Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt
VHO - Tận dụng lợi thế địa phương, mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Trần Quốc Vương (sinh năm 1980) ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi, kết hợp trồng trọt của gia đình anh Vương ở đồi Gò Mè, xã Hành Tín Đông, điều ấn tượng đầu tiên đó là vườn bưởi xanh mướt, sai trĩu quả, thơm ngào ngạt hương mít chín và những cây sầu riêng đang cho quả... Đây là thành quả gia đình anh thu được từ những nỗ lực, chăm chỉ, cần mẫn và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của địa phương trong những năm qua.
Anh Vương chia sẻ, cách đây 8 năm vợ chồng anh đã bàn bạc và thống nhất bắt tay cải tạo 1,2 ha đất gò đồi của gia đình để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Khởi điểm ban đầu, anh nuôi 200 con gà Ai Cập lấy trứng, ưu điểm của giống gà này là dễ chăm, đẻ nhiều. Nhờ chăm sóc khoa học, vệ sinh khử trùng chuồng trại chăn nuôi đúng quy trình, mỗi ngày đàn gà cho sản lượng trứng từ 150 - 170 quả, chất lượng tương đương như trứng gà ta, được bán với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/10 quả.
Tiếp đến, anh tìm hiểu, lựa chọn giống gà Mía của người dân các tỉnh phía Bắc về nuôi lấy thịt theo hình thức thả đồi. Mỗi lứa anh thả nuôi số lượng 300 con theo hình thức gối đầu. Được nuôi thả trong điều kiện tự nhiên và nguồn thức ăn bổ sung từ thóc trộn bột bắp, cám gạo, do đó gà sinh trưởng khỏe, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon, thị trường rất ưa chuộng. “Thời điểm đó rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng thấy rằng với điều kiện đất gò đồi phù hợp với trồng trọt và chăn nuôi, nên đã bàn bạc, quyết định cải tạo đất trồng keo để trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, bò, gà. Huyện Nghĩa Hành đã tạo điều kiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi”, anh Vương cho biết.
Bằng nguồn vốn tích lũy hằng năm và 100 triệu đồng vay từ Chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2021 của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành, vợ chồng anh Vương tiếp tục cải tạo, đầu tư mở rộng mô hình. Hiện nay, vợ chồng anh có 100 cây sầu riêng cho quả lứa đầu tiên, 70 cây bưởi, 40 cây bơ và 100 cây mít các loại đã cho thu hoạch quả. Ngoài ra, trong vườn anh hiện có 1.000 con gà Hrê, cùng với đó anh đầu tư máy ấp trứng để luân phiên có gà nuôi liên tục. Đồng thời, để có nguồn nước ổn định, anh Vương đã đào ao, lắp đặt đường ống dẫn nước về phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động của vợ chồng tôi. Tôi nhận thấy, muốn thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, cần cù. Quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm không chịu khuất phục trước đói nghèo.
(Anh TRẦN QUỐC VƯƠNG)
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Vương còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân quanh vùng để có nhiều gia đình biết làm kinh tế, cùng làm giàu. “Trong quá trình lao động, sản xuất để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm qua internet, các lớp tập huấn và từ các mô hình chăn nuôi khác. Mỗi năm tôi thu nhập từ mô hình trồng cây ăn trái và cây ngắn hạn kết hợp với chăn nuôi khoảng vài trăm triệu đồng. Từ đó, giúp gia đình có thu nhập ổn định cuộc sống khá hơn trước”, anh Vương nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê, với sự nỗ lực trong lao động, sản xuất bằng mô hình trồng cây ăn quả, cây ngắn hạn và chăn nuôi của gia đình anh Vương đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt góp phần giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.