Đà Nẵng: Đưa người dân tiếp cận với các dịch vụ chuyển đổi số
VHO - Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng và mạnh mẽ về các mặt kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đã có nhiều tuyến phố không dùng tiền mặt, đến nay, người dân đã quen với việc quét mã thanh toán điện tử thay vì sử dụng tiền mặt.
Việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại,tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số.
UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng vừa triển khai thí điểm mô hình “Tuyến đường số gắn với văn minh đô thị", đây là mô hình tuyến đường số đầu tiên của quận Liên Chiểu.
Đơn cử, tuyến đường số Kinh Dương Vương đoạn từ ngã tư Nguyễn Sinh Sắc đến Trần Đình Tri có chiều dài khoảng 1km được xây dựng trên 7 tiêu chí sau: 100% các hộ kinh doanh tại tuyến đường số thanh toán trực tuyến trong thương mại, dịch vụ.
100% hộ kinh doanh thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ qua các trang mạng xã hội; được hỗ trợ cấp tên miền và thiết lập website; 100% trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi có căn cước; 100% hộ dân sử dụng dịch công trực tuyến thay cho trực tiếp.
Ngoài ra, các trụ gắn bảng tên đường tại các ngã ba, ngã tư còn được lắp đặt mã QR giúp người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu các thông tin liên quan tuyến đường số, khu dân cư...
Tuyến đường số đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số thông qua việc tuyên truyền, phát huy sáng tạo việc ứng dụng công nghệ thông tin tại khu dân cư, tổ dân phố và đặc biệt sự vào cuộc của các hộ dân.
Chị Ngô Thị Tiên (Hòa Minh 1, quận Liên Chiểu) đã được Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 hướng dẫn thiết lập mã QR, tài khoản ngân hàng số tại điểm kinh doanh để hỗ trợ thanh toán, nhận tiền không dùng tiền mặt.
“Việc sử dụng mã QR giúp tôi dễ dàng hơn trong việc thanh toán với khách hàng, tiện lợi nhất là tôi không còn cần lo cầm nhiều tiền lẻ để đổi, trả cho khách”, chị Tiên chia sẻ.
Còn anh Vạn Xuân Dũng (chợ Phú Lộc, đường Kinh Dương Vương) cho biết, hiện tại việc bán hàng của anh trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều nhờ có QR: “Tôi cũng cài dịch vụ mobile banking, dù mua hàng vài chục ngàn đồng hay hàng triệu đồng chỉ cần theo mỗi chiếc điện thoại là đủ, vừa an toàn vừa tiện lợi, không lo rơi mất tiền”.
Trên tuyến đường Kinh Dương Vương, các hoạt động buôn bán, phòng cháy chữa cháy, thông tin về tên đường... đều có thể quét mã QR hoặc thực hiện qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tại góc đường Kinh Dương Vương và Hồ Tùng Mậu, có một quầy hướng dẫn người dân về hoạt động chuyển đổi số.
Theo chị Trần Thị Minh Nguyệt, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và đề án 06 khu dân cư Hòa Phú 8, do khu dân cư cách xa UBND phường Hòa Minh nên bà con đến đây thực hiện các dịch vụ công như làm căn cước công dân, đăng ký tạm trú, thường trú,… thay vì phải lên phường.
UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) cũng ra mắt mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua việc khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại của các ngành hàng: Thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, minimart, siêu thị, dịch vụ viễn thông… trên tuyến phố Nguyễn Hữu Thọ đã được trang bị mã QR-Code để thanh toán trực tuyến.
Chị Tuyết Lan, chủ quán kinh doanh đồ ăn sáng (đường Phan Đăng Lưu) cho biết, có khoảng 80% khách đến cửa hàng đều quét mã QR để thanh toán. “Khách mua hàng số lượng lớn hay nhỏ đều có thể trả qua hình thức quét mã, chuyển khoản, chủ cửa hàng cũng không cần phải sử dụng đến tiền mặt nhiều nên rất thuận tiện, an toàn”, chị Lan nói.
Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình này, phường Hòa Thuận Tây đã phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến cán bộ, công chức, người lao động phường; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu như: Điện, nước, học phí, viện phí, thủ tục hành chính…
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt sang thanh toán bằng phương thức quét mã QR-Code, chuyển khoản, và tuyên truyền, hướng dẫn cho gia đình và người thân sử dụng dịch vụ này.