Cấp thiết bảo tồn di tích tháp Chăm 1000 năm tuổi

THU HOÀI

VHO - Tháp Chăm Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII, là một trong những tháp Chăm cổ và là tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn trong lịch sử điêu khắc Champa hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Nam, có giá trị cao về lịch sử và tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm.

Cấp thiết bảo tồn di tích tháp Chăm 1000 năm tuổi - ảnh 1
Công trình tháp Bằng An bị xuống cấp

 Di tích được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989, nằm trên tỉnh lộ ĐT609 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Là tháp Chăm có kiến trúc hình bát giác duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay tại Việt Nam, hiện nằm trên một vùng đất bằng phẳng, có tổng diện tích hơn 4.000m2.

Cấu trúc tháp Bằng An được chia làm hai phần tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có hai cửa ra vào phụ (năm 1940 được trùng tu lại thành hai cửa sổ). Phần đế của tiền sảnh cao 3m loe rộng hơn bằng các đường giật của khối xây, kết thúc bằng các gờ chạy ngang xung quanh. Phần thân tiền sảnh gồm những góc tường thẳng đứng, các khối viền cửa làm cho lòng tiền sảnh có dạng chữ thập. Phía trên phần thân như một đài hoa được tạo bởi các đường giật của khối xây loe rộng ra bốn phía.

Cấp thiết bảo tồn di tích tháp Chăm 1000 năm tuổi - ảnh 2
Chóp tháp Bằng An đang xuống cấp nghiêm trọng

Mái tiền sảnh là một khối chóp bốn mặt cong thu dần về phía đỉnh. Toàn bộ tiền sảnh còn lại đến nay khá nguyên vẹn, tuy nhiên phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang trí ở các cạnh. Phần điện thờ của tháp Bằng An có mặt bằng bát giác. Điện thờ của tháp Bằng An có hình dáng như một khối Linga khổng lồ cao gần 21m, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni. Nhìn xa, điện thờ được phân ba phần rõ rệt: Đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong dần về phía đỉnh. Bên ngoài tháp hiện còn hai pho tượng Gajasimha (tượng voi sư tử) bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bằng An được xây dựng với mục đích thờ cúng và tế lễ. Bên trong tháp thờ thần Shiva, vị thần tối cao của người Chăm. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại bệ thờ. Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, di tích tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m. Về hiện trạng hiện nay của di tích, hai trụ cổng xây gạch đất nung không trát vữa, hai cánh cổng chính đã hoen gỉ, mục nát. Các công trình phụ trợ hư hại nặng, xiêu vẹo không còn sử dụng được,… Ngoài ra, do nằm gần khu dân cư nhưng không có các biện pháp ngăn cách, bảo vệ nên hiện trạng cảnh quan xung quanh tháp hiện nay khá lộn xộn, điều kiện môi trường kém, gây mất mỹ quan.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian gần đây, các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm tu bổ, bảo quản chống xuống cấp, nhưng vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do hạn chế về kinh phí nên các tháp chưa được đầu tư gia cố chống xuống cấp, tiếp tục bị hư hỏng, ngày càng xuất hiện nhiều mảng tường bị mủn nát, bong rộp, nứt… Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã góp phần tạo điều kiện đầu tư, hỗ trợ bảo tồn, tu bổ đối với các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp. Tổng kinh phí thực hiện hơn 90,9 tỉ đồng, có hai di tích quốc gia đặc biệt; 11 di tích quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh trong danh sách được hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL đã lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi di tích tháp Chăm Bằng An và đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 12.2023. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bằng An nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho các cấu trúc của di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8,38 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Trong đó tập trung vào việc bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong quá trình thi công tu bổ di tích. Các hoạt động được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư địa phương có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư địa phương và bảo đảm an toàn cho di tích và khách tham quan.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án sau khi được đầu tư sẽ ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, mất mát, tăng cường độ bền vững, ổn định lâu dài cho cấu trúc di tích có giá trị văn hóa nghệ thuật cao, góp phần bảo tồn địa chỉ văn hóa có giá trị lớn và độc đáo của tỉnh và khu vực trong chuỗi hình thành và phát triển của văn hóa Chăm trong lòng văn hóa Việt. Đồng thời, cũng tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung.

Trước đó, Văn Hóa cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng xuống cấp của một số di tích tháp Chăm ở Quảng Nam, cần nhanh chóng tìm kiếm giải pháp, ứng xử thích hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc