Kênh huy động nguồn lực cho bảo tồn di sản Huế

VHO - Quỹ Bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động, được giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý. Đến nay đã có hơn 8 tỉ đồng đóng góp ủng hộ cho quỹ và bước đầu triển khai trùng tu các hạng mục di tích.

Kênh huy động nguồn lực cho bảo tồn di sản Huế - Anh 1

 Nghệ nhân trang trí con giống để lắp đặt trên công trình di tích điện Thái Hòa, Đại Nội Huế

Công trình di tích lăng Xương Thọ, nơi an nghỉ của Hoàng Thái hậu Từ Dụ được khởi công từ năm 2023, đang được triển khai tích cực và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6 tới. Đây là dự án được triển khai từ nguồn xã hội hóa, mà cụ thể là thông qua sự đóng góp của dòng họ Phạm Đăng mà đại diện là gia đình bà Phạm Đăng Túy Hoa vào Quỹ Bảo tồn di sản Huế.

Cơ hội để huy động nguồn lực

Hoàng Thái hậu Từ Dụ (1810-1901) vốn là Quý phi của vua Thiệu Trị và là mẹ của vua Tự Đức. Bà đã sống qua 8 đời vua triều Nguyễn, gồm: vua Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Sau khi bà mất, lăng Xương Thọ được dựng trong khuôn viên lăng vua Thiệu Trị tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, cách trung tâm TP Huế khoảng 8 km. Lăng được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, có tường thành cao hơn 3m xây bằng gạch vồ với hai lớp bao quanh, trước có hồ bán nguyệt. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, kiến trúc lăng còn khá nguyên vẹn song nhiều hạng mục đã xuống cấp, nhiều bức tường trước lăng mộ, khu vực hồ bán nguyệt bị sụp đổ. Dự án trùng tu lăng Xương Thọ lần này sẽ tiến hành tu bổ các hạng mục gồm: hệ thống la thành, bình phong, hồ cảnh quan…

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đồng thời là Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản Huế thông tin: Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã nhận được hơn 8 tỉ đồng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị. Trong đó, gia đình bà Phạm Đăng Túy Hoa có đóng góp lớn với 6,8 tỉ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo công trình di tích lăng Hoàng Thái hậu Từ Dụ. Ngoài ra, gia đình bà Hoa còn tặng thêm 100 cây tùng để trồng và tôn tạo cảnh quan xung quanh di tích, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là một hành động tri ân tiền nhân và hơn hết là rất tâm huyết với công cuộc bảo tồn di sản Huế. Trước đây, một số địa phương muốn hỗ trợ cho Huế triển khai bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhưng theo quy định không thể dùng ngân sách của tỉnh, thành này để hỗ trợ cho tỉnh khác. Sau khi Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế, và Chính phủ thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế là cơ hội để huy động nguồn lực từ những tổ chức, cá nhân quan tâm đến di sản văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế.

Kênh huy động nguồn lực cho bảo tồn di sản Huế - Anh 2

 Dự án tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) sắp hoàn thành

Nhiều giải pháp để huy động nguồn lực

Quỹ Bảo tồn di sản Huế được Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động của quỹ tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP. Quỹ Bảo tồn di sản Huế hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1996 đến nay, các nguồn vốn Trung ương và địa phương đã bố trí hơn 2.265 tỉ đồng thực hiện tu bổ, phục hồi hơn 180 công trình và hạng mục công trình di tích tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều di tích và hạng mục công trình di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, cùng với đó là những công trình di tích dễ bị ảnh hưởng với thời tiết, thiên tai, nguy cấp... Cơ chế của Quỹ Bảo tồn di sản Huế cũng sẽ giúp cho địa phương chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp. Cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn di sản Huế trong cán bộ, người lao động của đơn vị. Với nhiệm vụ được giao về công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế, hàng trăm cán bộ và người lao động đã cùng đóng góp, ủng hộ quỹ. Theo ông Hoàng Việt Trung, đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm vui khi chính những người tham gia công tác giữ gìn, bảo tồn di sản đi đầu trong việc hưởng ứng và đồng hành cho di sản Huế. Từ đó lan tỏa ý nghĩa và hành động đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở những nơi khác.

“Thời gian tới, với nhiệm vụ được giao, Trung tâm sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Nhưng trước hết là tuyên truyền để cộng đồng hiểu thêm nội dung ý nghĩa của quỹ để cùng chung tay cho công cuộc bảo tồn di sản. Không phải là ủng hộ quỹ số tiền nhiều hay ít, mà quan trọng là bày tỏ sự quan tâm đến di sản của mọi tầng lớp nhân dân”, ông Trung nói. Hiện nay bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị rất quan tâm đến bảo tồn di sản Huế nhưng không có nhiều nguồn lực. Trung tâm sẽ kết nối, phát động đến các doanh nghiệp có điều kiện và tâm huyết với di sản văn hóa; đồng thời cũng có thể kêu gọi một số tỉnh, thành trong nước ủng hộ quỹ. “Ý nghĩa lớn chính là đóng góp cho quỹ của quốc gia chứ không riêng gì cho Huế, vì di sản Huế là của cả đất nước. Quần thể di tích Cố đô Huế rất nhiều dự án cần được tu bổ và rất cấp thiết, nên từ nguồn lực của quỹ để lựa chọn phân bổ phù hợp tùy theo quy mô, tính chất của công trình di tích cần trùng tu, bảo tồn. Quỹ Bảo tồn di sản Huế không chỉ dành cho các di tích ở Quần thể Di tích Cố đô Huế mà còn nhiều di tích văn hóa, di sản phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh”, Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản Huế nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2024, Quỹ Bảo tồn di sản Huế cũng ra mắt website tại địa chỉ http://quydisanhue.vn và cung cấp đầy đủ thông tin, công khai việc kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân dành cho quỹ. Những tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ cũng được thông báo trên website này. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc