Báo động sự sa ngã của cầu thủ trẻ (Bài 1):

Cú “phản lưới” vào tương lai

NGỌC TRUNG

VHO - Chỉ trong vài tháng, bóng đá Việt Nam liên tiếp nhận những tin không vui vì sự sa ngã của nhiều cầu thủ. Quá nửa trong đó chưa bước qua tuổi 23. Liệu rằng đây là hiện tượng nhất thời hay mới là bề nổi của tảng băng chìm? Góc khuất ấy không dễ gì bóc tách để phơi bày. Nhưng góc độ nào đó, hy vọng loạt bài này thêm tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cầu thủ hoặc những chàng trai ước mơ theo đuổi nghiệp túc cầu.

Cú “phản lưới” vào tương lai - ảnh 1

 5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị Công an tạm giữ vì sử dụng ma túy

Đào tạo một cầu thủ chuyên nghiệp tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và chắc chắn mỗi cái tên ấy gánh vác rất nhiều niềm tự hào lẫn hy vọng của gia đình và xã hội. Trước tiên tự thân từng cầu thủ phải ý thức được. Tiếp đến, từ kinh nghiệm của các chuyên gia, HLV và cựu cầu thủ, cơ quan chức năng có thêm những kiến giải trong nhiệm vụ đào tạo, quản lý mầm non bóng đá nước nhà.

Khi bóng đá Việt Nam rất cần lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ, hy vọng được đặt rất nhiều vào những cầu thủ trẻ. Tiếc rằng, một bộ phận cầu thủ trẻ thiếu ý thức lại “phản lưới” bởi những hành vi đơn giản là bị cấm.

 Nỗi ám ảnh năm 1997

Đối với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cú đá phản lưới nhà của L.X.T vào năm 1997 vẫn nằm nguyên trong ký ức. Những năm ấy, chiếc ti vi màu là cả niềm mơ ước. Từ ô màn hình bé nhỏ hiện ra bao nhiêu sắc màu tươi đẹp của cuộc sống trên khắp tinh cầu, bao gồm cả những trận cầu hấp dẫn, kịnh tính khó cưỡng của môn thể thao vua. Nhưng thật đắng cay, vết nhơ của lịch sử sân cỏ nước nhà cũng đập vào người xem. Một nỗi ám ảnh cho ai trót lỡ đam mê túc cầu.

Phút 90 của trận đấu trong khuôn khổ hạng Nhất quốc gia, tỉ số đang là 3-3, L.X.T có bóng ở bên ngoài vòng cấm. Quan sát thấy thủ thành Đ.T.T dâng lên cao, L.X.T bất ngờ xoay người sút bóng vào lưới đội nhà. Chắc chắn không chỉ đội bóng của L.X.T mất điểm, nhiều con bạc khát nước cũng mất tiền vì cú đá định mệnh ấy. Nhưng quan trọng nhất, hành vi ngang ngược ngay trên sóng truyền hình quốc gia ấy khiến niềm tin của người hâm mộ vào bóng đá nước nhà vơi đi ít nhiều…

Đầy vơi nhưng không bao giờ cạn

Tính từ cú phản lưới ấy đến nay, theo thăng trầm của nền bóng đá, niềm tin và hy vọng của người hâm mộ cũng đầy vơi như con nước. Song, tình yêu dành cho bóng đá, đặc biệt là đội tuyển quốc gia (ĐTQG) không bao giờ cạn. Vì niềm đam mê môn túc cầu là rõ, nhưng quan trọng hơn là người Việt Nam yêu nước Việt Nam. Cứ mỗi khi ĐTQG đạt được chiến công trên trường quốc tế, niềm tự hào dân tộc lại dâng lên như sóng trào, để tạo nên những con đường rợp cờ đỏ sao vàng khiến bất kỳ người nước ngoài nào chứng kiến cũng phải ngỡ ngàng và thán phục.

Đọc đâu đó bài viết trên mạng xã hội, một phóng viên thường trú người Anh tại Việt Nam thốt lên: “Có lẽ trên thế giới này hiếm có một dân tộc nào lại yêu quý lá Quốc kỳ của dân tộc mình hơn người dân Việt Nam... Tôi đã từng tác nghiệp khắp nơi trên thế giới, nhưng khi đến Việt Nam thì mới thực sự choáng ngợp về người dân nơi đây. Ngày Tết - khắp nơi trên cả nước Việt Nam treo cờ, ngày Quốc khánh, ngày Giải phóng miền Nam 30.4, lễ hội truyền thống ở địa phương... đặc biệt nhất là những khi đất nước này có dịp ăn mừng về đội tuyển bóng đá của họ sau mỗi trận đấu hoặc khi đón đoàn cầu thủ từ nước ngoài trở về... Đã từng đi lọt vào giữa biển người, biển cờ trong những đêm Hà Nội không ngủ, tôi mới cảm nhận rằng ở đất nước này có một tinh thần dân tộc vô cùng to lớn, tinh thần đó không thể nào là tự phát, không thể chỉ có được một vài trăm năm - tinh thần đó chắc chắn đã có trong mỗi con người ở dân tộc này từ ngàn đời vì vậy mới thấm được... như một thứ văn hóa truyền thống được kế thừa từ đời này qua đời khác...”.

Lẽ thịnh suy thường tình

Bài đăng vừa nêu, xuất hiện vào thời điểm cả nước ăn mừng kỳ tích Thường Châu - đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á 2018 sau hành trình diệu kỳ và cảm xúc. Chưa bao giờ niềm tin vào bóng đá Việt Nam lên cao đến như thế. Một lứa cầu thủ trẻ tài năng, bản lĩnh, tập hợp từ những “lò” bài bản và uy tín nhất, được dẫn dắt bởi nhà cầm quân không chỉ xuất sắc mà còn phù hợp từ triết lý đến tính cách với văn hóa bóng đá Việt Nam.

Tiếp đà thành công từ ngôi á quân U23 châu Á, chúng ta - các cấp ĐTQG - giành vị trí hạng tư tại Á vận hội (Asiad 2018), giải cơn khát vàng SEA Games vào năm 2021, vô địch AFF Cup 2018 và lần đầu tiên lọt vào tới vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Bóng đá Việt Nam dần vươn lên vị trí số một trong khu vực và có quyền khát khao bơi ra biển lớn. Tiếc rằng, đà phát triển của bóng đá Việt Nam đã không được duy trì dưới triều đại ngắn ngủi của HLV Philippe Troussier. “Thế hệ vàng” dưới thời HLV Park Hang-seo dần rơi rớt vì tuổi tác, chấn thương hoặc không được trọng dụng. Lứa kế cận lại chưa đủ xuất sắc lẫn kinh nghiệm để tạo ra kỳ tích mới.

Lẽ thịnh suy trong bóng đá âu cũng là điều dễ hiểu. Những cái nôi của bóng đá thế giới như Brazil hay Đức vẫn phải trải qua giai đoạn khủng hoảng thế hệ. Tuy nhiên, điều đau đớn nhất ở đây là niềm tin vào bóng đá Việt Nam bị bào mòn bởi những hành vi bị cấm…

Cú “phản lưới” của những tài năng trẻ

Điều lệ Giải VĐQG Night Wolf V.League 1 2023-2024 và Giải hạng Nhất quốc gia - Bia Sao Vàng 2023-2024 đều ghi rõ: Thứ nhất về sử dụng chất cấm: “CLB cam kết không sử dụng các chất cấm (ma túy, gây nghiện, doping...) trong quá trình tham dự Giải, giáo dục, quản lý và nghiêm cấm cầu thủ của đội mình sử dụng các chất cấm. Những trường hợp bị phát hiện có sử dụng các chất cấm, cầu thủ sẽ ngay lập tức bị cấm thi đấu và bị xử lý theo Quy định Kỷ luật của LĐBĐVN và của FIFA”.

Thứ hai về móc ngoặc, dàn xếp tỉ số: “Các CLB có trách nhiệm đảm bảo công tác quản lý, giáo dục và nâng cao nhận thức cho quan chức, cán bộ, cầu thủ, và các thành viên khác không để xảy ra các hiện tượng, hành vi tiêu cực (móc ngoặc, nhường điểm, dàn xếp trận đấu…) trong quá trình tham dự Giải”.

Tấm gương tày liếp càng không thiếu. Sau cú phản lưới của L.X.T, đại án Bacolod năm 2005 hay vụ bán độ tại vòng bảng AFC Cup vào năm 2014 đều là những vết sẹo lồi đến kỳ lại nhức nhối của bóng đá nước nhà. Vậy mà hồi tháng 2 năm nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 cầu thủ thuộc biên chế CLB Bà Rịa - Vũng Tàu tại giải hạng Nhất, để điều tra làm rõ hành vi đánh bạc. Các cầu thủ trên bị khởi tố theo Điều 321 Bộ luật Hình sự về tội đánh bạc. Quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. VFF ban hành quyết định kỷ luật số 91/QĐ-LĐBĐVN về việc tạm đình chỉ thi đấu đối với 5 cầu thủ CLB Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến những ngày đầu tháng 5 này, tức chỉ 3 tháng sau, Công an TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) bắt quả tang các đối tượng đang sử dụng ma túy, trong đó có 5 cầu thủ của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đội bóng đang góp mặt tại Night Wolf V.League 1. Trong số 10 cầu thủ vướng vòng lao lý này, có tới 6 cái tên sinh sau năm 2001, tức vẫn còn trong độ tuổi U23. Đáng kể nhất là N.N.T, trung vệ vừa tham dự giải U23 châu Á tại Qatar và ghi “dấu ấn” bằng tình huống kéo người thô thiển trong vòng cấm khiến U23 Việt Nam mất cả ưu thế dẫn bàn lẫn hơn người.

Câu hỏi được đặt ra là đời sống cầu thủ, đặc biệt cầu thủ trẻ đang diễn ra như thế nào. Ngoài những cái tên đã vướng vòng lao lý vì những hành vi bị cấm, còn cái tên nào chưa sa lưới? Và ngoài những cầu thủ đã sa ngã tới mức thực hiện những hành vi bị cấm, những cầu thủ nào có thái độ sống và ứng xử chưa đúng chuẩn mực của một cầu thủ chuyên nghiệp. Có chăng vẫn sử dụng bia rượu? Có chăng vẫn còn tụ tập cờ bạc? Và có chăng vẫn còn chuyện ăn chơi thâu đêm suốt sáng? Hai “cú phản lưới” chỉ trong vòng 3 tháng này thật đau, thật mất niềm tin và khiến bất cứ ai cũng buộc phải đặt ra câu hỏi: “Vì sao?”.

(Còn tiếp)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc