯƠNG ANH - THÙY TRANG, ảnh: TRẦN HUẤN