Gian nan phát huy giá trị bảo vật quốc gia (Bài 4):

Ưu tiên thì ít, ưu tư còn nhiều

THU TRANG - LÂM SƠN

VHO - Nhiều năm trở lại đây, Bộ VHTTDL liên tục có văn bản gửi các địa phương về tăng cường bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, trong đó đã nhấn đi nhấn lại, cần ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp trang thiết bị chuyên dụng dành cho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng.

Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều nơi đã, đang phải “giẫm chân tại chỗ” vì nhà bảo tàng chưa có nói gì đến trưng bày hiện vật. Không ít địa phương vì nguồn kinh phí quá eo hẹp, thậm chí cấp nhỏ giọt nên việc bảo quản, phát huy hiện vật rơi vào tình trạng… cầm chừng. Vì thế, từ chỗ đáng ra được ưu tiên cấp kinh phí thì lại gặp cảnh ưu phiền, khó nói.

 Ưu tiên thì ít, ưu tư còn nhiều - ảnh 1
Không biết đến bao giờ bộ ba bảo vật quốc gia súng thần công ở Bảo tàng Hà Tĩnh mới được “đoàn tụ”

Trưng bày bằng cách… “mở kho”

Tâm sự với chúng tôi, nhiều Giám đốc Bảo tàng tỉnh phân trần, dẫu biết rằng bảo vật quốc gia mang trong mình biết bao giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ, mỹ thuật của cha ông, là những hiện vật độc hiếm trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, cần phải được bảo quản nghiêm ngặt, trưng bày trang trọng, với thiết bị chuyên dụng để đáp ứng nhu cầu tham quan của công chúng, nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên việc thực hiện theo yêu cầu của Bộ VHTTDL cũng chỉ chừng mực. Nói cách khác, vì kinh phí hằng năm cấp cho bảo tàng tỉnh phục vụ cho công tác bảo vệ, bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia rất khiêm tốn, bởi vậy việc bảo quản, phát huy bảo vật gặp khó khăn đủ điều. Mỗi năm chỉ có từ hai đến ba trăm triệu đồng để bảo quản cho hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh với đủ chất liệu, kích thước, trọng lượng khác nhau “thì thấm vào đâu”.

Ông Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Đậu Khoa Toàn vò đầu, bứt tai khi nói về định mức bảo quản hiện vật, bao gồm bảo vật quốc gia trong khi họ vẫn phải “ăn nhờ ở đậu” hàng xóm là Thư viện tỉnh. Hằng năm, bảo tàng cũng sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị, và muốn có thêm kinh phí bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia với trang thiết bị chuyên dụng, đơn vị cũng đã làm nhiều cách. Nhưng khi Bảo tàng làm việc với các Sở, ngành chức năng của tỉnh về nguồn kinh phí bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia, “họ bảo chúng tôi là, các anh căn cứ vào đâu để xây dựng định mức bảo quản như thế. Cứ đưa ra căn cứ pháp lý, văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ xem xét, còn không thì… cầm đề án về”. Cũng liên quan đến việc bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia, ông Toàn đầy trầm tư, “cấp trên yêu cầu việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được đặt trong chế độ đặc biệt. Chúng tôi rất thấu hiểu “đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt” là gì, nhưng để diễn giải cụ thể, chi tiết trên văn bản, giấy tờ trong đề án cũng cảm thấy lúng túng thật sự”.

 Ưu tiên thì ít, ưu tư còn nhiều - ảnh 2
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đang chờ Sở, ngành chức năng phê duyệt phương án đóng gói và kinh phí di chuyển bảo vật quốc gia bệ thờ Vân Trạch Hòa đến nơi “ở tạm”. Ảnh: SƠNTHÙY

Cùng chịu cảnh “nay đây mai đó”, nghĩa là chưa có một công trình bảo tàng đúng nghĩa với đầy đủ công năng của nó nên Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang gặp muôn vàn khó khăn trong công tác bảo vệ, bảo quản, chứ chưa nói đến phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Hiện bảo tàng này đang lưu giữ, bảo vệ, bảo quản hai bảo vật quốc gia: Bộ chóp tháp Chăm Pa Linh Thái (niên đại thế kỷ VII-VIII) và bệ thờ Vân Trạch Hòa (niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2024 này, toàn bộ hiện vật của bảo tàng sẽ được chuyển đến một nơi mới để ở… tạm. Vì điều kiện “tạm bợ” như vậy, các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia sẽ được bảo vệ, bảo quản trong kho, còn công tác phát huy giá trị sẽ tính đến phương án “kho mở”.

Phương án mở này chắc sẽ phải còn lâu lắm, hơn nữa trong thuật ngữ của bảo tàng không có khái niệm “kho mở” vì kho là nơi cất giữ, bảo vệ, bảo quản hiện vật với điều kiện khá nghiêm ngặt, không phận sự miễn vào thì làm sao có thể để cho công chúng tham quan, thưởng ngoạn. Điều đó thật xa vời. Và xa vời hơn chính là sự ưu tiên kinh phí để cải tạo, nâng cấp trang thiết bị chuyên dụng dành cho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng. Nhìn vào cảnh Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là thấy rõ.

 Ưu tiên thì ít, ưu tư còn nhiều - ảnh 3
Do thiếu sự quan tâm nên suốt nhiều năm qua Bảo tàng Bắc Ninh không thể trưng bày cố định, bảo vật quốc gia chỉ đặt tại vị trí khiêm tốn

Vẫn là vấn đề kinh phí

Trong một nỗi niềm đầy ưu tư khác là “gia cảnh” của Bảo tàng Bắc Ninh. Nỗi niềm này không chỉ riêng của cán bộ, nhân viên bảo tàng nơi đây mà còn là của giới chuyên môn. Có thể nói, Bảo tàng Bắc Ninh tọa lạc ở một vị trí không thể đắc địa hơn, nhìn bề ngoài ai cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ, là niềm mong mỏi của nhiều địa phương khác, thế mà…

Hơn mười năm nay bảo tàng không thể tổ chức trưng bày cố định. Bộ phận kho bảo quản hàng ngàn hiện vật với đủ chất liệu cũng rơi vào cảnh cho có, không hề có một quy chuẩn nào được áp dụng, họa chăng lắp máy điều hòa, phun hóa chất... Vì sao như vậy? Vì khi xây dựng bảo tàng này người ta không hề chú ý nội dung thiết kế trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề, trưng bày điểm nhấn, và kho tàng cũng thế. “Ở bầu thì tròn”, cán bộ, nhân viên nơi đây phải ra sức sáng tạo để cố gắng đưa hiện vật, bảo vật quốc gia ra trưng bày. Bảo vật quốc gia bia Xá lợi Tháp Minh được trưng bày ở vị trí rất khiêm nhường, còn nhóm hiện vật Mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh là bảo vật quốc gia thì phải cất kho. Sự thể trên có ai biết không? Xin thưa, dường như ai cũng hiểu rõ. Bằng chứng là cách đây hơn mười năm, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trưng bày nội thất bảo tàng với kinh phí 160 tỉ đồng. Thế nhưng thời gian cứ trôi qua, văn bản phê duyệt ấy vẫn cứ nằm trên giấy, niềm vui và sự mong mỏi của cán bộ, nhân viên bảo tàng ngày một vơi dần. Thấm thoắt đã hơn mười năm, dự án cải tạo nội thất trưng bày Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thấy có dấu hiệu tái khởi động trở lại. Bà Đỗ Thị Thủy, Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh nói rằng, “tôi gắn bó cuộc đời với bảo tàng, nay sắp về hưu rồi, chỉ mong Sở, ngành quan tâm quyết liệt để bảo tàng đúng nghĩa là bảo tàng cấp tỉnh”. Trong trường hợp này, nếu thật sự ưu tiên kinh phí để bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia, thì ai đó sẽ nghĩ rằng, ưu tiên như thế chẳng khác gây ưu phiền lên nhau.

 Ưu tiên thì ít, ưu tư còn nhiều - ảnh 4
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo sau khi hồi hương đã được tư nhân bảo quản trang thiết bị chuyên dụng: Kính chống vỡ; chạm tay vào hộp kính chuông báo động kêu và đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ

Không gặp khó về cơ sở hạ tầng nhưng Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà lại chia sẻ một lúng túng khác trong ứng xử với bảo vật quốc gia. Theo ông, hiện nay các bảo tàng có bảo vật phần lớn chỉ tập trung vào bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng nghiêm ngặt quá thì vô hình trung lại ngăn cản sự lan tỏa, bảo vật quốc gia mà phần lớn lại chỉ để trong kho. “Bảo tàng Hà Nội thuận lợi hơn vì các bảo vật, nhóm bảo vật được công nhận là kim loại, gốm, nhưng nhiều bảo vật, hiện vật khác lại có chất liệu dễ bị hư hại, khó bảo quản và cũng chưa có hướng dẫn nào mang tính quy chuẩn. Đây là một vấn đề nan giải trong hoàn cảnh các bảo tàng đang thiếu đội ngũ nhân sự là kỹ sư bảo quản, rất lúng túng…”, ông Đà nói.

Vấn đề này tôi đã nói từ lâu và tôi không nói lại nữa, vì có nói tiếp cũng không thay đổi được gì nhiều. Nhưng nói gì thì nói, đầu tiên vẫn là kinh phí. Ở bảo tàng tỉnh, như tôi biết, kinh phí rất eo hẹp cho việc bảo vệ, bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia. Mỗi năm chỉ cấp vài trăm triệu thì làm sao có thể bảo quản tốt được.

Trong khi đó quy chuẩn bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia lại đòi hỏi rất cao, cả về mặt kinh phí lẫn kỹ thuật. Đơn cử, một tủ bệ bảo quản, trưng bày chuyên dụng cho bảo vật quốc gia có xuất xứ Trung Quốc đã lên đến nửa tỉ đồng, còn ở châu Âu là cả tỉ đồng. Thử hỏi đã địa phương nào làm được.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, lúng túng trong việc bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia tại nhiều bảo tàng tỉnh hiện nay, một chuyên gia về bảo tàng và thẩm định cổ vật (đề nghị giấu tên) cho biết: “Vấn đề này tôi đã nói từ lâu và tôi không nói lại nữa, vì có nói tiếp cũng không thay đổi được gì nhiều. Nhưng nói gì thì nói, đầu tiên vẫn là kinh phí. Ở bảo tàng tỉnh, như tôi biết, kinh phí rất eo hẹp cho việc bảo vệ, bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia. Mỗi năm chỉ cấp vài trăm triệu thì làm sao có thể bảo quản tốt được. Trong khi đó quy chuẩn bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia lại đòi hỏi rất cao, cả về mặt kinh phí lẫn kỹ thuật. Đơn cử, một tủ bệ bảo quản, trưng bày chuyên dụng cho bảo vật quốc gia có xuất xứ Trung Quốc đã lên đến nửa tỉ đồng, còn ở châu Âu là cả tỉ đồng. Thử hỏi đã địa phương nào làm được”. Ngừng một lát, ông nói tiếp: “Khó khăn nhất trong việc bảo quản, phát huy hiện vật, bảo vật quốc gia vẫn là vấn đề kinh phí, sau đó mới đến trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên bảo tàng”.

Cần phải nhắc lại, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, gần đây nhất là tháng 4 năm ngoái, và luôn nhấn mạnh: Đối với công tác bảo quản bảo vật quốc gia cần ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng dành cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tại di tích, để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt; quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các chuyên gia về bảo quản. Về phát huy giá trị bảo vật quốc gia cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Thử hỏi, hiện có bao nhiêu địa phương đáp ứng được những đề nghị trên? Câu trả lời vẫn đang phải chờ, và phụ thuộc từ sự thay đổi nhận thức; cách ứng xử với bảo vật quốc gia của mỗi địa phương. 

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc