Gian nan phát huy giá trị bảo vật quốc gia (Bài 1):

Những điều trông thấy mà đau…

THU TRANG - LÂM SƠN

VHO - LTS: Đến nay, Việt Nam đã có 294 nhóm và hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật đều kết tinh trong mình những câu chuyện về lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc. Với giá trị đặc biệt quý hiếm, việc bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia luôn đặt ra yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ở đâu bảo vật quốc gia cũng được bảo quản và phát huy giá trị xứng tầm. Không ít bảo vật đang tồn tại trong tình trạng khắc khoải, thiếu thốn mọi bề. Phát huy giá trị bảo vật quốc gia, ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn là câu chuyện đầy gian nan.

 Những điều trông thấy mà đau… - ảnh 1

    Sau 25 năm có nhà mới, Bảo tàng Bắc Ninh vẫn chưa thể triển khai trưng bày cố định (ảnh lớn) nên nhiều bảo vật quốc gia chỉ trưng bày tạm thời; công tác bảo quản bảo vật vẫn chưa đảm bảo (ảnh nhỏ từ trái qua). Hai trong số bảo vật quốc gia súng thần công bị “xếp kho” tại Bảo tàng Hà Tĩnh (ảnh nhỏ bìa phải). Ảnh: THU TRANG

Chứng kiến cảnh tượng không ít bảo vật quốc gia vô giá đang ngày một bị bào mòn, im lìm khắc khoải trong những kho chứa bệ rạc, không chế độ bảo quản và ngày ngày đối diện với nguy cơ xuống cấp, hỏng hóc…, chúng tôi không khỏi giật mình, xót xa.

 Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ, Bộ VHTTDL hằng năm cũng ban hành văn bản yêu cầu các địa phương có chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt với bảo vật quốc gia. Tiếc rằng, những phương án bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia ở nhiều địa phương vẫn đang là bài toán vô cùng nan giải.

 Những điều trông thấy mà đau… - ảnh 2

 Một khẩu súng thần công được trưng bày tạm thời ngay lối ra vào “Bảo tàng” Hà Tĩnh

Những “kho báu” chịu phận long đong

Bước chân vào trụ sở “ở nhờ” của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh trưng bày sơ sài của một trong ba khẩu súng thần công thuộc nhóm bảo vật quốc gia được công nhận từ năm 2013.

Nguyễn Thị Nhuần, cán bộ thuyết minh của Bảo tàng Hà Tĩnh ngại ngùng: “Đã nhiều năm rồi, Bảo tàng Hà Tĩnh chưa có “nhà”, vì thế không có một không gian cơ bản để trưng bày hiện vật chứ chưa nói đến không gian đặc biệt để phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Đây là một trong ba súng thần công bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng đầu tư kinh phí để phục chế một phần, hai khẩu còn lại đang ở dưới kho…”, thuyết minh viên cho biết. Khẩu thần công trong nhóm bảo vật quốc gia được xem là “hoành tráng” nhất đang được đặt ở ngay cửa ra vào, nơi tạm được gọi là trụ sở của Bảo tàng Hà Tĩnh. Từ năm 2018, Bảo tàng chuyển về địa chỉ này, “ở nhờ” một phần diện tích chật chội trong khuôn viên của Thư viện tỉnh. Sáu năm long đong, trụ sở không có, kinh phí eo hẹp khiến cho bài toán bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia của Bảo tàng càng trở nên rất nan giải. Khẩu thần công sau khi được phục chế một phần trên thân, khảm lại bạc nay cũng đang dần có dấu hiệu oxy hóa trở lại. Xung quanh bảo vật này chỉ chăng một sợi dây đỏ để ngăn người xem lại gần; cũng không có biển bảng giới thiệu. “Với kinh phí ít ỏi, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng hằng ngày chỉ biết… phủi bụi cho bảo vật. Quá trình xuống cấp, oxy hóa trở lại nếu không được bảo quản ở điều kiện tiêu chuẩn sẽ là điều không tránh khỏi”, Nguyễn Thị Nhuần cho biết. Nhân viên này cũng chia sẻ, do chưa có nhà bảo tàng nên không còn cách nào khác, khẩu thần công được bày tại đây để giới thiệu với du khách, hai khẩu còn lại phải đưa xuống kho để cất giữ.

Nơi gọi là kho chỉ cách trụ sở tạm của Bảo tàng vài chục bước chân. Không khỏi giật mình khi đây là một căn nhà cấp bốn cũ, lợp mái tôn và nhiệt độ bên trong nóng hầm hập như một cái lò. Nhà kho này không quạt và đương nhiên, không có điều hòa, hút ẩm theo điều kiện tiêu chuẩn về bảo quản di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia. Nhân viên bảo tàng chia sẻ, vào thời điểm giữa hè, nắng và gió Lào khiến kho nóng như thiêu đốt. Xót xa khi những bảo vật quốc gia bị cất giữ trong điều kiện tứ bề thiếu thốn, thế nhưng nhân viên bảo tàng cũng phải thừa nhận lực bất tòng tâm.

 Có lẽ vì quá cầu toàn, mong có một bảo tàng xứng tầm, đại diện cho bản sắc văn hóa Hà Tĩnh nên cho đến giờ, mục tiêu có được một thiết chế văn hóa Bảo tàng đáp ứng đủ điều kiện, công năng trưng bày vẫn đang… ở phía trước. Chúng tôi cũng không biết khi nào Bảo tàng Hà Tĩnh mới chấm dứt được cảnh không nhà, các bảo vật quốc gia và kho tàng hơn 13 ngàn hiện vật mới hết cảnh long đong như hiện nay…

(Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh ĐẬU KHOA TOÀN)

Mang nỗi trăn trở ấy đến Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, ông Đậu Khoa Toàn trầm tư: “Buồn thì quá buồn! Nhưng hiện giờ Bảo tàng chỉ biết chờ đợi, khắc phục khó khăn tạm thời chứ không còn cách nào khác”. Tháng 8.2003, trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển gần đảo Mắt, cách Cửa Hội 35 km về phía đông, các ngư dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã phát hiện và trục vớt được ba khẩu súng thần công nằm trong một con tàu cổ bị đắm. Những cổ vật quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, quân sự này sau đó đã được đưa về Bảo tàng tỉnh. Năm 2013, ba khẩu súng thần công được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, một dấu mốc mang đến hy vọng những kho báu này sẽ được quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị. Vậy nhưng qua bấy nhiêu năm, ba khẩu súng thần công khi thì nằm lăn lóc ở lối đi, khi thì đặt trong một không gian chật chội, xuống cấp. Lãnh đạo Bảo tàng ở giai đoạn trước từng chia sẻ, đã có tia hy vọng cho những khẩu thần công quý hiếm thoát cảnh long đong, sương gió ăn mòn khi có chủ trương xây dựng bảo tàng mới của tỉnh. Thế nhưng đến nay, chủ trương xây dựng trụ sở bảo tàng mới được nhúc nhích triển khai và những cán bộ bảo tàng vẫn luôn tự đặt câu hỏi chưa biết tới khi nào thì những báu vật quốc gia sẽ thoát cảnh “ăn nhờ ở đậu”, nằm trong những góc nhỏ ẩm thấp như thế này?

 Những điều trông thấy mà đau… - ảnh 3

Nhân viên Bảo tàng Hà Tĩnh dẫn nhóm PV Văn Hóa xuống kho cất giữ bảo vật quốc gia hai khẩu súng thần công, thật thà cho biết: “Để hiện vật như thế này bọn em cũng buồn lắm”

Cùng với ba khẩu súng thần công, tại Bảo tàng Hà Tĩnh còn có chuông chùa Rối, niên đại hơn 600 năm, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2023. Đây là hiện vật gốc độc bản duy nhất, được phát hiện tại khu đất thuộc chùa Rối của xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, trong tình trạng tương đối nguyên vẹn. Báu vật vô giá này từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử xảy ra trong quá khứ hàng trăm năm. Thế nhưng, tình trạng bảo quản, phát huy giá trị của hiện vật này cũng nan giải không kém. Chuông chùa Rối hiện được đặt ngay cạnh vị trí trưng bày tạm của súng thần công, đối diện cửa ra vào của bảo tàng. Dù mang giá trị đặc biệt nhưng các biện pháp bảo vệ, bảo quản xung quanh hoàn toàn không có, cũng không có lấy một tấm biển giới thiệu về bảo vật.

Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho rằng, lãnh đạo tỉnh đã có sự quan tâm, thời gian gần đây đã rất quyết liệt với việc tổ chức tìm vị trí đất xây bảo tàng, thi thiết kế, ban hành Nghị quyết và sẵn sàng đầu tư kinh phí… “Nhưng có lẽ vì quá cầu toàn, mong có một bảo tàng xứng tầm, đại diện cho bản sắc văn hóa Hà Tĩnh nên cho đến giờ, mục tiêu có được một thiết chế văn hóa Bảo tàng đáp ứng đủ điều kiện, công năng trưng bày vẫn đang… ở phía trước. Chúng tôi cũng không biết khi nào Bảo tàng Hà Tĩnh mới chấm dứt được cảnh không nhà, các bảo vật quốc gia và kho tàng hơn 13 ngàn hiện vật mới hết cảnh long đong như hiện nay…”, ông Đậu Khoa Toàn trải lòng.

 Những điều trông thấy mà đau… - ảnh 4

 Vì chưa có vị trí trưng bày cố định nên bảo vật quốc gia bia Xá Lợi Tháp Minh phải đặt yên một địa điểm, chế độ bảo quản là bằng không

Chế độ “đặc biệt”ở đâu?

Nếu Bảo tàng Hà Tĩnh lận đận tới 32 năm vẫn chưa có được một trụ sở đúng nghĩa thì tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, sau 25 năm khánh thành đến nay vẫn chưa có được trưng bày cố định. Phó Giám đốc Bảo tàng Đỗ Thị Thủy bộc bạch, khi trưng bày cố định chưa có, những bảo vật quốc gia không thể có được một vị trí, không gian trang trọng để trưng bày, quảng bá, phát huy giá trị. Đây chính là nghịch lý khiến việc triển khai các quy định về bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia theo chế độ đặc biệt đang tiếp tục vấp phải nhiều thách thức.

25 năm qua, Bắc Ninh đã có Bảo tàng, nhưng trưng bày cố định vốn là linh hồn của thiết chế thì đến nay vẫn chưa biết khi nào mới có. Cái khó bó buộc mọi ý tưởng sáng tạo. Không gian riêng để bảo quản, trưng bày và phát huy các bảo vật còn là tương lai xa vời, nói gì đến chế độ bảo quản, phát huy đặc biệt nữa…

(Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh ĐỖ THỊ THỦY)

Trong gần 20 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia tại Bắc Ninh, có hai bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là bia Xá Lợi Tháp Minh và nhóm bảo vật Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Đưa chúng tôi tới vị trí trưng bày bia Xá Lợi Tháp Minh, bà Thủy cho biết, do chưa có trưng bày cố định, đặc thù của hiện vật lại là chất liệu đá, kích thước lớn và rất nặng, khó di chuyển nên bảo tàng đã đặt bảo vật tại một vị trí để trưng bày. Khi các trưng bày chuyên đề có nội dung không phù hợp, bảo tàng lại phải dùng vải phủ lên tủ kính trưng bày hiện vật nhằm… che giấu.

Dù bất cập nhưng vị trí trưng bày của bảo vật Xá Lợi Tháp Minh vẫn “lý tưởng” hơn nhiều so với tình trạng của nhóm bảo vật Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Nhân viên bảo tàng tỉnh mở kho để chúng tôi tiếp cận với trên 1.100 tấm mộc bản đang được lưu giữ trên những giá sắt, có bản lành, bản vỡ. “Lâu nay, nhóm bảo vật quốc gia có số lượng hiện vật lớn này phải chịu cảnh “nằm kho”, chờ đến khi có trưng bày chuyên đề thì mới lựa chọn một số bản khắc tiêu biểu để đưa đi…”, nhân viên này cho biết. Trả lời về việc bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia theo tinh thần chỉ đạo từ Bộ VHTTDL, Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh Đỗ Thị Thủy cho hay, với số lượng các hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia trên địa bàn, việc bảo tàng đề xuất dự án bảo quản, phát huy riêng đối với hai bảo vật nói trên là không khả thi. “Hằng năm chúng tôi sử dụng nguồn kinh phí từ vốn sự nghiệp để bảo quản bảo vật như chống oxy hóa, mối mọt, trị liệu… Tuy nhiên, chế độ bảo quản đặc biệt cũng như không gian trưng bày trang trọng để phát huy giá trị bảo vật vẫn là điều ngoài tầm tay của bảo tàng”, bà Thủy giãi bày.

Lo lắng những tấm mộc bản theo thời gian sẽ dần xuống cấp, bia Xá Lợi Tháp Minh với giá trị đặc biệt nhưng hằng ngày vẫn phải đặt tại một vị trí chưa phù hợp…, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tâm tư, chỉ đạo của Bộ VHTTDL luôn được các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng thấu hiểu, nhưng điều kiện để đáp ứng lại hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh địa phương.

(Còn tiếp)