Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ

NHƯ ĐỒNG

VHO - Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) triển khai nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, tạo “đòn bẩy” để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững.

Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ - ảnh 1
Gia đình bà Phạm Thị Miên là một trong những hộ đầu tiên hưởng lợi từ chương trình cho vay theo Nghị định 28

Tạo cơ hội thoát nghèo

Gia đình bà Phạm Thị Miên (54 tuổi), thôn Trũng kè 1, xã Hành Tín Tây là một trong những hộ đầu tiên hưởng lợi từ chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính Phủ, về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Chương trình đã hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình bà Miên 40 triệu đồng. Trước đó, năm 2022 hộ bà cũng được ưu tiên vay hộ nghèo 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Nhờ  các nguồn vốn  này  mà chất lượng cuộc sống gia đình bà Miên đã có nhiều thay đổi, có nhà ở kiên cố, sản xuất ổn định hơn.

Bà Miên chia sẻ: “Nếu không có tiền của Ngân hàng Chính sách hỗ trợ thì không biết bao giờ gia đình tôi mới có nhà ở, tiền đâu mà mua trâu, bò nuôi, trồng keo, nuôi mấy đứa nhỏ ăn học, lập gia đình. Tôi cảm ơn nhà nước nhiều lắm!”.

Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ - ảnh 2
Nhờ sự đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội đoàn thể xã và bản thân người Tổ trưởng nên nhận thức của tổ viên tăng lên rất nhiều

Chị Đinh Thị Long Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trũng Kè 2 cho biết, ở đây hiện có có 55 tổ viên, với dư nợ 2,6 tỷ đồng. Nhờ sự đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội đoàn thể xã và bản thân người Tổ trưởng nên nhận thức của tổ viên tăng lên rất nhiều.

“Trước khi vay vốn hộ đã có kế hoạch làm ăn cụ thể, rõ ràng. Sau khi vay tổ viên tính toán sử dụng nguồn vốn rất cẩn thận, mang lại thu nhập kinh tế, cũng như xây dựng được nhà cửa, công trình vệ sinh, chuồng trại, mua cây con giống, phương tiện làm ăn hiệu quả. Vì vậy, công tác quản lý nguồn vốn của tổ và công tác thu lãi được nhiều thuận lợi, tổ viên trả nợ đúng kỳ khi đến hạn”, chị Long nói.

Xã Hành Tín Tây có thôn Trũng Kè 1, Trũng Kè 2 thuộc vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chính sách cho vay theo Nghị định 28 của Chính Phủ. Chương trình mang nhiều ý nghĩa thiết thực với mức cho vay ưu đãi, lãi suất thấp, phù hợp với điều kiện sinh sống của người dân vùng đồng bào.

Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ - ảnh 3
Chị Đinh Thị Hạnh (bên trái) có nhà cửa khang trang, kinh tế gia đình phát triển

Hiệu quả vốn vay ưu đãi

Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành đã tiến hành giải ngân cho 7 hộ nghèo làm nhà ở và chuyển đổi ngành nghề, với số tiền 400 triệu đồng. Trong đó,  có 2 hộ làm nhà ở với số tiền 80 triệu đồng, 5 hộ chuyển đổi ngành nghề với số tiền 320 triệu đồng.

Trước khi có Nghị định 28, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với xã Hành Tín Tây, tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 thôn đặc biệt khó khăn Trũng Kè 1 và Trũng Kè 2, với tổng dư nợ đến 30.6.2024 đạt 4,3 tỷ đồng, với 97 hộ còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 3,5 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 532 triệu đồng và hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 9 hộ, với số tiền 255 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Hạnh (26 tuổi) người dân tộc Hrê, thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây vay 100 triệu nguồn vốn giải quyết việc làm, sau khi có vốn chồng chị Hạnh mua phương tiện để làm nghề khai thác keo mang lại thu nhập cho gia đình. Chị Hạnh yên tâm xin làm công nhân của một công ty ở khu công nghiệp Visip Tịnh Phong. Đến nay, thu nhập hai vợ chồng ổn định, nhà cửa khang trang, con cái chăm sóc đầy đủ.

“Gia đình tôi nay đã thoát nghèo bền vững, tôi không nghĩ có ngày mình được ở trong ngôi nhà cao ráo, sáng đẹp như thế này. Vợ chồng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp gia đình tôi có nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập làm được nhà mới có cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Hạnh bày tỏ.

Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ - ảnh 4
Nhà văn hóa thôn Trũng Kè 2 được xây dựng khang trang nơi là sinh hoạt của bà con

Với các giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương, nguồn vốn chính sách giúp sức cho xã miền núi và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã miền núi Hành Tín Tây xuống còn 92 hộ nghèo, chiếm 7,16% ; 97 hộ cận nghèo, chiếm 7,55% vào cuối năm 2023.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nguồn vốn tín dụng chính sách, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp cho 56.252 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 1.140 tỷ đồng. Đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30.6.2024, đạt 409 tỷ đồng, tăng 231 tỷ đồng so năm 2014 (từ khi có Chỉ thị số 40 - CT/TW), tỷ lệ tăng trưởng 130%, với 7.301 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.

Nghĩa Hành: Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ - ảnh 5
Nhờ chương trình tín dụng hiệu quả, tạo “đòn bẩy” để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho 12.863 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 16.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 3.783 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 22.406 hộ đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 803 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

“Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để huyện Nghĩa Hành thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Kha cho biết.