Ứng dụng công nghệ hóa học trong bảo quản vật liệu di tích

THU HOÀI

VHO - Ngày 22.10, tại Quảng Nam, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích”.

Ứng dụng công nghệ hóa học trong bảo quản vật liệu di tích - ảnh 1
Bảo quản hiện vật gạch, đá đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn di tích kiến trúc Chăm

 Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước về công tác bảo quản vật liệu đá, gạch, ghi nhận hơn 20 tham luận, ý kiến đến từ đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương có di tích đền tháp Chăm; các đơn vị chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích; các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học…

Đây được xem là một diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích, đặc biệt là các kiến trúc đền tháp Champa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trao đổi, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia về các nội dung liên quan.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn: Thực trạng các vấn đề về quản lý bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới; một số định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ hóa học và bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; khả năng áp dụng cụ thể của các công nghệ, giải pháp, sản phẩm bảo quản các nhóm vật liệu gạch, đá trong di tích...

Bảo quản di tích là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong công tác bảo tồn di tích, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động từ môi trường tự nhiên và xã hội. Quá trình này phải đảm bảo không làm thay đổi các yếu tố gốc của di tích như vị trí, cấu trúc, chất liệu, kỹ thuật xây dựng, chức năng và cảnh quan. Việc bảo quản giúp giữ gìn tối đa tính chân thực và nguyên bản của di tích, từ đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc.

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp bảo quản di tích tiên tiến như hóa học, vật lý và sinh học đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng bảo quản bằng phương pháp hóa học, đặc biệt với các vật liệu trong di tích như gạch và đá đang được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về việc duy trì tính toàn vẹn và gia tăng tính bền vững cho di tích, đồng thời mở ra tiềm năng lớn cho việc bảo tồn lâu dài các di sản văn hóa, lịch sử của đất nước.

Theo Viện Bảo tồn di tích, kết quả của hội thảo được kỳ vọng sẽ đóng góp những cơ sở lý luận khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao hiệu quả, kết nối hợp tác, phát huy khả năng ứng dụng công nghệ hóa học để bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của vật liệu di tích trong công tác bảo quản hiện nay và tương lai. Trong khuôn khổ của chương trình hội thảo, các đại biểu tham quan thực tế một số kết quả ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản bề mặt vật liệu tại di tích tháp Chăm Chiên Đàn, tháp E7, B4 - Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn.