Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa

HÀ PHƯƠNG

VHO - Ngày 18.6.2024, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo “55 năm ngày Bác đi xa – 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)”.

Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa - ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969- 2024); 70 năm Bác về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 -2024); 15 năm Khu Di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (2009 - 2024). 

Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước ta, nhân dân ta một di sản văn hóa vô giá- Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969), trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. 

Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa - ảnh 2
Chiếu phim tư liệu: “Những giây phút lúc Bác đi xa”

Sau khi Bác Hồ qua đời, ngày 2.9.1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch luôn được bảo vệ an toàn, chu đáo. Ngày 12.8.2009, Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên. 

55 năm trôi qua, Khu Di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch luôn được lưu giữ vẹn nguyên hơi ấm, hình bóng của Người. Các di tích và hiện vật lưu niệm được giữ gìn và bảo quản tốt nhất. “Nơi đây mang những nét đặc thù riêng biệt, công tác bảo tồn di tích được thực hiện trong điều kiện là một kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Thu hút số lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế, các di tích, tài liệu, hiện vật luôn phải chịu nhiều áp lực từ môi trường khí hậu và con người. Đó là những khó khăn, thách thức để giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn và phát huy di sản của Bác Hồ. 

55 năm qua, các thế hệ cán bộ Khu di tích đã không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo quản, giữ gìn tốt nhất nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm, 55 năm qua Khu Di tích đã phục vụ gần 90 triệu lượt khách tham quan, là trường học lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa - ảnh 3
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu đề dẫn

Đề dẫn hội thảo, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” thiêng liêng, nơi Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.  

55 tham luận tại hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở. Các tham luận khẳng định, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích quốc gia đặc biệt, là một trong số ít di tích còn giữ được tính nguyên gốc, minh chứng sinh động cho tư tưởng, tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân, vì nhân loại tiến bộ trên thế giới. 

Đồng thời, đề cập đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích cùng với sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ; phục vụ khách trong nước và quốc tế đến tham quan học tập tại Khu di tích Phủ Chủ tịch trong 55 năm qua. 

 Từ thực tiễn công tác bảo quản, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, các tham luận nêu những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực, có tính thuyết phục cao. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào công tác bảo quản, phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch nhằm kéo dài tuổi thọ tài liệu hiện vật, gìn giữ nguyên trạng di tích; những giải pháp bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị Khu di tích trong thời kỳ mới...

Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa - ảnh 4
Toàn cảnh hội thảo

Theo GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khu Di tích không chỉ ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã sống, làm việc mà thông qua những hoạt động, những kỷ vật được lưu giữ đã toát lên tư tưởng, phong cách của Người. Những giá trị di sản Hồ Chí Minh trong Khu di tích được thể hiện ở các khía cạnh: Dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích; Tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích; Phong cách sống hài hòa với thiên nhiên, lối sống giản dị, cao quý. 

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một ngôi đền thiêng, là nơi hội tụ và lan toả tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; được làm việc tại Khu Di tích là một vinh dự lớn đối với mỗi cán bộ, nhân viên của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Hội thảo là cơ hội để Khu Di tích tổng kết, đánh giá toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động trong 55 năm qua, để từ đó khẳng định những ưu điểm, tìm ra nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích trong thời gian tới. Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Khu Di tích nên có lộ trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho 5-10 năm tới. 

Phát huy giá trị Khu di tích sau 55 năm ngày Bác đi xa - ảnh 5
Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích chia sẻ những hồi ức về Bác Hồ

Cũng tại hội thảo, những cảm xúc không thể nào quên đã được các nhân chứng lịch sử từng kề cận bên Bác Hồ chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích bồi hồi: “Tôi là một trong những chiến sĩ cảnh vệ được trực tiếp phục vụ bên Bác cho tới khi Người trút hơi thở cuối cùng, khi nhịp đập trái tim Bác chậm dần rồi dừng lại hồi 9h 47 phút ngày 2.9.1969 tại ngôi nhà 67 trong khu vực Phủ Chủ tịch; cũng là một cán bộ đã có mặt từ buổi đầu chăm lo giữ gìn, bảo quản nơi Bác Hồ đã 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch…”.  Với ông Đoàn, kỷ niệm về những năm tháng bên Bác luôn sâu nặng và thiêng liêng. Đó là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. 

Về thăm nơi Bác ở, TS. Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch bày tỏ, nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đã đi sâu vào trái tim, khối óc của nhân dân ta và bạn bè thế giới, hôm nay và mai sau mọi người sẽ hội tụ tại đây để tìm giá trị đích thực cuộc sống của một con người đích thực của lịch sử, và như để có cái may trong cuộc đời mình có một lần được gặp Bác. 

Ông Hoàn nhớ lại, “vinh hạnh trong cuộc đời, tôi đã có mấy năm làm nhiệm vụ của người cận vệ cầm súng canh gác bảo vệ Bác Hồ ở Khu Phủ Chủ tịch này, nên có được những vinh hạnh như hàng ngày được nhìn thấy Người ngồi làm việc, đi bách bộ; chúng tôi thỉnh thoảng được Người trực tiếp đến xem việc ăn uống; được Người cho quà mỗi lần Người đi công tác nước ngoài về; được xem phim với Người vào tối thứ bảy hàng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch; Tết Cổ truyền dân tộc hàng năm, Người mời một bữa cơm tất niên và chụp ảnh chung với Người…”. Sau ngày Bác đi xa, ông Hoàn tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ di sản của Người. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc