Gian nan phát huy giá trị bảo vật quốc gia (Bài 3):

Quy chuẩn nào cho chế độ “đặc biệt”?

THU TRANG - LÂM SƠN

VHO - Điều băn khoăn nhiều nhất trong giới chuyên gia bảo tàng, di sản về chế độ bảo quản và phát huy đặc biệt đối với bảo vật quốc gia chính là việc đến nay chưa có một khung tiêu chí mang tính quy chuẩn, làm cơ sở triển khai tại các bảo tàng, di tích.

 Quy chuẩn nào cho chế độ “đặc biệt”? - ảnh 1

 Bảo vật quốc gia bộ sưu tập vũ khí Giảng Võ Trường đang được trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Hà Nội

 Thực tế này dẫn đến việc bảo quản, phát huy những kho báu di sản đang diễn ra muôn hình vạn trạng. Cái khó bó cái khôn, trong khi chuyên gia bảo tàng nào cũng rõ, bảo vật quốc gia ngay khi được công nhận thì “quyền” của nó đã là phải được ứng xử một cách đặc biệt.

Yêu cầu bảo quản, phát huy đặc biệt

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Hà chia sẻ, đơn vị đang là địa chỉ lưu giữ số lượng bảo vật quốc gia nhiều nhất trong hệ thống các bảo tàng, di tích trên toàn quốc. 26 hiện vật trong tổng số hơn 200.000 tài liệu, hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, 14 bảo vật được trưng bày thường xuyên trên hệ thống chính và ngoài sân vườn; 12 bảo vật được lưu giữ tại kho và thường xuyên được trưng bày phát huy giá trị.

 Nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong công tác bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia, xứng tầm với những giá trị độc đáo của từng bảo vật, rất cần có một hệ thống quy chuẩn đồng bộ, với các tiêu chí cụ thể để từ đó các bảo tàng có cơ sở xây dựng các đề án, dự án bảo quản, phát huy những kho báu này.

(Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia NGUYỄN VĂN HÀ)

Chế độ bảo vệ, bảo quản và phát huy đặc biệt đối với bảo vật quốc gia không chỉ quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa mà thường xuyên được nhắc lại trong những chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Tổ chức xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt; ưu tiên kinh phí cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình quảng bá giá trị… là những yêu cầu được Bộ VHTTDL nhấn mạnh trong công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Ông Hà cho biết, 26 bảo vật quốc gia dù trên hệ thống trưng bày hay trong kho luôn được bảo tàng gia áp dụng chế độ bảo quản đặc biệt. “Điều quan trọng nhất đối với từng bảo vật quốc gia chính là cách ứng xử, chế độ bảo quản cũng như các hình thức phát huy giá trị trong đời sống. Bản thân mỗi hiện vật đã là một bảo vật, và khi được công nhận bảo vật quốc gia thì điều cần thiết là phải có cách ứng xử xứng tầm”, Phó Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh.

Với vị thế, cơ ngơi được xem là lý tưởng, cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu rõ ràng đã tạo nên lợi thế khó cạnh tranh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong công tác bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Ông Hà chia sẻ, những kho báu bảo vật đã tạo nên lực hút khó cưỡng, du khách đến với bảo tàng là tìm đến chiêm ngưỡng những trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê hay các bảo vật trưng bày ngoài trời như bia Võ Cạnh, bia điện Nam Giao; cây hương chùa Tứ Kỳ… Cùng chúng tôi tới vị trí trưng bày ngoài trời của bảo vật bia điện Nam Giao (niên đại năm 1679, thời Lê Trung Hưng), ông Hà cho biết: “Những bảo vật quốc gia trưng bày ngoài trời luôn đối diện với nhiều nguy cơ. Để bảo vệ bia điện Nam Giao khỏi nguy cơ xâm hại, bào mòn bởi sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian, bảo tàng đã đề xuất Bộ VHTTDL cấp kinh phí làm mái che. Các chuyên gia bảo tàng cũng thường xuyên thực hiện các chế độ bảo quản như đánh, cọ rửa rêu mốc... nhằm giữ gìn tuổi thọ cho bảo vật”. Hai bảo vật quốc gia cùng trong hệ thống trưng bày ngoài trời gồm bia Võ Cạnh, cây hương chùa Tứ Kỳ cũng thường xuyên được bảo tàng áp dụng chế độ bảo quản đặc biệt. Bia Võ Cạnh đã có mái che từ năm 2016; cây hương chùa Tứ Kỳ dự kiến sẽ làm mái che bảo vệ trong thời gian tới.

 Quy chuẩn nào cho chế độ “đặc biệt”? - ảnh 2

Không gian trưng bày cố định bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Lãnh đạo bảo tàng này cho biết, 23 bảo vật quốc gia còn lại trong hệ thống trưng bày và bảo quản tại kho cũng luôn được tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ, bảo quản, với hệ thống tủ bảo ôn, điều hòa, hút ẩm, bảo vệ an ninh an toàn… đạt chuẩn. “Các hiện vật trưng bày được đặt trong chế độ bảo quản đúng quy chuẩn. Bảo vật lưu giữ trong kho được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… tiêu chuẩn, một số được bảo quản tại kho đặc biệt, một số được bảo quản tại các kho khác nhau nhưng đều được dành không gian riêng như đặt trong tủ bảo ôn, có nhiệt độ môi trường đảm bảo ổn định”, theo ông Hà. Khối lượng đồ sộ bảo vật quốc gia cũng đặt ra cho bảo tàng bài toán phát huy giá trị.

Những kho báu di sản bằng nhiều cách thức đã được tạo những không gian lý tưởng để giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. Sau chuyến “chu du” trời Âu từ 2016-2018, mộ thuyền Việt Khê, bảo vật quốc gia được công nhận đợt 2 năm 2013 luôn là một trong những điểm nhấn tạo sức hút đông đảo du khách tham quan đến bảo tàng... “Ở trong nước, đã có nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề có các bảo vật quốc gia là điểm nhấn. Đặc biệt, năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia Việt Nam, thu hút đông đảo khách tham quan. Năm 2021, 20 bảo vật quốc gia xuất hiện lộng lẫy trên hệ thống trưng bày 3D, đồng thời với sự kiện Bảo tàng ra mắt ấn phẩm về Bảo vật quốc gia…”, Phó Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Hà cho biết.

Lãnh đạo Bảo tàng đưa chúng tôi tới tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên, nơi những bảo vật quốc gia vô giá như trống Hoàng Hạ, trống Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, chuông Vân Bản… đang hiện diện mỗi ngày, tiếp đón du khách ở những không gian trang trọng, cuốn hút nhất. Đây là điều lý tưởng mà không phải bảo vật quốc gia nào cũng may mắn sở hữu.

“Đặc biệt” theo quy chuẩn nào?

Nhưng điều kiện lý tưởng như ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì có lẽ rất hiếm bảo tàng, di tích trong cả nước có được. Vậy nên số phận của gần 300 bảo vật quốc gia sau 12 đợt công nhận cho đến nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ về bảo quản và phát huy giá trị. Quy chuẩn nào cho những chế độ bảo quản, phát huy đặc biệt?

Theo nhiều chuyên gia bảo tàng, cho đến nay những tiêu chí quy chuẩn, cụ thể để làm cơ sở triển khai tại các bảo tàng vẫn còn thiếu vắng. Thực tế này dẫn đến việc bảo vệ những kho báu đang diễn ra muôn hình vạn trạng, nơi có điều kiện thì làm theo kiểu “con nhà giàu”, và ngược lại. Ngay như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, dù là cơ ngơi mơ ước của nhiều bảo tàng, nhưng không phải bài toán co kéo, thiếu hụt kinh phí cho công tác bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia chưa từng diễn ra. “Nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong công tác bảo quản, phát huy bảo vật quốc gia, xứng tầm với những giá trị độc đáo của từng bảo vật, rất cần có một hệ thống quy chuẩn đồng bộ, với các tiêu chí cụ thể để từ đó các bảo tàng có cơ sở xây dựng các đề án, dự án bảo quản, phát huy những kho báu này”, ông Hà nhấn mạnh. Tiêu chí bảo vệ, bảo quản bảo vật trên hệ thống trưng bày, trong kho cần theo những quy chuẩn gì. Các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… như thế nào. Đặc biệt là vấn đề phát huy, quảng bá giá trị các bảo vật quốc gia… “Hiện nay hầu hết bảo tàng tại các địa phương đều đang lúng túng, gặp khó trong vấn đề này”, ông Hà cho hay.

 Quy chuẩn nào cho chế độ “đặc biệt”? - ảnh 3

 Nhà che bảo vật quốc gia bia điện Nam Giao trong không gian trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Những trăn trở này không của riêng ai. Tại Bảo tàng Hà Nội, địa chỉ sở hữu cơ sở hạ tầng thuộc top đầu trong hệ thống bảo tàng của cả nước, ứng xử với bảo vật quốc gia như thế nào cho xứng tầm cũng luôn được đặt ra như một bài toán thường trực. Giám đốc Nguyễn Tiến Đà bộc bạch, trong những năm qua, các bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Hà Nội gồm trống đồng và bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa; chuông Thanh Mai; chân đèn gốm thời Mạc… luôn được chú trọng bảo vệ, bảo quản, đặc biệt là việc trưng bày, phát huy giá trị. “Trong thiết kế trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội, bảo vật quốc gia chính là những “kho báu” vô giá mà bảo tàng muốn khoe. Bởi vậy, chúng tôi thiết kế yếu tố nhận diện để công chúng dễ nhận biết và tham quan, chiêm ngưỡng. Bảo tàng Hà Nội cũng bố trí kho bảo quản đặc biệt dành cho các bảo vật quốc gia, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, trang thiết bị bảo quản, đồng thời thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành để có giải pháp bảo quản tốt nhất…”, ông Đà cho biết.

Tính toán dành không gian trưng bày đặc biệt, tạo điểm dừng chân tại các vị trí đặt bảo vật quốc gia trong quá trình xây dựng, cải tạo không gian trưng bày, Giám đốc Nguyễn Tiến Đà chia sẻ, hệ thống tủ với trang thiết bị đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng sẽ được Bảo tàng Hà Nội đặt hàng để phát huy cao nhất hiệu quả trưng bày các bảo vật quốc gia, kèm theo là nhận diện đồ họa tạo điểm nhấn, sức thu hút cho những kho báu di sản này. Tuy nhiên, theo ông Đà, những quy chuẩn cần thiết về chế độ bảo quản, phát huy đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia vẫn đang lúng túng ở nhiều đơn vị mà Bảo tàng Hà Nội không là ngoại lệ. “Dù nỗ lực để có những điều kiện bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia lý tưởng nhất, nhưng trên thực tế nhiều bảo tàng vẫn gặp nhiều cái khó trong đáp ứng yêu cầu “đặc biệt”. Quy chuẩn cho những chế độ đặc biệt là gì, hiện các bảo tàng rất cần có những tiêu chí cụ thể, tránh sự lúng túng khi triển khai. Chẳng hạn, đối với nhóm bảo vật quốc gia sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ đang được Bảo tàng Hà Nội lưu giữ và trưng bày, việc cần phải đáp ứng những tiêu chí bảo quản đặc biệt như thế nào vẫn luôn là vấn đề thường trực được đặt ra. Bởi với chất liệu đồng, những hiện vật này rất dễ bị xuống cấp, ăn mòn, cần được chăm sóc đặc biệt…”, ông Đà bộc bạch.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc