Gian nan phát huy giá trị bảo vật quốc gia (Bài 2):
Thực cảnh “gắp mắm, liệu cơm”
VHO - Phía sau mỗi bảo vật quốc gia luôn là những câu chuyện về hành trình tìm kiếm, khai quật, bảo vệ, xây dựng hồ sơ… công phu, thậm chí rất gian nan. Nhưng cũng gian nan không kém còn là bài toán bảo quản, phát huy giá trị của những bảo vật có một không hai.
Eo hẹp kinh phí, trụ sở… mượn tạm khiến việc tìm lời giải ở không ít nơi rơi vào tình trạng phải “giật gấu vá vai”. Mong muốn phát huy giá trị bảo vật quốc gia trở nên khó bề trọn vẹn, và giải pháp buộc phải chấp nhận là tình cảnh “gắp mắm” luôn phải… “liệu cơm”.
Phát huy… chắp vá (?!)
Không thảng thốt, giật mình như hiện trạng ở Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, câu chuyện bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Nghệ An có vẻ lạc quan và bài bản hơn. Khi chúng tôi đặt vấn đề tiếp cận, tìm hiểu, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An Nguyễn Trọng Cường liền khoe, bảo tàng đang bảo quản ba bảo vật vô giá, đó là Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và Muôi đúc tượng voi. Những hiện vật đặc biệt này được phát hiện qua các đợt khảo cổ học và được bảo tàng giữ gìn, bảo quản cẩn trọng từ nhiều năm nay.
So với nhiều nơi khác, đúng là ba bảo vật quốc gia của Bảo tàng Nghệ An may mắn hơn khi được bảo vệ, bảo quản với chế độ đặc biệt. Để có thể vào được kho lưu giữ, chúng tôi được nhân viên đưa qua 4-5 lớp cửa khóa kỹ. Ba bảo vật quốc gia được cất giữ trong két, có mã khóa. Nữ nhân viên kho chia sẻ, từ năm 2017, sau khi được công nhận bảo vật quốc gia, Bảo tàng Nghệ An đã thực hiện chế độ bảo vệ, bảo quản chặt chẽ nhằm đảm bảo tối đa các yếu tố an ninh, an toàn. Đặc biệt trong số này có bảo vật Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, hiện vật mang giá trị văn hóa tâm linh nên mọi yếu tố liên quan đều được thực hiện rất nghiêm cẩn. Vừa nói, nữ nhân viên nhẹ nhàng, thận trọng đưa Hộp đựng xá lị ra khỏi nơi lưu giữ. Hộp chứa đựng một phần tinh cốt của Đức Phật sau khi thiêu xong để lại cho hậu thế, được tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn.
“Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn có niên đại thế kỷ thứ VII là hiện vật độc bản, không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bảo tàng Nghệ An luôn cẩn trọng trong bảo quản đối với bảo vật này…”, Giám đốc Nguyễn Trọng Cường khẳng định. Cùng được bảo quản cẩn mật trong két là hai bảo vật quốc gia Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và Muôi đúc tượng voi, thu được trong hai đợt khai quật khảo cổ học lần thứ nhất năm 1973 và lần hai năm 1981 tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc. Thế nhưng, dù được bảo quản trong két và chỉ có thể tiếp cận sau rất nhiều lớp cửa thì quan sát bằng mắt thôi cũng thấy rằng, điều kiện kỹ thuật để bảo quản đặc biệt cho ba bảo vật quốc gia vẫn còn thiếu vắng. Nhân viên bảo tàng cho biết, vì không đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ nên điều hòa chỉ có thể bật 8 tiếng mỗi ngày, khi có người tại kho. Máy hút ẩm hiện cũng phải chuyển sang cho phần trưng bày khác.
Độ ẩm, nhiệt độ bảo quản không đảm bảo ổn định sẽ ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ, sự nguyên vẹn của bảo vật. Chưa kể, hiện chỉ lưu giữ trong kho sẽ không thể đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị bảo vật quốc gia như yêu cầu của Bộ VHTTDL. Giám đốc Nguyễn Trọng Cường đưa chúng tôi lên thăm Phòng Trưng bày Bảo vật quốc gia, hạng mục đang được hoàn thiện. “Mong muốn sớm phát huy giá trị ba bảo vật để giới thiệu tới khách tham quan, tỉnh Nghệ An đã đầu tư kinh phí trên 1 tỉ đồng cho hạng mục này. Phòng Trưng bày bảo vật quốc gia được cải tạo lại từ một phòng chuyên đề”, ông Cường cho biết. Bên trong Phòng trưng bày bảo vật, vị trí trung tâm được đặt tủ trưng bày bảo vật đặc biệt nhất là Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn. Chênh chếch là hộc tủ được bố trí trưng bày hai bảo vật Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và Muôi đúc tượng voi. Thông tin về ba bảo vật và địa chỉ di tích tháp Nhạn, di chỉ làng Vạc… được giới thiệu cặn kẽ trên các bảng tin. Thoạt nhìn tưởng như đây là một thiết kế tương đối khoa học để phát huy giá trị các bảo vật, tuy nhiên, quan sát tổng thể hạng mục này lại cho thấy những băn khoăn. Bởi Bảo tàng Nghệ An dường như đã “đóng khung” phòng trưng bày chỉ dành cho ba bảo vật quốc gia đã có, trong khi tương lai thì hơn 31 ngàn hiện vật của Bảo tàng rất có thể sẽ có nhiều bảo vật quốc gia nữa được công nhận.
Lãnh đạo bảo tàng này ngập ngừng thừa nhận sự lúng túng. Phó Giám đốc Phan Thị Hạ Long cho hay, với diện tích và thiết kế này, nay mai có thêm các bảo vật quốc gia khác thì có lẽ phải tính đến giải pháp trưng bày bảo vật theo dòng lịch sử, xen kẽ những chuyên đề khác, hoặc tháo bỏ tấm biển Phòng trưng bày bảo vật quốc gia, một giải pháp theo kiểu “tình thế”(!) Bà Hạ Long cho biết thêm, các phương án thiết kế, nội dung của phòng trưng bày đã được thông qua bởi các cơ quan chức năng, tuy nhiên, theo đánh giá nghiệm thu của Hội đồng Khoa học, hạng mục này vẫn chưa đảm bảo các yếu tố an ninh an toàn để đưa ba bảo vật ra trưng bày. “Tủ trưng bày Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn chưa đạt chuẩn vì đây là hiện vật sâu tuổi, đòi hỏi khắt khe về chế độ bảo quản, độ ẩm, nhiệt độ ổn định cũng như độ an toàn để phòng chống mất mát. Căn cứ đánh giá nghiệm thu, bảo tàng đã đề nghị đầu tư bổ sung, tiếp tục hoàn thiện phòng trưng bày bảo vật nhằm đảm bảo các yếu tố kỹ, mỹ thuật, hiện đại và an toàn để đưa bảo vật Xá lị Đức Phật ra trưng bày, đáp ứng nhu cầu chiêm bái của nhân dân và du khách…”, theo bà Hạ Long.
Người làm công tác bảo tàng đều nằm lòng quy định, bảo vật quốc gia cần được bảo quản theo chế độ đặc biệt, thế nhưng với điều kiện và sự quan tâm đầu tư có thể nói là “nửa vời” và thiếu tầm nhìn này, thì cũng rất khó cho việc phát huy giá trị một cách đặc biệt. Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn và hai bảo vật quốc gia còn lại đều là những hiện vật mang thông điệp, giá trị độc đáo, có một không hai, nhưng với cách làm lúng túng, thiếu khoa học như hiện nay thì việc bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia một cách đặc biệt, thiết nghĩ chưa biết đến khi nào mới đạt được?
“Liệu cơm, gắp mắm”
Khó khăn về kinh phí, cơ sở hạ tầng cũng đang là thách thức khiến cho công tác bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Thanh Hóa chỉ ở mức… “giật gấu, vá vai”. Giám đốc, Phó Giám đốc và đội ngũ chuyên môn của bảo tàng đều là những cán bộ lâu năm, bởi thế hơn ai hết, họ hiểu rõ để đảm bảo “tính đặc biệt” trong bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia cần đến những gì. Tuy nhiên, với kinh phí đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng, có lẽ phát huy tối đa nhất cũng chỉ có thể làm tạm vài tủ trưng bày, các yếu tố điều hòa, hút ẩm, nhiệt độ theo tiêu chuẩn… cũng khó mà đáp ứng.
Trong số bộ ba bảo vật ngàn năm ở Bảo tàng Thanh Hóa, bảo vật Vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật độc đáo, với kích thước lớn và trọng lượng có thể lên tới 1 tấn. Vạc đồng Cẩm Thủy còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Để phát huy giá trị bảo vật quốc gia này, một phòng trưng bày riêng được thiết kế ngay cửa ra vào trụ sở bảo tàng. Một phòng nhỏ, vạc đồng được đặt trong tủ kính, thiết kế kỹ thuật có các vòng quay để du khách có thể chiêm ngưỡng các họa tiết, hoa văn trang trí trên hiện vật mang biểu tượng quyền uy này.
Nằm ở vị trí khá khuất trên tầng 2 bảo tàng là nơi trưng bày hai bảo vật quốc gia kiếm ngắn núi Nưa và trống đồng Cẩm Giang I. Nếu như Vạc đồng Cẩm Thủy thu hút du khách bởi sự độc đáo, đồ sộ thì kiếm ngắn núi Nưa lại thu hút bởi những chi tiết, kỹ thuật đặc sắc, độc bản. Theo các nhà nghiên cứu, kiếm ngắn núi Nưa là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Bảo vật trống đồng Cẩm Giang I cũng được ghi nhận là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn; được xác định có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm và đến nay chưa có chiếc trống nào giống với chiếc trống này tại Việt Nam.
Cán bộ chuyên môn của bảo tàng ai cũng hiểu, mong muốn bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia thì khó khăn lớn nhất chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thế nhưng, trụ sở hiện nay của Bảo tàng Thanh Hóa vẫn đang chỉ là nhà tạm, không phải đúng nghĩa của một bảo tàng, với đầy đủ những công năng cần thiết. Hoàn cảnh đó khiến chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi, và chỉ có thể loay hoay liệu cơm, gắp mắm…
(Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa TRỊNH ĐÌNH DƯƠNG)
Cùng chúng tôi đến với các điểm trưng bày bảo vật quốc gia trong không gian bảo tàng, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa chia sẻ, trong điều kiện cho phép, cán bộ bảo tàng tỉnh đã cố gắng để đưa các bảo vật quốc gia đến với công chúng bằng nhiều hình thức. “Dự án trưng bày bảo vật quốc gia được xin trong nguồn kinh phí phát triển du lịch của tỉnh. Phòng trưng bày bảo vật Vạc đồng Cẩm Thủy được hoàn thành năm 2020 và mở cửa ngay sau đó, với kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Hai hộp trưng bày bảo vật kiếm ngắn Núi Nưa và trống đồng Cẩm Giang I trên tầng 2 chỉ có kinh phí khoảng 100 triệu đồng”, ông Dương cho biết. Cùng với trưng bày, bảo tàng cũng áp dụng công nghệ số nhằm đa dạng hóa cách thức tiếp cận với các bảo vật, hiện vật như 3D, giới thiệu trên màn hình điện tử các video clip, bài viết, hoa văn trang trí…
Tuy nhiên, dù là một trong những bảo tàng địa phương tiên phong trưng bày, phát huy giá trị bảo vật quốc gia nhưng quan sát điều kiện trưng bày bộ ba bảo vật được xem là vô giá này, chúng tôi nhận thấy việc phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Thanh Hóa đang chỉ theo kiểu… “con nhà nghèo”. Ông Dương bộc bạch, nếu theo đúng quy chuẩn, riêng tủ chuyên dụng trưng bày bảo vật cũng phải đầu tư 500-700 triệu đồng, thậm chí tiền tỉ. Trong khi toàn bộ kinh phí trưng bày cho ba bảo vật tại bảo tàng đến nay mới chỉ trên dưới 400 triệu đồng. Không gian, điều kiện trưng bày chưa có gì đặc biệt, khó đáp ứng đủ các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm…, kể cả phòng trưng bày riêng cho Vạc đồng Cẩm Thủy.
(Còn tiếp)