Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024:

Bản hòa ca từ truyền thống đến hiện đại

SƠN THÙY

VHO - Gần 30 đoàn nghệ thuật của 8 nước cùng tham gia trình diễn tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho công chúng với những bản hòa ca từ truyền thống đến hơi thở nghệ thuật đương đại…

 Bản hòa ca từ truyền thống đến hiện đại - ảnh 1

Những tiết mục sôi động của các nghệ sĩ trẻ và nhóm nhảy hiện đại ở sân khấu Bia Quốc học thu hút rất đông khán giả trẻ

 Từ tối 8.6 đến 11.6, không gian sân khấu cộng đồng tại công viên 3-2 và Bia Quốc học, ven bờ Nam sông Hương trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách.

Đưa nghệ thuật đến cộng đồng

Những chương trình biểu diễn nghệ thuật như bản hòa ca từ âm hưởng truyền thống đến hơi thở đương đại của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đã tạo điểm nhấn cho Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tuần lễ Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Ngoài các chương trình diễn ra trong Đại Nội Huế, Ban Tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn phục vụ người dân và du khách.

Sân khấu tại công viên 3-2 với những màn trình diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và thế giới, như Viện Vụ kịch Chiết Giang (Trung Quốc); đoàn nghệ thuật Yangpyeong (Hàn Quốc); đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji (Nhật Bản); đoàn nghệ thuật dân gian Sae Nyuk (Hàn Quốc); Liên đoàn xiếc Việt Nam; đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)... Trong khi đó, không gian sân khấu ở Bia Quốc học thu hút đông đảo khán giả trẻ với những tiết mục nghệ thuật mang hơi thở đương đại của nhóm nhảy hiphop đến từ TP Cergy của Pháp; nhóm nhảy Double Impro (Wallonie Bruxelles, Bỉ); nhóm vũ nhạc HISPANO của Tây Ban Nha; nhóm nhạc Chillies, nhóm NINE Family của Việt Nam...

Nghệ sĩ Nakatani Marina, thành viên của đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji (Nhật Bản), cho biết “chúng tôi đã từng biểu diễn ở các sự kiện văn hóa tại Singapore, Malaysia, Hawai, Hàn Quốc, Trung Quốc..., và đây là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji đến Festival Huế. Đây là cơ hội để  chúng tôi giao lưu với nhiều đoàn nghệ thuật của Việt Nam và các nước. Chúng tôi mang đến đây những điệu múa trống truyền thống của Okinawa để các bạn biết rõ hơn về văn hóa của chúng tôi, hy vọng lan tỏa để các bạn cùng đam mê, tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản”. Eisa là điệu múa truyền thống có lịch sửhàng trăm năm và được duy trì và phát huy trên khắp Okinawa, địa phương ở cực Nam của Nhật Bản. Nhịp điệu và những chuyển động đẹp mắt của Eisa hòa quyện cùng tiếng trống Taiko tạo nên một điệu nhảy uyển chuyển và sống động khiến người xem không thể rời mắt.

Góp phần cho không khí sôi động tại lễ hội đường phố cùng các buổi diễn ở sân khấu Bia Quốc học, nhóm nhảy Hiphop Cergy (Pháp) đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn truyền tải các phong cách hip-hop khác nhau nhưng vẫn giữ được bản chất, tính ngẫu hứng và trên hết là sự kết nối xã hội thông qua từng bước nhảy. Tác phẩm Dòng chảy của nhóm nghệ sĩ với mong muốn mang đến cho khán giả cái nhìn xuyên suốt về nền văn hóa hip-hop. Những chuyển động hình thể của các điệu nhảy cùng với âm nhạc và bầu không khí xung quanh sẽ truyền tải những dòng chảy giữa nội tại bên trong và ngoại lực bên ngoài.

Hiphop Cergy quy tụ 4 vũ công từ những vùng đất khác nhau, họ đã vượt qua khóa đào tạo “Người truyền tải văn hóa qua các điệu nhảy Hip-hop” và giáo viên dạy nhảy chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Mariana Neto Brito Luz, một trong bốn thành viên của nhóm Hiphop Cergy cho biết, “chúng tôi sẽ tham gia lễ hội đường phố và biểu diễn ở các sân khấu cộng đồng xung quanh thành phố Huế. Mong muốn qua các chương trình nghệ thuật sẽ đưa dấu ấn văn hóa của chúng tôi đến với Huế và bạn bè quốc tế”.

 Bản hòa ca từ truyền thống đến hiện đại - ảnh 2

Múa trống Eisa Urakaji của Nhật Bản

Giao lưu và lan tỏa

Lần thứ 5 đến với Festival Huế, đoàn cà kheo De Koninklijke Steltenlopers Merchtem (Bỉ) tiếp tục đưa đến cho cộng đồng xứ Huế và du khách những màn trình diễn ấn tượng. Nghệ sĩ Janick Appelmens (51 tuổi) thông tin: Đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem đến với Festival Huế 2024 với 47 thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có trẻ em 7-8 tuổi, phụ nữ, người lớn cũng hơn 60 tuổi. Đoàn đến đây để biểu diễn âm nhạc trống, kèn trumpet, saxaphone cùng trình diễn đi cà kheo cao từ 1m đến 4m. Những thành viên trong đoàn đều có những công việc khác nhau, và khi đến với Festival Huế, mọi người mong muốn đưa nét văn hóa của vùng Merchtem đến với cộng đồng các nước.

 Bản hòa ca từ truyền thống đến hiện đại - ảnh 3

 Đoàn cà kheo Vương quốc Bỉ lần thứ 5 đến biểu diễn tại Festival Huế

“Để đến với Festival Huế 2024, chúng tôi đã có hành trình trải qua 2 địa điểm, đầu tiên là đoàn phải đi một chuyến tàu lớn từ nước Bỉ đến Paris - Pháp, sau đó đi chuyến bay đến TP.HCM và thêm một chuyến bay đến Huế. Chúng tôi mang theo rất nhiều đồ đạc, nhạc cụ nên phải rời đi từ 2 tuần trước để có thể đi trên những chuyến bay, chuyến tàu đặc biệt mang theo được chúng. Không dễ để đặt mua được vé cho một nhóm 47 người nên chúng tôi phải đặt mua vé theo các nhóm 6-9 người, dù vậy chúng tôi rất vui mừng và hài lòng với hành trình này”, ông Janick Appelmens chia sẻ. Đoàn cà kheo của Bỉ sẽ khuấy động không khí tươi vui trong lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” chiều ngày 8 và 10.6. Cùng với đó, Bỉ còn góp mặt tại Tuần lễ Festival Huế 2024 với nhóm nhảy Double Impro đại diện cho cách tân nghệ thuật. Những tác phẩm của họ luôn tương tác ngẫu hứng với khán giả, phá vỡ các chuẩn mực của những chương trình truyền thống, mang lại trải nghiệm sống động và độc đáo. Ông Moussa Diarra, Phó Thị trưởng thành phố Cergy, CH Pháp chia sẻ rằng, “TP Cergy và Huế đã kết nghĩa và có nhiều hợp tác trên các lĩnh vực. Lần thứ ba, chúng tôi đến với Festival Huế và ở đây chúng tôi đã tiếp nhận và học hỏi được nhiều thứ. Chúng tôi rất hân hạnh khi tham dự chuỗi sự kiện của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 và hy vọng sẽ tiếp tục quay trở lại với Festival Huế những kỳ tiếp theo”.

Nhiều đoàn nghệ thuật của Việt Nam cũng đưa nét đẹp văn hóa đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với ý nghĩa giao lưu và lan tỏa giá trị di sản như chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Diễn viên Hoàng Dững của Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), thông tin đoàn nghệ thuật của nhà hát sẽ giới thiệu và trình diễn những tiết mục dạ cổ hoài lang đặc sắc với mong muốn góp phần quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về nghệ thuật đờn ca tài tửNam Bộ. Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, và đây là cơ hội để các đoàn nghệ thuật giao lưu văn hóa đặc sắc của các vùng miền trong nước và cả quốc tế.

Với Thừa Thiên Huế, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được vinh danh là di sản như Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng cung đình, Ca Huế... cũng được các nghệ sĩ quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến với bạn bè quốc tế. Nhiều nhóm nhạc hiện đại, các nghệ sĩ trẻ của Huế và Việt Nam cũng hòa chung nhịp điệu sôi động với nghệ sĩ quốc tế, tạo thành bản hòa ca sống động.