Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn

VHO - Thời gian qua, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận với thông tin về nghề nghiệp, cơ hội việc làm. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp và phát triển kinh tế tại địa phương.

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 1

Lớp đào tạo kỹ năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đoàn viên thanh niên xã Hành Dũng

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Trong năm 2023, xã Hành Dũng đã mở lớp đào tạo kỹ năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đoàn viên thanh niên, có 70 em học sinh lớp 9 và 15 đoàn viên thanh niên; lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền tư vấn học nghề, khởi nghiệp, việc làm cho đội ngũ tuyên truyền, tư vấn ở xã, thôn có 56 cán bộ và cộng tác viên, điều tra viên của thôn. Hai lớp trên do cô Trần Thị Kim Huệ, Thạc sĩ Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trực tiếp truyền đạt. Qua đó, giúp các em học sinh có những kiến thức cần thiết về việc lựa chọn ngành, nghề, trường phù hợp với nhu cầu của xã hội. Không chỉ vậy, chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức, thu hút đông đảo phụ huynh, thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ địa phương đã tạo được hiệu ứng tích cực. 

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 2

Cô Trần Thị Kim Huệ, Thạc sĩ Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trực tiếp truyền đạt

Em Trần Tú Anh, học sinh lớp 9A, trường THCS Hành Dũng cho rằng: “Chương trình tư vấn, hướng nghiệp này có ý nghĩa rất lớn đối với em. Em mong rằng chương trình được tổ chức thường xuyên, rộng rãi hơn. Qua đó, giúp các em lựa chọn đúng ngành, nghề mà xã hội đang cần. Đặc biệt, Quảng Ngãi là tỉnh công nghiệp phát triển nên em có thể chọn học các ngành về khối kinh tế, công nghiệp để có thể đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.
Em Lê Thị Thảo My, học sinh trường THCS Hành Dũng cho biết: “Chương trình tư vấn có ý nghĩa quan trọng, giúp em có thể đánh giá năng lực của mình để chọn trường phù hợp và xu hướng việc làm hiện nay. Qua chương trình giúp các em có kiến thức lựa chọn ngành nghề, tránh việc sau khi học xong không có việc làm”.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế
Trong hành trình chinh phục đói nghèo, mỗi người tự chọn cho mình một cách làm và hướng đi khác nhau. Nhờ sự mạnh dạn, chăm chỉ và sáng tạo, nhiều người đã gặt hái được thành công, thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình và trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. 

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 3

Cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của anh Trần Quốc Triệu

Anh Trần Quốc Triệu (33 tuổi), thôn An Hòa, xã Hành Dũng đã quyết định chọn con đường khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Triệu cho biết, đầu năm 2023 anh được địa phương tạo điều kiện nguồn vốn vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng, anh mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng như: gạch áp lát, thiết bị vệ sinh, thiết bị nhà bếp,… Ngày đầu mở cửa hàng, anh gặp phải không ít khó khăn, song, may mắn nhận được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh Triệu đã quyết tâm xây dựng cơ sở khắc phục khó khăn và mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế mới. 
“Trong thời gian đến, tôi sẽ vay thêm để mở rộng bán các loại vật liệu như cát sạn, xi măng và mua xe tải để phục vụ vận chuyển. Đồng thời, tạo uy tín, định hướng phát triển bắt đầu từ những công trình nhỏ và vừa, cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tạo chỗ đứng cho sản phẩm của cửa hàng trên thị trường”, anh Triệu cho hay.

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 4

Anh Triệu đang trò chuyện, chia sẻ về dự định phát triển cửa hàng

Từ số tiền vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm 100 triệu đồng, anh Đinh Tấn (28 tuổi), thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng đã tìm hiểu, nghiên cứu, cải tạo đất, mua keo về trồng và đào ao, nuôi cá ở khu vực rẫy của gia đình. Tận dụng nguồn nước suối tự nhiên và các thức ăn sẵn có như cỏ, lá mì… Tấn thả nuôi các loại cá nước ngọt. 
“Nguồn vốn đầu tư nuôi cá đến từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành theo diện hộ nghèo. Ban đầu tôi chỉ đào thả nuôi ít, sau đó mở rộng dần. Ngoài các thức ăn tự nhiên, tôi cũng mua thêm cám về cho cá ăn. Hiện tại, tôi có 3 hồ nuôi cá chép, cá hồng, cá trê với tổng diện tích khoảng 1.000m2. Lợi nhuận từ nuôi cá, tôi mua thêm heo, trâu về chăn nuôi”, Tấn cho hay.

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 5

Anh Đinh Tấn phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm

Dựa vào lợi thế diện tích đất canh tác rộng, Tấn còn đầu tư cây, con giống chất lượng để phát triển mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Sau nhiều năm lao động cần cù, chịu khó, Tấn đã tích lũy vốn mua thêm đất để trồng 13ha keo. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh thu về hơn 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế nông nghiệp.
Ngoài ra, Tấn cho biết đang nghiên cứu nuôi lươn và dự kiến sang năm sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển mô hình này ngay trong vườn nhà. “Sau khi tìm hiểu nhiều nơi thì thấy lươn cũng dễ nuôi và dễ có lợi nhuận. Tôi đã tìm hiểu và rất hứng thú với mô hình này”, anh Tấn nói.
Bí thư Đoàn thanh niên xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái chia sẻ, nhiều thanh niên trên địa bàn xã muốn ra ngoài để tìm kiếm việc làm, song cũng có không ít người vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay tại địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Cùng với việc quan tâm, động viên, Đoàn xã phát huy tốt nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tính đến cuối năm 2023 tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng. Trong 2 năm trở lại đây có khoảng 15 thanh niên vay vốn, mỗi đoàn viên thanh niên được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng.

Xã Hành Dũng (Nghĩa Hành): Gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn - Anh 6

Mô hình nuôi ốc bưu đen của Đoàn viên thanh niên tại Chi đoàn thôn An Phước, xã Hành Dũng

“Trong vai trò là “cầu nối” việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, Đoàn thanh niên xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia học nghề, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu và trình độ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng chú trọng xây dựng những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình”, chị Thái bày tỏ. 
Theo Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Trần Văn Thiện, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Trong năm 2023, đã tạo việc làm mới cho 150 lao động. Đến cuối năm 2023, toàn xã còn 48 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,67%; hộ cận nghèo 132 hộ, chiếm tỷ lệ 7,34%.
“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm; tổ chức điều tra, thu thập thông tin thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giáo dục - dạy nghề trên địa bàn xã”, ông Thiện cho biết. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc