Đảng bộ Hành Minh nỗ lực chăm lo đời sống của người dân
VHO - Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) quan tâm thực hiện bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương và các giải pháp của địa phương. Linh động, sáng tạo từ thực tiễn các giải pháp giảm nghèo của xã đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chăm lo nhà ở cho người nghèo
Mở đầu câu chuyện khi dẫn chúng tôi đến thăm nhà mới của hộ nghèo, hộ cận nghèo, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Lương Minh Hải chia sẻ, mỗi ngôi nhà hoàn thành được trao cho người nghèo trên địa bàn xã là mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là niềm vui nhân đôi để tạo thêm động lực giúp họ “an cư”, vươn lên trong cuộc sống. “Mỗi ngôi nhà được hỗ trợ chứa đựng nghĩa tình, thể hiện tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng với các hộ nghèo, cận nghèo cũng như gia đình chính sách. Đồng thời tiếp thêm sức mạnh, động viên, khuyến khích các hộ hăng hái lao động sản xuất, tự lực vươn lên trong cuộc sống”, anh Hải nói.
Nhà ông Nguyễn Dũng (63 tuổi), thôn Long Bàn Bắc đang xây dựng vẫn còn ngổn ngang cát, gạch... nhưng ngôi nhà mới hứa hẹn sẽ được hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Hoàn cảnh của ông Dũng là hộ nghèo, đơn thân, bản thân bị khuyết tật câm, điếc. Cứ tới mùa mưa, lụt là ông lại lục đục mang xô chậu hứng nước mưa dột khắp nhà. Ngoài làm nông nghiệp, ông còn thường xuyên đi làm thuê làm mướn nuôi sống bản thân. Thế nên, ông chưa từng dám mơ đến một căn nhà mới.
Bây giờ thì “giấc mơ” ấy đang dần được hoàn thiện. Cùng với số tiền 100 triệu đồng từ Dự án làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc (nhà an toàn chống chịu bão, lụt) cùng với sự hỗ trợ của gia đình, dòng họ để xây nên căn nhà nhỏ bên cạnh nhà cũ. Đối với ông Dũng, nhà nhỏ thôi, nhưng đó sẽ là nơi mà có mưa bão thì ông cũng yên tâm ngủ nghỉ, không phải lo sợ, không phải chập chờn.
Cách đó không xa, là ngôi nhà hoàn thành còn thơm mùi sơn mới của hộ gia đình ông Lê Hữu Cần (95 tuổi), đây không chỉ đơn giản là chỗ ở, mà còn có giá trị tinh thần rất lớn. Bản thân ông già yếu sống cùng gia đình người con trai, nhưng con trai ông cũng thường xuyên đau ốm. Với số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng từ Dự án làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc, gia đình con trai ông Cần mạnh dạn vay mượn, cộng với sự chung tay, giúp đỡ của bà con, căn nhà mới được hoàn thành. “Tôi tuổi đã cao, ở nhà cũ tạm bợ, thấy con cháu không được thoải mái thì bản thân tôi cũng buồn. Giờ có nhà mới tôi thấy yên tâm hơn, lúc đau ốm có chỗ nghỉ ngơi. Chỉ mong vậy, rồi vợ chồng con cháu làm ăn từng bước thoát nghèo”, ông Cần bày tỏ.
Trao sinh kế
Hoàn cảnh gia đình ông Đinh Văn Linh (62 tuổi), thôn Long Bàn Nam thuộc hộ cận nghèo của xã Hành Minh. Hai vợ chồng lớn tuổi, bản thân ông bị tai biến. Qua xem xét, địa phương đã hỗ trợ một con bò cái sinh sản theo chương trình hỗ trợ người nghèo. Ông Linh cho biết: “Được hỗ trợ bò, tranh thủ lúc rảnh rỗi, vợ chồng tôi cắt cỏ chăn bò. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt, bò mẹ đã sinh sản được bê con 2 tháng. Có phương án sinh kế nên vợ chồng tôi vui lắm cố gắng vươn lên thoát nghèo”.
Thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân thuộc dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương hỗ trợ 12 con bò cái sinh sản. Tổng số tiền 509.885.000 đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 299.000.000 đồng, còn lại vốn người chăn nuôi đóng góp. “Sau khi có quyết định phân bổ nguồn hỗ trợ sinh kế bò, chúng tôi đã triển khai thực hiện đúng quy định và luôn sâu sát để động viên bà con tích cực làm ăn, chăm sóc tốt vật nuôi, không để thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể cũng luôn sát cánh hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức khoa học kĩ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh... nên các mô hình phát triển rất tốt, trở thành “chìa khóa” cho các hộ sớm thoát nghèo”, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Lương Minh Hải cho hay.
Phát huy lợi thế sẵn có
Xã Hành Minh nằm bên dòng Phước Giang trù phú, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với cây chôm chôm nên gần như năm nào bà con cũng trúng mùa. Toàn xã Hành Minh có khoảng 30 ha trồng cây ăn quả. Về chất lượng, các loại cây ăn quả trồng ở xã không thua kém so với các tỉnh khác.
Gia đình bà Lê Thị Minh Nhung (68 tuổi), thôn Long Bàn Bắc có vườn rộng 1 ha trồng các loại cây ăn quả. Hiện vườn bà có 25 cây chôm chôm 20 năm tuổi, các loại như mít Thái và cau… Mùa thu hoạch chôm chôm bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 12. Bà Nhung cho biết, năm vừa rồi bà thu khoảng 2 tấn quả. Với giá bán 20.000 đồng/kg nên nông dân có thu nhập khá, nếu so với các loại cây ăn quả khác. “Thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với cây chôm chôm, nên gần như năm nào bà con cũng trúng mùa. Hơn nữa, công chăm sóc cũng như việc đầu tư phân bón... cũng khá nhẹ, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao”, bà Nhung nói.
Ông Nguyễn Duy Cường, Trưởng thôn Long Bàn Bắc chia sẻ, nhiều phong trào triển khai thực hiện có hiệu quả như phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới; Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo được triển khai thường xuyên, trong đó mô hình hỗ trợ sinh kế bò đang phát triển tốt. Đến nay, toàn thôn có 98% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Vườn cây ăn quả phát triển tốt đem lại kinh tế cho người dân.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hành Minh Đoàn Tấn Sỹ, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để làm tốt công tác giảm nghèo. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, vì vậy thời gian qua, cả hệ thống chính trị xã đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tập trung chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo phát huy nội lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hằng năm giảm dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người là 54 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 1.578 hộ, tính đến cuối năm 2023, hộ nghèo còn 54 hộ, hộ cận nghèo 134 hộ. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2024, số hộ nghèo còn 47 hộ (tỷ lệ 3%), 119 hộ cận nghèo, tỷ lệ (7,6%).
Từ các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện và xã đã cấp 26 con bò giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã. Từ năm 2021 - 7.2024, hỗ trợ xây mới 11 căn nhà (6 căn nhà từ Dự án làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc, 5 căn nhà từ nguồn Ủy ban MTTQVN), sửa chữa 4 nhà từ nguồn Ủy ban MTTQVN. Đến nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ đến nay trên 3,8 tỉ đồng.