Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo

VŨ THỊ KIM LOAN - NHƯ ĐỒNG

VHO - Thời gian qua, Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) được xem là một “lối mở” giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 1
Bà Hoàng Thị Thu Ân Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm Tây (bên trái) tích cực chia sẻ thông tin về công tác giảm nghèo ở địa phương

Đa dạng kênh thông tin đến người dân

Xác định phát triển kinh tế chính là đòn bẩy quan trọng để làm tốt công tác giảm nghèo, với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, bà Hoàng Thị Thu Ân luôn trăn trở với cái nghèo còn đeo đám trên quê hương mình, bà quan tâm đến hoàn cảnh của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để hiểu và hỗ trợ. Ngoài ra, bà cùng với địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Là gia đình thuộc diện cận nghèo, chị Phan Thị Thu Thủy (39 tuổi), thôn Phú Lâm Tây thường xuyên được bà Ân đến quan tâm chia sẻ với khó khăn của gia đình. Đồng thời, chia sẻ thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước, cách làm ăn phù hợp với địa phương để vươn lên thoát nghèo.

“Thời điểm ra ở riêng vợ chồng tôi rất khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, năm 2014, địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã huyện qua kênh Hội nông dân xã. Hiện cuộc sống đã đỡ hơn trước kia, giờ chồng đi làm ăn xa, tôi ở nhà lao động cùng nuôi 3 đứa con ăn học”, chị Thủy chia sẻ.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 2
Xã Hành Thiện chú trọng công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện Ngô Thị Kiều Diễm, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Nhờ có thông tin kịp thời, người dân hiểu rõ các chính sách cũng như nắm bắt được kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.

“Để đưa chính sách tới từng hộ dân trên địa bàn, xã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, qua các buổi sinh hoạt và đội tuyên truyền lưu động. Ưu thế của truyền thanh là phủ sóng rộng khắp, người dân vừa tham gia lao động, sản xuất vừa có thể được phổ biến thông tin, kiến thức, quyết tâm không để người dân nào bị “nghèo thông tin””, bà Diễm cho hay.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 3
Nông dân được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật

Khi nông dân tiếp cận khoa học – kỹ thuật trồng trọt

Mới đây, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành đã tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 4 trở đi cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.

Trái bưởi da xanh hiện là sản phẩm nổi tiếng của huyện Nghĩa Hành. Tại vườn bưởi của ông Ngô Đình, xóm Trũng, thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện các hộ dân cùng trao đổi, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình canh tác bưởi da xanh, những vướng mắc trong các khâu trồng, chăm sóc và được cán bộ kỹ thuật giải đáp, định hướng để tháo gỡ.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 4
Bưởi da xanh hiện đang là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ gia đình ở huyện Nghĩa Hành

Từ kiến thức của buổi tập huấn, các hộ dân cũng rút kinh nghiệm trong quá trình canh tác bưởi da xanh theo hướng hữu cơ qua mỗi vụ mùa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn trong và ngoài huyện, định hướng mở rộng thị trường ngoại tỉnh. Bưởi da xanh hiện đang là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ gia đình ở huyện Nghĩa Hành.

“Chúng tôi được tiếp cận những thông tin mới về kỹ thuật chăm sóc vườn bưởi theo bộ tiêu chuẩn hữu cơ, định hướng tiêu thụ sản phẩm… áp dụng vào thực tế canh tác cây bưởi da xanh hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần rất lớn vào Chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất đai kém hiệu quả để thâm canh, trồng các loài cây ăn quả có thế mạnh, đặc biệt là bưởi da xanh”, ông Đình cho biết.

Hiện vườn nhà ông Đình có 5.500 mét vuông trồng các loại cây, trong đó có 120 cây bưởi đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ 3.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 5
Linh hoạt trong công tác thông tin, phù hợp với từng đối tượng

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thực hiện Tiểu dự án 1 Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Nghĩa Hành xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tăng cường truyền thông giảm nghèo về thông tin, giảm nghèo đa chiều trên hệ thống truyền thanh ở các xã, thị trấn và trên báo, đài.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp người dân kịp thời tiếp cận nhiều hơn các chính sách và những thông tin hữu ích để nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để huyện Nghĩa Hành sớm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024.

“Để thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Hướng dẫn hộ nghèo sử dụng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người nghèo chủ động hơn trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững”

Huyện Nghĩa Hành tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Trong đó, tập trung tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền, sản xuất các sản phẩm truyền thông dưới dạng điện tử tuyên truyền về công tác giảm nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Nghĩa Hành còn đổi mới các hình thức tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống truyền thanh cơ sở, đội thông tin lưu động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các buổi tọa đàm, cuộc thi, các hoạt động văn hóa - văn nghệ hoặc trên báo chí, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook, mạng xã hội…

Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nghĩa Hành Vũ Thị Kim Loan cho biết, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể cho từng khu vực, đẩy mạnh công tác truyền thông đến từng hộ gia đình, giao cho từng địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, hoàn cảnh hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo.

Nghĩa Hành: Giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo - ảnh 6
Huyện Nghĩa Hành có 150 cụm loa ở 12 xã, thị trấn góp phần vào công tác chuyển tải thông tin đến người dân

“Từ công tác tuyên truyền đã góp phần khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Đặc biệt, huyện còn tăng cường thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mô hình, sáng kiến giảm nghèo hiệu quả, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo”, bà Loan chia sẻ.