Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo

NHƯ ĐỒNG

VHO – Nhờ vào mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn mà nhiều phụ nữ nghèo ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, giúp cho nhiều chị em phụ nữ nghèo phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 1
Chị Phạm Thị Hợi đầu tư máy xay xát phát triển kinh tế gia đình

Tiết kiệm tạo vốn

Chúng tôi đến thôn An Sơn, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) vào chiều muộn, đúng lúc Chi hội trưởng phụ nữ thôn đi thăm hỏi, kiểm tra hội viên trong Tổ hùn vốn quay vòng. Chị Lê Thị Thu (59 tuổi), Chi hội trưởng phụ nữ thôn, đồng thời là tổ trưởng Tổ hùn vốn quay vòng cho biết, trước thực trạng hầu hết hội viên, phụ nữ trong thôn sống bằng nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, thường xuyên thiếu vốn nên chị em trong thôn quyết định thành lập Tổ hùn vốn quay vòng.

Tổ được thành lập từ năm 2018, lúc đầu chỉ có vài hội viên tham gia, với số vốn quay vòng ban đầu chỉ vài trăm nghìn, mức góp vài chục nghìn/thành viên/tháng. Đến nay, An Sơn đã có 3 tổ, 130 hội viên, số vốn quay vòng đã lên 130 triệu đồng, mức góp cũng tăng lên vài trăm nghìn đồng/ tháng, tùy vào điều kiện kinh tế của hội viên mỗi tổ.

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 2
Chị Hợi mua nguyên liệu mì, bắp về xay thành cám bán

Trường hợp chị Phạm Thị Hợi (41 tuổi), thôn An Sơn là một điển hình trong tận dụng hiệu quả nguồn vốn, đã 3 năm qua chị Hợi luôn tích cực tham gia Tổ hùn vốn quay vòng. Với số vốn mượn ban đầu 35 triệu đồng, chị đã đầu tư mua máy móc và nguyên liệu mì, bắp về xay thành cám bán. Từ số lãi này chị chuyển qua chăn nuôi heo.

“Đến nay kinh tế gia đình tôi ổn định lắm rồi. Có được cơ sở xay xát với đầy đủ máy móc và nguồn thu nhập ổn định hằng ngày như hiện nay tôi rất cảm ơn nguồn vốn quay vòng của Chi hội phụ nữ thôn. Lúc mới khởi nghiệp số tiền này đối với gia đình tôi rất quý, lãi suất thì rất thấp 1 triệu đồng chỉ đóng lãi 10 nghìn đồng/tháng. Nay kinh tế gia đình tôi đã khá hơn tôi tiếp tục tích cực góp vốn vào tổ để nhiều chị em cùng có vốn làm ăn, cùng nhau xây dựng kinh tế khấm khá hơn”, chị Hợi vui vẻ nói.

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 3
Bà Trần Thị Tùng tiếp cận được nguồn vốn xoay vòng đầu tư chăn nuôi

Hay như hoàn cảnh của bà Trần Thị Tùng, thôn An Sơn thuộc diện hộ nghèo, vài năm gần đây do tuổi tác lớn, sức khỏe không còn phù hợp với công việc nặng nhọc, cuộc sống gặp khó khăn. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn xoay vòng bà đầu tư chăn nuôi và trồng chanh. “Trước đây, tôi thuộc hộ cận nghèo, 7 năm qua tôi được mượn 2 lần vốn, 20 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn của phụ nữ thì bây giờ tôi không có 3 con bò và đàn heo như ngày hôm nay. Địa phương luôn quan tâm, kịp thời hỗ trợ đồng vốn và định hướng giúp chị em phụ nữ làm kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống”, bà Tùng bày tỏ.

“Mẹ đỡ đầu” của phụ nữ nghèo

Bà Ngô Thị Thứ (76 tuổi), thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân cho hay, bà đã già yếu, hoàn cảnh đơn thân, không lao động nặng được chỉ mở quán nhỏ buôn bán tạp hóa, bán nước mía cho bà con trong xóm. Biết được hoàn cảnh của tôi, Tổ hùn vốn quay vòng đã xét ưu tiên cho tôi vay vốn trước. Đến nay, tôi đã vay quay vòng 3 năm 10 triệu đồng. Số tiền này ở quê là nguồn vốn khá để tôi mua thêm đa dạng các mặt hàng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bán, nên khách hàng đến quán mua đông hơn lúc mới mở tiệm. Đồng thời, có vốn tôi mua xe ép nước mía, bán thêm nước có thêm nguồn thu nhập hằng ngày.

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 4
Từ số tiền vay của Tổ hùn vốn quay vòng giúp bà Thứ buôn bán đa dạng các mặt hàng

Đến nay, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành đã thành lập được 60 Tổ hùn vốn quay vòng, ở 9/12 xã, thị trấn, số vốn gần 1,5 tỷ đồng. Quy chế hoạt động tổ tự xây dựng, được sự thống nhất của thành viên trong tổ, phù hợp với điều kiện kinh tế, mức thu nhập, nhu cầu vốn của thành viên trong tổ.

Bình quân, mức cho mượn từ 2 đến 10 triệu đồng/hội viên/lần. Nguồn vốn quay vòng chủ yếu chị em mua thêm hàng hoá buôn bán, mua con giống, thức ăn trong chăn nuôi, mua thêm nguyên vật liệu dự trữ trong sản xuất, đóng tiền học, mua dụng cụ học tập cho con cháu...

Có tổ không thu lãi, nếu thu lãi thì mức bình quân 10 nghìn đồng/1 triệu /tháng. Lãi sau khi thu được sẽ trích ra mua quà quay vòng cho hội viên trong tổ, quà là những đồ dùng thiết yếu trong gia đình như chén dĩa, ấm nấu nước, nồi nấu cơm điện,  nhu yếu phẩm thiết yếu...

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 5
Hội LHPN huyện Nghĩa Hành đã thành lập được 60 Tổ hùn vốn quay vòng

Các xã có số thành viên và nguồn vốn quay vòng cao ở huyện Nghĩa Hành là Hội LHPN Hành Nhân có 20 tổ, vốn 405 triệu đồng, 80 thành viên đang mượn vốn; Hội LHPN xã Hành Dũng 14 tổ, vốn gần 400 triệu đồng, 62 thành viên đang mượn vốn; Hội LHPN xã  Hành Đức 6 tổ, vốn 111 triệu đồng, 25 thành viên đang mượn vốn.

Để triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các hội viên, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành đã tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, hội viên việc học tập và làm theo gương Bác, lấy tinh thần tiết kiệm của Bác để giáo dục ý thức tiết kiệm trong hội viên. Mô hình Tổ hùn vốn quay vòng đã được hội triển khai rộng khắp và trở thành phong trào được hội viên phụ nữ toàn huyện tích cực hưởng ứng.

Phụ nữ huyện Nghĩa Hành học Bác, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo - ảnh 6
Nguồn vốn quay vòng là “Mẹ đỡ đầu” của phụ nữ nghèo, khó khăn cần vốn

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Hành Nguyễn Thị Kiều Hoanh cho biết, nguồn vốn quay vòng như là “Mẹ đỡ đầu” của phụ nữ nghèo, khó khăn cần vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích hội cơ sở mở rộng hội viên, phát triển nguồn vốn lên đạt mức 3 tỷ đồng. Hỗ trợ cho chị em phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quan tâm hỗ trợ, tiếp sức, động viên ngay từ đầu đối với hội viên mới bước vào khởi sự kinh doanh, trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.

“Phong trào phụ nữ giúp nhau thoát nghèo làm theo gương Bác đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa lớn. Từ Tổ hùn vốn quay vòng hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, vai trò của tổ chức hội ngày càng nâng cao và trở thành chỗ dựa tin cậy của hội viên”, chị Hoanh bày tỏ.