Sáng tạo, lan tỏa hơn nữa giá trị kho báu di sản

PHƯƠNG ANH

VHO - “Sở hữu một khối lượng đồ sộ hiện vật, tài liệu vô giá, các bảo tàng, khu di tích trong thời gian tới cần sáng tạo, đổi mới hơn nữa nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá giá trị của kho báu di sản văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương chỉ đạo tại buổi làm việc với các bảo tàng, khu di tích về kết quả công tác 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024.

Sáng tạo, lan tỏa hơn nữa giá trị kho báu di sản - ảnh 1
Du khách tham quan Nhà sàn và ao cá Bác Hồ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TR.HUẤN

 Buổi làm việc diễn ra hôm 21.10 tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, với sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng; các bảo tàng, di tích thuộc Bộ.

Nỗ lực trở thành “nam châm” hút khách

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, buổi làm việc nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về tổng kết 9 tháng đầu năm của các đơn vị thuộc Bộ, nêu rõ kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

 Mỗi bảo tàng, di tích đều cần tăng cường chủ động, sáng tạo hơn nữa để trở thành những điểm đến thường xuyên của công chúng và bạn bè quốc tế. Điều này chỉ có được với những triển lãm ấn tượng, những hiện vật độc đáo, các trải nghiệm thú vị… Sở hữu một khối lượng đồ sộ hiện vật, tài liệu vô giá, các bảo tàng, khu di tích cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá giá trị của “kho báu” di sản văn hóa Việt.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

“Vượt qua nhiều thách thức, hoạt động của các bảo tàng, khu di tích thời gian qua đã có những phục hồi, phát triển đáng ghi nhận. Lượng khách đến với các bảo tàng, khu di tích đã tương đương năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Cùng với đó là những sáng kiến, nỗ lực trong chuyển đổi số, thay đổi hình thức hoạt động để thu hút du khách…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận.

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết, tính đến ngày 14.10.2024, Khu di tích đã hoàn thành 90% kế hoạch công tác năm. Điểm sáng là chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024); 15 năm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2009-2024); 70 năm Bác Hồ về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954- 2024). Chuỗi hoạt động phong phú đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, du khách trong nước và quốc tế, tiếp tục khẳng định và lan tỏa vị thế của một di tích quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường học lớn về tấm gương và đạo đức cách mạng của Người.

Sáng tạo, lan tỏa hơn nữa giá trị kho báu di sản - ảnh 2
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG HUY

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đoàn sinh hoạt chính trị đến Khu di tích đã tăng gấp 3 lần, số lượng khách sinh hoạt chính trị tăng gấp 2 lần. Tổng khách tham quan từ ngày 20.11.2023 - 20.9.2024 đạt 2.286.820 khách trong nước và quốc tế. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết, 9 tháng đầu năm, bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ 700.933 lượt khách tham quan, trong đó có 58.496 khách nước ngoài. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công nhiều triển lãm và trưng bày chuyên đề; công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản tư liệu, hiện vật được thường xuyên đẩy mạnh.

Trong những điểm nhấn hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đáng chú ý là hành trình khảo sát, đánh giá hiện trạng và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ hồi hương Tượng nữ thần Dugra để xử lý bảo quản, phát huy giá trị. Lễ tiếp nhận, hồi hương Tượng đồng Nữ thần Durga đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học, văn hóa, di sản và công chúng. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, năm 2024, Bảo tàng đã ứng dụng linh hoạt công nghệ trong hoạt động chuyên môn, tổ chức nhiều trưng bày, các chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm khám phá thú vị. Từ đó tăng cường tương tác và thu hút đông đảo du khách. 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Bảo tàng là 156.971 lượt.

Niềm tự hào đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ dừng lại ở một diện mạo hoàn toàn mới mà hơn thế, những nỗ lực chuyển mình của bảo tàng đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2024 với sản phẩm ứng dụng công nghệ số Không gian Triển lãm mỹ thuật trực tuyến - VAES. Bên cạnh đó là dấu ấn từ chuyến công tác tại Pháp tiếp nhận, kết nối để vận chuyển về nước thành công tác phẩm nghệ thuật do gia đình vua Hàm Nghi tặng. “Trong 9 tháng, bảo tàng đón 82.484 lượt khách và khoảng 70 ngàn khách của các triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động. Chúng tôi cũng đã hoàn thành dự án camera giám sát tại hệ thống trưng bày và sân vườn; tiếp nhận hàng trăm hiện vật và hoàn thành bảo quản, tu sửa 86 hiện vật, tác phẩm…”, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

Do đặc thù nằm trên địa bàn TP Thái Nguyên, lượng khách đến với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam so với các bảo tàng, di tích khác có nhiều hạn chế. Giám đốc Tô Thị Thu Trang cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ 58.394 lượt khách tham quan; trong đó chỉ có 449 khách quốc tế, miễn phí khoảng 30 ngàn lượt đối tượng theo quy định. Với nhiều nỗ lực, Bảo tàng đã triển khai các công việc như tổ chức trưng bày chuyên đề, xây dựng chương trình giáo dục, trải nghiệm, tham quan 6 vùng văn hóa ngoài trời; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian, tái hiện nghi lễ tiêu biểu của đồng bào, xây dựng các tổ hợp trò chơi dân gian tại không gian văn hóa trưng bày ngoài trời...

Sáng tạo, lan tỏa hơn nữa giá trị kho báu di sản - ảnh 3
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: B.LÂM

Tạo sức lan tỏa giá trị di sản

Dù có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn khiến hoạt động của các bảo tàng, di tích vẫn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, mặc dù giá vé thấp nhưng do đời sống kinh tế người dân các dân tộc vùng núi phía Bắc còn nhiều khó khăn nên lượng khách mua vé còn rất ít.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lượng khách tham quan giảm so với cùng kỳ năm 2023 do những tác động chung của nền kinh tế, mặc dù đã có nhiều giải pháp thu hút khách. Công tác sưu tầm hiện vật còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển; một số hiện vật trưng bày có biểu hiện xuống cấp do nhiều năm tuổi… Khu di tích cũng gặp một số khó khăn đặc thù do ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đến công tác bảo quản tài liệu, hiện vật, di tích. Không gian môi trường có vườn cây, thảm cỏ, ao cá, luôn thường trực nguy cơ phát sinh, phát triển các loài côn trùng, nấm mốc, mối mọt… Những khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh phí hoạt động và phục vụ công tác sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị hiện vật… tiếp tục là vấn đề nan giải, tạo rào cản bứt phá đối với các bảo tàng, Khu di tích.

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong, bám sát đề án của Bộ về đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ của các bảo tàng, thời gian vừa qua, các bảo tàng thuộc Bộ đã nỗ lực đổi mới nhằm tăng cường thu hút du khách. Các địa chỉ như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… chủ động ứng dụng công nghệ, từ chuyển đổi số để tạo nên những chuyển đổi mới về diện mạo, chất lượng hoạt động. “Đặc biệt, các bảo tàng đã chú trọng công tác truyền thông, thay đổi tư duy “hữu xạ tự nhiên hương” mà bằng nhiều cách thức để đến gần hơn với công chúng”, ông Phong nhấn mạnh. Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa lưu ý, trong bối cảnh công chúng ngày càng có nhiều hơn những lựa chọn cho đời sống văn hóa tinh thần, bắt buộc các bảo tàng không thể ngồi im, hoặc dịch chuyển chậm. Cần chú trọng nắm bắt tư duy, nhu cầu của du khách để đổi mới, sáng tạo phù hợp, đặc biệt thông qua các trưng bày, ứng dụng chuyển đổi số…

Sáng tạo, lan tỏa hơn nữa giá trị kho báu di sản - ảnh 4
Các em học sinh ở Hà Nội tham quan, học tập tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: NHẬT LINH

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, những điểm sáng của các bảo tàng, di tích đã được thể hiện qua những con số về lượt khách tham quan, các triển lãm, hoạt động kiểm kê, sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị di sản. “Bảo tàng, di tích là lĩnh vực được lãnh đạo Bộ dành sự quan tâm lớn, đặc biệt gắn với mục tiêu tăng cường sự đầu tư cho văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa… Các bảo tàng thuộc Bộ đều có đặc thù, lợi thế về vị trí đẹp, có tính chuyên biệt lớn, sức thu hút với công chúng và giới chuyên môn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng lưu ý, yêu cầu trước hết là mỗi bảo tàng, di tích đều cần tăng cường chủ động, sáng tạo hơn nữa để trở thành những điểm đến thường xuyên của công chúng và bạn bè quốc tế. Điều này chỉ có được với những triển lãm ấn tượng, những hiện vật độc đáo, các trải nghiệm thú vị… “Sở hữu một khối lượng đồ sộ hiện vật, tài liệu vô giá, các bảo tàng, khu di tích cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá giá trị của kho báu di sản văn hóa Việt…”, Thứ trưởng chỉ đạo.

“Song song với công tác tổng kiểm kê, bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật; các triển lãm, trưng bày…, mỗi bảo tàng, di tích cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về những sưu tập, hiện vật độc đáo, qua đó để công chúng biết đến, tìm đến với chúng ta nhiều hơn...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.