Báo động sự sa ngã của cầu thủ trẻ (Bài 3):

Cần sự chung tay

NGỌC TRUNG

VHO - Từ cậu bé đầu trần, chân đất mải miết chạy theo trái bóng đến cầu thủ chuyên nghiệp phải tốn rất nhiều công sức. Thế nên, bản thân cầu thủ phải ý thức được trách nhiệm của mình. Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp gắn với tiền tài, danh vọng là điều nhiều người khao khát. Vì thế, nếu sa ngã trước cám dỗ, họ phản bội chính mình, gia đình và người hâm mộ.

Cần sự chung tay - ảnh 1

 HLV Hoàng Anh Tuấn: “Cầu thủ phải luôn phấn đấu, phải đi lên bằng năng lực”

Không phải cứ tuyển thủ U23, ĐTQG là hay!

Để duy trì và phát triển sự nghiệp, các cầu thủ cần phải phấn đấu không ngừng. Đời cầu thủ rất ngắn, chỉ có những nỗ lực phi thường mới kéo dài giai đoạn đỉnh cao.

Trò chuyện với Văn Hóa, HLV Hoàng Anh Tuấn đưa ra lời cảnh tỉnh: “Cầu thủ phải luôn phấn đấu. Không phải cứ lên đội tuyển U23, ĐTQG là đã hay đâu. Đội tuyển hai mươi mấy cầu thủ, chỉ có mười mấy cầu thủ luôn có suất chính, số còn lại dự bị. Cầu thủ được ra sân hay không ra sân còn tùy thuộc chiến lược CLB, nhưng góc độ cầu thủ phải phấn đấu. Không thể nói đã đá SEA Games rồi là chắc suất ở CLB. SEA Games dành cho lứa tuổi U23, còn CLB hoặc ĐTQG là mọi lứa tuổi. Trình độ tuyển thủ U23 đã đủ chưa? Ví dụ như Công Phượng, cầu thủ xuất sắc trong lứa Học viện HAGL, thi đấu cho ĐTQG quanh năm nhưng ở giải hạng Nhì Nhật Bản vẫn dự bị. Nói đi nói lại là, bản thân cầu thủ phải phấn đấu. Tại sao 19 tuổi như Thái Sơn vẫn đá chính ở CLB Thanh Hóa, tại sao 18 tuổi, Đoàn Văn Hậu đá chính ở Hà Nội. Phải đi lên từ năng lực của chính cầu thủ”.

Một thực tế không thể phủ nhận, cầu thủ Việt Nam hiếm khi duy trì phong độ đỉnh cao qua tuổi 30, đồng nghĩa chỉ có khoảng 10 năm thi đấu chuyên nghiệp. Sự nghiệp ngắn ngủi như thế buộc các cầu thủ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác. “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Cùng nhau”, câu khẩu hiệu của Thế vận hội rất cô đọng, súc tích và bao hàm. Siêu sao Cristiano Ronaldo là dẫn chứng sống động. Bằng sự chuyên nghiệp và nỗ lực phi thường, từ cậu bé gày còm CR7 trở thành cầu thủ sung mãn, cường tráng, với tỷ lệ mỡ thấp hơn cả VĐV bơi. Siêu sao người Bồ Đào Nha cũng nhiều lần khiến người hâm mộ ngỡ ngàng vì các pha bứt tốc như VĐV chạy nước rút hay bật cao dừng trên không chẳng khác VĐV bóng rổ hay bóng chuyền. Rất khó để trở thành Ronaldo thứ hai nhưng anh là tấm gương cho mọi cầu thủ noi theo.

Trên sân bóng, chỉ cần tích cực di chuyển hơn, nhảy cao hơn, dũng mãnh hơn, cơ hội để lập công đều tăng lên. “Cùng nhau” là từ mới được thêm vào khẩu hiệu từ Thế vận hội 2020 và rất ý nghĩa. Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, tập thể là trên hết. Không ai được đứng trên tập thể. Phải tuân thủ mệnh lệnh từ ban huấn luyện và hy sinh vì toàn đội. Đối với các cầu thủ trẻ càng phải ý thức được rõ năng lực và vị trí trong đội bóng. Chẳng thể vì mác tuyển thủ quốc gia hay sự ca ngợi của dư luận trong thời điểm nhất định mà trở nên tự mãn, mắc bệnh ngôi sao.

Có không hiện tượng thả nổi cầu thủ trẻ?

Từ góc độ gia đình, qua các cuộc trao đổi với cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng và ông Nguyễn Văn Vượt (bố cầu thủ Nguyễn Quốc Việt), phóng viên Văn Hóa đều nhận được chung một câu trả lời. Đó là, có thể nền tảng gia đình khác nhau nhưng mỗi bậc sinh thành luôn phải yêu thương, giáo dục và nhắc nhở thường xuyên các cầu thủ. Một cầu thủ được gia đình quan tâm sẽ rất khác một cầu thủ bị phó mặc cho xã hội, cụ thể ở đây là học viện, CLB, và bị xem như công cụ kiếm tiền để đổi đời.

Còn ở góc độ nhà quản lý, từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đến các CLB cần có quy trình kiểm tra, giám sát sát sao hơn đối với các cầu thủ. Chia sẻ về vấn đề này, HLV Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Không phải là tất cả nhưng ở bóng đá, trình độ văn hóa của cầu thủ thường không được tốt lắm. Thời gian gần đây, đầu tư vào bóng đá đã quan tâm đến việc giáo dục nhưng trình độ cầu thủ lên đến đại học để chơi bóng đá không phải nhiều. Đó là góc độ về mặt giáo dục. Thứ hai, quản lý bóng đá không phải nơi nào cũng có sự đầu tư tốt cho bóng đá trẻ. Hà Nội, Viettel, PVF, HAGL... đầu tư rất nhiều tiền của. Ngoài công tác chuyên môn, các đội bóng này còn đầu tư học văn hóa cho các cầu thủ trẻ, nhưng không nhiều CLB, trung tâm làm được như vậy. Một số địa phương còn thả nổi. Thậm chí có thể nhìn nhận khách quan như thế này, có rất nhiều CLB chỉ tập trung phát triển đội một. Thiếu đầu tư dẫn đến quản lý yếu kém. Từ quản lý yếu kém sinh ra tệ nạn”.

Đồng quan điểm với HLV Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia thể lực Bae Ji Won nhận định: “Vấn đề lớn đối với đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam là thiếu tầm nhìn và hệ thống ổn định. Nhìn chung có quá ít giải trẻ được tổ chức. Thay vì chỉ trích cầu thủ trẻ, cần phân tích và đưa ra giải pháp cho vấn đề tồn đọng. Điều quan trọng nữa là thúc đẩy các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đầu tư dài hạn, bền vững vào bóng đá như Viettel đang làm”.

Xây dựng quy chế về đạo đức cầu thủ

Nói thêm về thực trạng “thả nổi”, ông Tuấn cho biết: “Cách sử dụng cầu thủ trẻ tùy thuộc CLB, như tôi từng trả lời ở giải U23 châu Á, đa số cầu thủ trẻ dự giải không được thi đấu, không được ra sân. Bây giờ không đầu tư đến cầu thủ trẻ thì sao có thể sử dụng cầu thủ. Có nhiều CLB thả nổi. Vừa có 8 CLB bị cấm vì thiếu đội trẻ. Không đầu tư tốt thì làm sao có cầu thủ chất lượng. Đơn cử ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cầu thủ gặp vấn đề về đạo đức và tiêu cực. Dàn xếp tỷ số có, sử dụng chất cấm có, cá độ bóng đá có. Như mấy năm trước, 9 cầu thủ Đồng Tháp bị cấm thi đấu vì dàn xếp tỷ số và hiện tượng ấy vẫn còn. Có trường hợp thấy được, nắm được nhưng cũng có trường hợp chưa rõ thì phải có sự kết hợp với cơ quan điều tra. Ví dụ CLB Tây Nguyên Gia Lai ở giải hạng Nhì, mới hai vòng đấu đã nhận mười mấy bàn thua và VFF đã phải gửi công văn chấn chỉnh. Tại sao chúng ta không làm mạnh tay hơn. Không làm quyết liệt chắc chắn những trường hợp nguy hiểm như vừa xảy ra sẽ còn xảy ra nữa”.

Từ sự sa ngã của một bộ phận cầu thủ trẻ, bài toán được đặt ra không chỉ từ ý thức cầu thủ, sự quan tâm của gia đình mà cả cách hành động từ cấp quản lý. HLV Hoàng Anh Tuấn, người nhiều năm dẫn dắt các lứa tuyển trẻ Việt Nam bộc bạch bằng giọng đau đáu: “Phải có sự kết hợp từ địa phương đến các cấp cao hơn, từ trung tâm, học viện đến VFF. Liên đoàn phải có trách nhiệm, không thể thả nổi cho địa phương được. Mức độ nghiêm trọng tới đâu phải ngồi lại với nhau để xử lý. Chính anh Minh Hiền (ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm thể thao Vĩnh Long) rất trăn trở và đã chia sẻ với tôi về vấn đề này, rằng các hệ thống đào tạo trẻ tại miền Nam đang có vấn đề và mong muốn các cơ quan hữu quan vào cuộc mạnh tay hơn”.

Thực tế là, trong 36 trang điều lệ giải VĐQG Night Wolf 2023/24, chỉ có hơn một trang đề cập đến Công tác kiểm tra doping, phòng chống dịch và y tế (Điều X) và Quy định về kỷ luật, khiếu nại và phòng chống tiêu cực (Điều XI), với vài dòng ngắn ngủi về doping và gian lận. Đáng nói điều lệ chưa hề đề cập đến vấn đề văn hóa, đạo đức cầu thủ. Cần nhấn mạnh rằng, cầu thủ là người nổi tiếng, có người còn là thần tượng của thế hệ đàn em. Bất cứ hành vi lệch chuẩn nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến người hâm mộ lẫn mầm non tương lai của bóng đá nước nhà. Việc xây dựng quy chế liên quan đến đạo đức, tư cách cầu thủ là cấp thiết. Thế nên phải có sự sát sao và hành động quyết liệt, nhanh chóng từ cấp quản lý.

Và sau cuối, đau đớn nhất, khi cầu thủ sa ngã phải nghiêm trị để làm gương. Chẳng hạn theo chuyên gia Bae Ji Won cho biết, K-League từng trải qua vụ bê bối dàn xếp tỷ số nghiêm trọng vào năm 2011, khi có đến 59 trong tổng số 680 cầu thủ được đăng ký dính dáng đến bán độ. Kết quả là 47 cầu thủ bị treo giò cho đến treo giò vĩnh viễn. Bóng đá Hàn Quốc không suy yếu vì mất đi số lượng lớn cầu thủ như thế mà ngược lại còn phát triển mạnh mẽ hơn. 

Ý kiến bạn đọc