Gian nan phát huy giá trị bảo vật quốc gia (Bài cuối):

Cần có chế tài bảo vệ báu vật

THU TRANG - LÂM SƠN

VHO - Một nghịch lý ngay trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, đó là dường như có sự mâu thuẫn giữa những công phu khi xem xét công nhận danh hiệu và còn “lạnh nhạt” khi bảo vệ, tôn vinh, lan tỏa giá trị danh hiệu được công nhận.

Ghi nhận sự cần thiết của vấn đề mà Văn Hóa đặt ra trong loạt bài này, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục ngồi chờ… “sung rụng”, nhất thiết phải có những chế tài đủ mạnh để bảo vệ, bảo quản và phát huy, để những báu vật quốc gia không còn ngậm ngùi vì nhận thức chưa đúng mức.

 Cần có chế tài bảo vệ báu vật - ảnh 1
Phóng viên Văn Hóa trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài

Nhận thức chưa đến nơi, đến chốn

Nhìn lại dọc hành trình nhóm phóng viên Văn Hóa đã đi thực tế, tìm hiểu thực trạng bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại một số tỉnh, thành, vấn đề nan giải mà nhiều bảo tàng địa phương gọi tên chính là kinh phí. Nơi chi vài chục triệu đồng cho một năm, nơi có đầu tư nhưng nhỏ giọt, cầm chừng trong việc bảo quản hiện vật. Có lẽ lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, bảo vật quốc gia đã được công nhận thì chẳng thất thoát đi đâu, và vì thế, quan tâm bảo quản, phát huy giá trị khi nào cũng không là điều quan trọng.

Liệt kê hàng loạt bất cập khiến công tác phát huy giá trị bảo vật gặp nhiều lúng túng: Kinh phí eo hẹp, cán bộ chuyên môn thiếu và yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhà bảo tàng phần lớn chưa thành hình hài trọn vẹn…, PGS.TS Đặng Văn Bài bức xúc, “không thể lấy đó là lý do biện minh!”. Ông nói, cho đến nay, sau 12 đợt xét công nhận, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. “Chúng ta vẫn quán triệt quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Vậy lẽ nào cả nước lại không đủ kinh phí để bảo quản, phát huy 294 bảo vật hay sao? Nói rằng kinh phí eo hẹp, tôi nghĩ chỉ là một phần nguyên nhân, và cũng không đầy đủ. Gốc gác ở đây là nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc. Một nhà có báu vật mà lại nói rằng tôi không giữ được báu vật chỉ vì không có tiền, có nghe được không?”, ông Bài thẳng thắn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia dẫn một số ví dụ minh chứng giá trị của những bảo vật quốc gia, bên cạnh sự vô giá về mặt tinh thần thì nhìn từ góc độ kinh tế học di sản, mỗi bảo vật là một tài sản khổng lồ. “Trống đồng Ngọc Lũ bây giờ cả chục triệu đô cũng không mua nổi. Tượng đồng Bồ tát Tara ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, riêng đưa đi triển lãm nước ngoài, tiền bảo hiểm cũng đã lên tới 3 triệu đô… Các địa phương sở hữu bảo vật vì thế cần nhận thức lại. Bởi, họ đang may mắn sở hữu những tài sản vô cùng quý giá, cần được trân trọng và phát huy”. Ông Bài cũng thẳng thắn, nói như vậy để thấy rằng, bảo vật quốc gia dẫu là vô giá nhưng nhận thức và sự quan tâm ở nhiều địa phương vẫn chưa đến nơi đến chốn. Nguyên nhân này khiến cho việc bảo quản, phát huy giá trị rất nhiều bảo vật cho đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ, giật gấu vá vai, có điều kiện hơn một chút thì vẫn phải trong cảnh “liệu cơm… gắp mắm”.

Khẳng định nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở không ít địa phương có bảo vật chưa thấu đáo, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng không né tránh khi nói rằng, ở không ít nơi còn xuất hiện hội chứng… danh hiệu. Bảo vật quốc gia cũng không ngoại lệ. Tất nhiên, điều đầu tiên mà mỗi bảo vật quốc gia cần đáp ứng là những tiêu chí nguyên tắc để được công nhận danh hiệu. Nhưng bên cạnh đó, có tình trạng nhiều địa phương mong muốn và rất quyết liệt để có được những bảo vật quốc gia, họ gọi đó là niềm tự hào. Buồn thay, sau khi được công nhận thì bảo vật quốc gia lại chẳng được quan tâm, ưu tiên đặc biệt như cần phải thế. “Tự hào phải gắn liền với trách nhiệm. Tôi thấy vấn đề nhận thức vẫn là nguyên nhân cơ bản mà có lẽ cần xốc lại bằng cả một chiến dịch tuyên truyền, trong đó báo chí đóng vai trò chủ đạo. Các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng trong thời đại công nghệ 4.0 cần được phát huy để lan tỏa, để bảo vệ các giá trị vô giá của từng bảo vật”, ông Bài lưu ý.

Luật Di sản văn hóa ban hành đến nay đã hơn 20 năm và không lâu nữa, Luật sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với đó là các Nghị định, thông tư, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL liên tục được ban hành. Nhưng trên thực tế, cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương trong vấn đề bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia vẫn còn chưa chú trọng. PGS. TS Đặng Văn Bài nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đã rất chủ động trong vấn đề này, nhưng dường như đến chính quyền địa phương lại chưa thấm, dẫn đến sự lãng quên. Nếu nhận thức chỉn chu, xác định đúng tầm vóc, giá trị thì bảo vật quốc gia chắc chắn sẽ không bị ứng xử như thế.

Kinh phí eo hẹp, có đúng không?

Nhìn vào hệ thống các bảo tàng tỉnh, thành, là những địa chỉ lưu giữ các bảo vật quốc gia thì cho đến nay, rất buồn là ít có địa chỉ được xây dựng đến nơi đến chốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những gian nan trong bài toán phát huy giá trị bảo vật quốc gia.

 Cần có những giải pháp triệt để, cụ thể là các chế tài chặt chẽ. Nói một cách sòng phẳng, địa phương nếu mong muốn có được những bảo vật quốc gia thì phải chú trọng, quan tâm phát huy giá trị bảo vật, chứ không phải tệ hại như những gì chúng ta đang chứng kiến.

Nên chăng cần đề xuất với cơ quan chức năng như Cục Di sản văn hóa hay Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia những chế tài thật chặt, ví dụ như kiểm tra định kỳ 5 năm sau khi công nhận bảo vật quốc gia, nếu địa phương không có biện pháp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì danh hiệu đó sẽ bị thu hồi.

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)

PGS.TS Đặng Văn Bài tiếp mạch, rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt ở nhiều địa phương thì bài toán kinh tế không còn là nguyên nhân then chốt. Trong số những địa chỉ cụ thể mà Văn Hóa đã đề cập trong loạt bài như Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hà Tĩnh, Bảo tàng Bắc Ninh…, tất cả đều có vấn đề về trụ sở. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đáng ra có một lợi thế cần phát huy là vị trí trong lòng một di sản thế giới, một đô thị di sản, rất gần với địa chỉ hút khách là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Hơn 31 năm kể từ thời điểm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, đáng buồn là một trụ sở xứng đáng dành cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh cũng chưa được quan tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc những hiện vật, bảo vật quốc gia mà bảo tàng đang sở hữu cũng đối diện nhiều thách thức. Bảo tàng Bắc Ninh dù nằm ở vị trí vô cùng đắc địa, cũng đã có “vỏ” được xây dựng 25 năm qua, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, là bởi địa phương ít quan tâm đến đầu tư cho phần trưng bày, linh hồn của mỗi bảo tàng. “Điều kiện của Bắc Ninh bây giờ không thể lấy lý do nghèo, kinh tế eo hẹp để bao biện. Vẫn chỉ có thể nói đến vấn đề nhận thức, quan tâm rất hạn chế của lãnh đạo tỉnh trong câu chuyện này mà thôi!”.

“Trụ sở như thế, sự quan tâm vầy vậy, số phận các bảo vật quốc gia còn long đong, chờ đợi, dù buồn nhưng cũng là một hệ quả mà chúng ta đã nhìn thấy rõ”, ông Bài chua chát. Trong khi đó, lấy ví dụ về Bảo tàng Quảng Ninh, công trình sau khi ra đời cũng nhận được về không ít ý kiến trái chiều, nhưng điều thấy được từ thiết chế văn hóa này là mỗi năm bảo tàng này thu được 25 tỉ đồng tiền vé tham quan, tự chủ về kinh tế. Nếu nhìn từ đây sẽ thấy rằng, các hiện vật, bảo vật trong mỗi bảo tàng đâu chỉ để “khoe”. Đó chính là lực hút mang đến nguồn lực, nguồn thu cho các Bảo tàng, và cho cả địa phương. PGS.TS Đặng Văn Bài đặt câu hỏi: “Vì sao các bảo vật quốc gia trong tay các nhà sưu tập tư nhân lại được bảo vệ, bảo quản và phát huy tốt như thế?”. Đơn cử như sưu tập cổ vật An Biên ở Hải Phòng, một cá nhân sở hữu đến 18 bảo vật quốc gia. Bảo tàng Nam Hồng ở Bắc Ninh cũng vậy, mỗi hiện vật, bảo vật đều được bảo vệ, bảo quản tuyệt đối kỹ càng. Có mâu thuẫn không khi tiềm lực của một địa phương rõ ràng lớn hơn nhiều so với một cá nhân? Nguyên nhân ở đây cũng được các chuyên gia di sản, bảo tàng phân tích rõ, bởi những nhà sưu tập tư nhân đều nhận thức mỗi bảo vật quốc gia đều có giá trị vô cùng quý giá, đó cũng là kết quả của quá trình sưu tầm vất vả, tâm huyết và đau đáu, cho nên khi may mắn sở hữu bảo vật quốc gia nào cũng đều được các bảo tàng tư nhân trân trọng, ưu tiên bảo quản và phát huy với một cách thức đặc biệt, chế độ đặc biệt.

“Chúng ta hãy thấy tự ái một chút, xấu hổ một chút, để thấy rằng vì sao bảo vật quốc gia được Nhà nước bảo vệ, phát huy lại kém các bảo tàng tư nhân, ngay ở khâu chuyên môn cũng như vậy. Đây cũng là thông điệp cần gửi đến lãnh đạo các địa phương, nơi sở hữu những bảo vật quốc gia vô giá…”, ông Bài gửi gắm.

Cần chế tài nghiêm khắc

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, đã đến lúc phải có các chế tài nghiêm khắc để nâng cao một cách thực chất việc bảo vệ, bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia.

“Cần có những giải pháp triệt để, cụ thể là các chế tài chặt chẽ. Nói một cách sòng phẳng, các địa phương nếu mong muốn có được những bảo vật quốc gia thì phải chú trọng, quan tâm phát huy giá trị bảo vật, chứ không phải tệ hại như những gì chúng ta đang chứng kiến. Nên chăng cần đề xuất lên các cơ quan chức năng như Cục Di sản văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia những chế tài thật chặt, ví dụ như kiểm tra định kỳ 5 năm sau khi công nhận bảo vật quốc gia, nếu địa phương không có biện pháp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì danh hiệu đó sẽ bị thu hồi”, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất. Ông nhấn mạnh, thu hồi danh hiệu bảo vật quốc gia chắc chắn không là chuyện nhỏ với các địa phương. Nhưng đây là một giải pháp mạnh, nếu áp dụng sẽ khiến các địa phương phải giật mình và có những thay đổi. PGS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, để giải quyết những lúng túng trong vấn đề quy chuẩn bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia mà các địa phương đang tâm tư, vướng mắc, rất cần sự chủ động của chính các đơn vị chuyên môn, cụ thể là các Sở VHTTDL, các bảo tàng, di tích tại địa phương. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, vì sao rất ít nơi tính đến giải pháp số hóa bảo vật quốc gia? Đây là việc trong tầm tay, thế nhưng tìm kiếm trên mạng hình ảnh 3D về các bảo vật quốc gia lại vô cùng hiếm thấy.

Ông Bài nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động nhiều hơn, không thể cứ tiếp tục chờ… “sung rụng”. Cụ thể, nếu có vướng mắc trong bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì có thể trực tiếp xin ý kiến Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa để được hỗ trợ, tìm giải pháp tháo gỡ. Tiếng nói để bảo vệ cổ vật cũng cần mạnh mẽ hơn. “Cán bộ bảo tàng cần quyết liệt lên tiếng về tình trạng của từng bảo vật ra sao, đang được phát huy hay bị bỏ bê, lãng quên như thế nào. Không thể chấp nhận hình ảnh những bảo vật như súng thần công ở Bảo tàng Hà Tĩnh, được đăng ký và công nhận là bảo vật quốc gia rồi cuối cùng lại bị ứng xử như thế trong suốt bao năm. Cần có một chiến dịch đồng bộ, quyết liệt hơn trong vấn đề bảo vệ bảo vật quốc gia”, PGS.TS Đặng Văn Bài lưu ý.

Với tầm nhìn xa hơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa đang được Quốc hội xem xét và thông qua thời gian tới, cần có một đầu mục kinh phí đưa vào việc xây dựng hệ thống bảo tàng tỉnh, thành phố theo hướng trọng tâm, trọng điểm; chú trọng kết nối với du lịch nhằm tạo tính lan tỏa cho hoạt động của các bảo tàng. “Trong sự lan tỏa đó, các bảo vật quốc gia có vai trò là những điểm nhấn, là những bảo vật được quan tâm bảo vệ, bảo quản và phát huy với chế độ đặc biệt. Giải pháp đồng bộ thiết nghĩ sẽ là hướng mở để nhiều bảo vật được phát huy giá trị, quan trọng hơn là được thoát ra khỏi tình trạng bị đối xử thờ ơ, được chăng hay chớ như hiện nay…”, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định.

Ý kiến bạn đọc