Báo động sự sa ngã của cầu thủ trẻ (Bài 2):

Uổng công bao người vun trồng

NGỌC TRUNG

VHO - Khoác áo ĐTQG là niềm mơ ước của nhiều cầu thủ trẻ, nhưng không ít cầu thủ thiếu rèn luyện tu dưỡng, thậm chí vi phạm pháp luật

Uổng công bao người vun trồng - ảnh 1

 Khoác áo ĐTQG là niềm mơ ước của nhiều cầu thủ trẻ, nhưng không ít cầu thủ thiếu rèn luyện tu dưỡng, thậm chí vi phạm pháp luật

Để một cậu bé trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chưa nói đến khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia, tâm sức và tiền của của gia đình, xã hội và các trung tâm không biết bao nhiêu mà kể.

 Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, có một bộ phận không nhỏ cầu thủ trẻ không ý thức được giá trị ấy, thậm chí còn “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.

Ở đâu cũng có dấu chân cha

Tờ mờ sáng, khi tiếng gà eo óc quanh thôn xóm, ông Vượt (Nguyễn Văn Vượt) và gia đình đã tất bật soạn vén. “Cứ đúng 4h30 sáng thứ Hai, tôi lại đưa Việt (Nguyễn Quốc Việt, tuyển thủ U23 Việt Nam) đến trung tâm huấn luyện cầu thủ trẻ cho kịp giờ lên lớp”. Từ nhà ông Vượt đến Hải Dương chừng 1 giờ chạy xe. Hình ảnh hai bố con lên đường từ tinh mơ bất kể mưa gió, rét mướt đã trở nên quen thuộc với người dân tại Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Khi ấy, Quốc Việt là thành viên đội U11 Hải Dương. Trước đó, từ năm lên 8 tuổi, Việt đã là thành viên đội U11 Hải Phòng. Cơ sở vật chất tại địa phương thiếu thốn, ông Vượt phải lo cho cậu bé bỏng từng chiếc chăn, cái màn. Cơ hội lớn mở ra với Việt khi cậu lọt vào mắt xanh của danh thủ Hồng Sơn và được tuyển lựa vào lò đào tạo Viettel danh tiếng. Những tưởng con đường đến với trái bóng tròn đã rộng mở thì trong một lần kiểm tra xương, Quốc Việt bị chẩn đoán thiếu thể chất để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và chuyển về Hải Dương, lò vệ tinh của Viettel.

Thương cho sự khát khao cháy bỏng của cậu con trai, cũng là niềm đam mê tột bậc của bản thân, khi vốn là ông bầu có tiếng tại Thủy Nguyên, ông Vượt nghe ngóng, lăn lộn để kiếm tìm cơ hội mới. Cánh cửa khác mở ra với Quốc Việt trong một lần tham gia giải bóng đá học đường tại Đắk Lắk, nhiều HLV tại Học viện HAGL khuyên ông Vượt nên cho con thi tuyển vào học viện này. Lọt vào mắt xanh của HLV Guillaume Graechen, Việt đỗ thẳng vào khóa 4 JMG.

Hành trình đưa con theo đuổi đam mê của ông Vượt không còn là những chuyến đi khi gà gáy sáng mỗi tuần, thay vào đó là những chuyến bay vượt hàng ngàn cây số đến Phố Núi. “Bất kể khi nào Việt tham dự giải đấu, tôi đều có mặt để động viên cháu và cũng thỏa đam mê của chính mình”, ông Vượt bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian nan. Khi được hỏi, ông cũng chẳng nhớ nổi đã đưa cậu con trai đến bao nhiêu địa danh trên đất nước này để theo đuổi niềm đam mê.

Quốc Việt mới chỉ là một trong khoảng hai mươi học viên của khóa 4 JMG. Mỗi học viên đến từ mỗi nơi trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi học viên cũng là một cảnh đời, và không phải ai cũng có điều kiện kinh tế tương đối ổn định như Việt (ông Vượt là chủ cửa hàng kinh doanh tại quê nhà). Để con có thể theo đuổi niềm đam mê, ông Vượt cũng như bao bậc phụ huynh khác đã phải đánh đổi không biết bao nhiêu tâm sức và tiền của. Gia đình N.N.T, đồng đội của Quốc Việt tại U23 Việt Nam, cầu thủ vừa bị bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy, chắc chắn cũng vậy. Bây giờ gia đình N.N.T đâu có thể nhắc đến hay kể về cầu thủ này với giọng điệu tự hào.

Gian nan đãi cát tìm vàng

Để con cái theo đuổi niềm đam mê, các bậc phụ huynh đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức. Chiều ngược lại, để tuyển lựa được những tài năng sáng giá cho nền bóng đá nước nhà, các trung tâm đào tạo trẻ trên khắp cả nước cũng phải lao tâm khổ tứ và tốn kém chẳng biết bao nhiêu tiền của.

Đơn cử như CLB Hà Nội. Sau khi bỏ bớt lò ở Gia Lâm, vốn là nơi phát hiện và đào tạo nên Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, hiện còn hai trung tâm dành cho lứa U9-U13, trụ sở đặt tại Cửa Lò, Nghệ An và Bắc Giang. Quy mô mỗi lò này lên tới 150 VĐV, mỗi lớp 30-40 VĐV. Từ hai lò vệ tinh này sẽ chọn ra những tài năng ưu tú nhất để đưa lên lò dành cho lứa U15-U21 tại Hà Nội, quy mô 120 VĐV, và từ 25-30 VĐV mỗi lớp. Nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng cho các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ này chắc chắn không ít.

Hoặc lò JMG giai đoạn rầm rộ nhất tiến hành tuyển lựa tài năng ở nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, từ Tây Nguyên cho đến các tỉnh duyên hải Trung Bộ. Tại mỗi địa phương, thời gian tuyển chọn khoảng 3 ngày, và ban tuyển chọn phải căng sức “đãi cát tìm vãng” giữa 20 ngàn thí sinh. Đó mới là khâu đầu vào, cho đến khâu đầu ra là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp còn phải mất 5-7 năm. Quản lý 24/24h những cậu bé ăn chưa no, lo chưa tới lại còn đối mặt nỗi nhớ nhà đâu phải chuyện đơn giản.

Qua màn ảnh nhỏ, biết bao cô bé, cậu bé khát khao trở thành cầu thủ bóng đá, được thi đấu trong tiếng hò reo, cổ vũ của hàng ngàn cổ động viên. Và đẹp đẽ, tự hào nào hơn giấc mơ khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia để rồi mang vinh quang về cho đất nước. Hàng ngàn vạn đứa trẻ có chung mộng ước ấy, chỉ một số rất ít bước chân vào các lò năng khiếu. Từ số ít này, chỉ vài chục bước chân theo nghiệp “quần đùi áo số”. Và trong vài chục cô bé, cậu bé ấy, đếm trên đầu ngón tay những người vinh dự được đại diện Tổ quốc đi thi đấu.

Từ hạt mầm nên cây lúa còn biết bao công người vun trồng huống hồ công sức tạo nên niềm tự hào cho gia đình, địa phương hoặc có thể cả dân tộc. Vậy nhưng…

 Cristiano Ronaldo sinh hoạt như thế nào?

Siêu sao Ronaldo là tấm gương để mọi cầu thủ trẻ noi theo. Ở tuổi 39, anh vẫn đang khoác áo Al-Nassr ở giải VĐQG Saudi Arabia. Ở mùa giải 2023-2024 này, Ronaldo đã ghi 48 bàn chỉ sau 47 trận. Trước đó, CR7 trải qua gần hai thập niên chơi bóng đỉnh cao trong màu áo MU, Real Madrid và Juventus, giành 5 Quả bóng vàng, 5 chức vô địch Champions League cùng hàng tá danh hiệu cao quý khác.

Để duy trì sự nghiệp đỉnh cao trong thời gian dài không tưởng như vậy, siêu sao người Bồ Đào Nha đã phải áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện vô cùng khắc nghiệt. Mỗi ngày anh nạp 3.000 calories, trong đó cá và rau là chủ đạo. Không nước sốt, không đồ ngọt tráng miệng, chỉ thi thoảng dùng ít đồ uống có cồn, uống nhiều nước trong các bữa ăn, uống nước ép hoa quả giữa các bữa ăn. Ngoài thời gian tập luyện ở đội bóng, Ronaldo cũng tự tập riêng tại nhà, với giáo án cực kỳ khắc nghiệt. Đó mới thật sự là chuyên nghiệp.

Bị bắt hôm nay hay ngày mai… cũng thế!

Thực tế, đa số cầu thủ tại Việt Nam cũng như trên thế giới sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Quãng thời gian nhào nặn tại các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ cũng nghiêm cẩn và khắt khe.

Tuy nhiên, quãng thời gian để cầu thủ trẻ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, tuyển thủ các đội trẻ hay thậm chí quốc gia rất nhanh. Có những cái tên hôm trước còn lăn lội trong màu áo đội trẻ của CLB, hôm sau đã gắn mác “thần đồng” hoặc “ngôi sao”. Tiền tài, danh vọng đến một cách nhanh chóng. Siêu xe, siêu mẫu vây quanh, và họ nhanh chóng quên đi những tháng ngày cơ cực của bản thân lẫn gia đình.

Trò chuyện cùng phóng viên Văn Hóa, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, một cầu thủ cũng bị gắn mác “tay chơi” một thời thẳng thắn chia sẻ: “Vấn đề là môi trường các cầu thủ đang chơi, chất gây nghiện các cầu thủ đang dùng. Đã nghiện thì kể cả hôm nay hay ngày mai bị bắt cũng thế, tại vì đã nghiện rồi lúc nào cũng phải chơi. Nó khác hoàn toàn chuyện lĩnh lương, đến kỳ đến tháng mới giải trí. Giải trí cũng có ý nghĩa khác.

Việc cầu thủ Việt Nam sử dụng chất bị cấm, bị xã hội lên án đã nhiều lứa, nhiều đời cầu thủ mắc rồi. Bây giờ cầu thủ sướng hơn thời tôi ngày xưa nhiều. Sướng hơn là mặt bằng chung đời sống xã hội được nâng cao. Ngày xưa chúng tôi đi tập thì đi xe đạp, đi thi đấu phải di chuyển bằng tàu xe, bây giờ được đi máy bay. Đấy là điều kiện sướng hơn. Nhưng ý thức nghề nghiệp, cảm nhận giá trị của bản thân không bằng ngày xưa.

Bây giờ lên tuyển dễ quá. Cứ đá 1-2 trận là truyền thông thổi phồng, dư luận tạo sức ép với HLV để cầu thủ ấy được ra sân. Từ đó có danh tiếng, đãi ngộ cũng cao hơn, rồi sinh ra ảo tưởng. Chính vì vậy nhiều cầu thủ trẻ không thấy được giá trị thực sự của con người mình. Không có đủ khiêm tốn để nhìn nhận năng lực bản thân, và cũng không đủ kinh nghiệm sống để lắng nghe, học hỏi”.

Diễn giải thêm về chuyện “giải trí”, trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng không ít cầu thủ đang bị cuốn vào cuộc chơi để thỏa mãn bản thân hơn là giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian tập luyện và thi đấu. Quả thực, nhìn hình ảnh 5 cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị bắt bên cạnh 5 cô gái, đó không phải giải trí đơn thuần. Án phạt nặng đang chờ những cầu thủ mang trọng tội này. Sự nghiệp xem như chấm dứt, tương lai của bản thân lẫn gia đình trở nên tối đen.

Tới đây, người viết chợt nhớ đến mong ước của mỗi bà mẹ đặt vào đứa con yêu: “Mẹ chẳng mong con giàu sang, phú quý, chỉ mong con sức khỏe, nên người”.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc