Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

THANH MAI

VHO - Chiều 17.10, tại Rạp hát Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), Công đoàn Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930-20.10.2024) và công diễn và trao giải Cuộc thi viết và thi sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến pháp luật năm 2024.

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - ảnh 1
Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải phát biểu tại chương trình

Tham dự chương trình có đại diện Đảng uỷ Bộ VHTTDL, lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị Khối Thi đua I thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam, Ban Chấp hành, Ban Nữ công Công đoàn Bộ VHTTDL, Đoàn TNCSHCM Bộ, Văn phòng Công đoàn Bộ, các đơn vị thuộc Bộ trên địa bàn TP Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc Bộ, Ban chấp hành và Ban Nữ công các công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ.

Tôn vinh những “đoá hồng” trong ngành Văn hoá 

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải chia sẻ: “Đã trở thành thông lệ hàng năm, dù bộn bề công việc, nhưng Bộ VHTTDL luôn dành thời gian để tôn vinh, ghi nhận và chúc mừng những đóng góp to lớn của nữ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đối với sự nghiệp phát triển của ngành Văn hoá nói chung và những đóng góp cho hoạt động của Công đoàn nói riêng.”

Nhấn mạnh vai trò thiết yếu của phụ nữ, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải khẳng định, phụ nữ là một phần quan trọng, không thể thiếu của xã hội. Họ là những người bà, người mẹ, người vợ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái, giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình và đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Bởi vậy, tôn vinh phụ nữ chính là ghi nhận những đóng góp của họ cho gia đình và xã hội.

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - ảnh 2
Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Trần Thị Kim Anh và Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải trao tặng giải Nhất cuộc thi viết cho Công đoàn Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và giải Nhất cuộc thi sân khấu hoá cho Công đoàn Nhà hát Tuồng Việt Nam

Có thể nói, lịch sử Việt Nam là câu chuyện về sự dũng cảm và bền bỉ của dân tộc, trong đó phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước và xây dựng đất nước. 

Họ là những tấm gương sáng, kiên cường và dũng mãnh, góp phần viết nên bức tranh lịch sử vĩ đại. Phụ nữ không chỉ là những chiến binh trong cuộc sống mà còn là nguồn cảm hứng trong văn chương và nghệ thuật. 

Chia sẻ quan điểm về hành trình phát triển của phụ nữ, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Thúy Hà bày tỏ, phụ nữ Việt Nam ngày càng trở nên tự tin, chủ động và mạnh mẽ, mang trong mình những phẩm chất cao quý mà Bác Hồ đã trao tặng qua tám chữ vàng. Cùng với sự nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được tôn trọng và đánh giá cao hơn bao giờ hết. Họ không chỉ khẳng định vai trò của mình mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

“Nhiệm vụ của người phụ nữ không chỉ là công dân mẫu mực mà còn là vợ, là mẹ, là con hiếu thảo. Trước những khó khăn của cuộc sống và áp lực từ thị trường, chị em đã thể hiện lòng nhân ái, tình thương gia đình, và là điểm tựa cho gia đình thành công. Người phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình vẻ đẹp và sức mạnh phi thường. Hãy để họ biết rằng, họ là nguồn động viên và sức mạnh lớn lao của xã hội.” Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Thúy Hà bày tỏ.

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - ảnh 3
Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải; Uỷ viên BTV Đảng uỷ Bộ, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm; Trưởng Khối Thi đua I Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ KHCN Hà Quốc Trung trao tặng hoa cho các đại diện nữ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động ngành VHTTDL

Thay mặt toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Công đoàn Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Thúy Hà gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Công đoàn Bộ VHTTDL khi đã dành sự quan tâm, động viên tinh thần toàn thể chị em phụ nữ ngành văn hoá nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.

Nâng cao nhận thức pháp luật bằng “ngôn ngữ” sân khấu

Trong khuôn khổ chương trình, cũng đã tổ chức công diễn và trao giải Cuộc thi viết và sân khấu hoá tuyên truyền phổ biến pháp luật năm 2024. 

Với sự tham gia của 5 đơn vị nhà hát chuyên nghiệp trực thuộc Bộ VHTTDL, chương trình đã đem đến nhiều vở diễn ý nghĩa, không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn chứa đựng thông điệp sâu sắc về việc nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng. Đây còn thể hiện sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật trong việc kết hợp giữa nghệ thuật và giáo dục pháp luật.

Thông qua 5 vở diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã thăng hoa hết mình trên sân khấu, giúp  khán giả dễ dàng tiếp cận nội dung trong các văn bản pháp luật thông qua hình thức nghệ thuật sáng tạo.

Đại diện Ban Giám khảo, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSND Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ: “Một số đơn vị đã khai thác từ những câu chuyện thật diễn ra hàng ngày, trong khi những đơn vị khác lại sáng tạo các tình huống giả định. Dù lựa chọn cách tiếp cận nào, tất cả đều mang đến sức thuyết phục mạnh mẽ.”

Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - ảnh 4
Uỷ viên BTV, Chánh Văn phòng Đảng uỷ Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Hạnh và Trưởng Khối Thi đua I Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ KHCN Hà Quốc Trung trao giải Nhì Cuộc thi viết và sân khấu hoá

Ban Giám khảo đã không đánh giá theo tiêu chí của một kỳ thi sân khấu chuyên nghiệp, mà dựa trên tinh thần thể hiện sự thực hiện dân chủ cơ sở của các công đoàn viên, cùng với việc truyền tải thông tin và thông điệp về cơ chế chính sách thông qua chương trình sân khấu hóa, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSND Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh.

Chương trình không chỉ là một hoạt động văn hóa nghệ thuật, mà còn là dịp để khẳng định tầm quan trọng của việc phổ biến pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội hiểu biết và tôn trọng pháp luật. 

Sự thành công của chương trình đã tạo nên dấu ấn tích cực, khơi dậy niềm đam mê với nghệ thuật và khuyến khích mọi người tham gia vào việc tìm hiểu và thực thi pháp luật trong đời sống hàng ngày.

Về Cuộc thi viết, chương trình trao 4 Giải Khuyến khích, 3 Giải Ba, 2 Giải Nhì, 1 Giải Nhất. Về Cuộc thi sân khấu hoá, Ban Tổ chức thống nhất trao 2 Giải Ba, 2 Giải Nhì, 1 Giải Nhất. 

Với vở diễn trích đoạn Luật dân chủ cơ sở quê tôi, Công đoàn Nhà hát Tuồng Việt Nam xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi sân khấu hoátuyên truyền phổ biến pháp luật năm 2024.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải phong trào cho 9 đội thi tham gia cuộc thi viết.