Một lời cảm ơn trị giá 140 triệu USD:

Vì sao cần lịch sự với AI?

MINH PHẠM

VHO - Trong kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa vời mà đã hiện diện trong từng ngóc ngách cuộc sống, từ trợ lý ảo, chatbot đến xe tự lái và sáng tạo nội dung, một câu hỏi nhỏ nhưng lại đang gợi lên làn sóng tranh luận lớn trong cộng đồng công nghệ và đạo đức học: Chúng ta có nên - và có cần - cư xử lịch sự với AI?

Vì sao cần lịch sự với AI? - ảnh 1
Ông Sam Altman, CEO của OpenAI cho rằng, những từ như “please” hay “thank you” tưởng chừng vô hại lại khiến chatbot tốn thêm năng lượng xử lý và chi phí phát sinh là vô cùng lớn

Ở thời đại 4.0, một điều tưởng chừng nhỏ nhặt như việc nói “cảm ơn” với ChatGPT lại đặt ra những câu hỏi lớn về chi phí vận hành và tác động môi trường của công nghệ này.

Theo phân tích của BestBrokers, riêng ChatGPT đã tiêu thụ khoảng 1,059 tỉ kWh điện mỗi năm, tương đương 139,7 triệu USD chi phí điện năng (tính theo mức giá thương mại trung bình tại Mỹ).

Đáng chú ý, mỗi tương tác với chatbot này ngốn tới 0,14 kWh, đủ để thắp sáng 14 bóng đèn LED trong 1 giờ. Khi nhân con số này với hàng tỉ lượt truy cập mỗi ngày, bức tranh năng lượng trở nên khổng lồ, vượt xa tưởng tượng.

Vấn đề không chỉ dừng ở chi phí, mỗi từ ngữ lịch sự như “làm ơn”, “cảm ơn” đều tăng thêm số lượng token (đơn vị xử lý ngôn ngữ của AI), kéo theo hàng tỉ phép toán và khối lượng công việc đồ sộ cho GPU và hệ thống máy chủ.

Kết quả là thời gian phản hồi dài hơn, áp lực lên trung tâm dữ liệu cao hơn và dấu chân carbon ngày càng lớn - tất cả đến từ những lời nói tưởng như vô hại.

Giáo sư Neil Johnson (Đại học George Washington) nhận định: Những từ ngữ lịch sự này chẳng khác nào lớp “bao bì” dư thừa, buộc AI phải “lột bỏ” trước khi xử lý nội dung chính.

Với ông, sự lịch sự có thể mang lại cảm xúc tích cực, nhưng về mặt kỹ thuật lại là một khối lượng tính toán không cần thiết.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu đang tiêu thụ khoảng 2% tổng điện năng toàn cầu, và con số này có thể tăng vọt khi AI tiếp tục lan rộng.

Ngoài điện, nước làm mát cũng trở thành yếu tố đáng báo động. Nhiều trung tâm dữ liệu phải sử dụng lượng lớn nước ngọt để làm mát server, nhất là ở các khu vực khí hậu nóng hoặc đang khô hạn, gây áp lực trực tiếp lên nguồn tài nguyên nước địa phương.

Một báo cáo của Washington Post cho biết, để tạo một email dài 100 từ bằng GPT-4, AI phải sử dụng 0,14 kWh điện và một lượng nước đáng kể để làm mát. Hệ quả là những tương tác “ảo” lại tạo ra hệ lụy rất thật: Tăng phát thải CO2, suy giảm nước ngọt và làm nóng toàn cầu.

Dù AI mang đến sự tiện lợi chưa từng có, nhưng cái giá phải trả không chỉ là tiền điện. Đó là những tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, là môi trường sống của các thế hệ tương lai.

Và có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ lại: Liệu một lời cảm ơn gửi đến AI có thực sự cần thiết - nếu cái giá là cả hành tinh phải gồng mình gánh chịu?

Một khảo sát từ năm 2019 của Pew Research cho thấy, 54% người dùng các thiết bị như Amazon Echo, Google Home từng nói “làm ơn” khi ra lệnh. Đến năm 2024, con số này đã tăng lên 67% theo báo cáo của TechRadar, cho thấy xu hướng nhân cách hóa AI đang ngày một rõ rệt.

Thực tế, sự tương tác thân thiện với máy móc không chỉ là lựa chọn cá nhân, mà còn có thể định hình hành vi xã hội. Nhà biên kịch Scott Z. Burns nhận định: “Dù AI không có cảm xúc, nhưng bất kỳ sự thô lỗ hay căm ghét nào trong cách giao tiếp cũng có thể gieo mầm cho sự vô cảm trong cộng đồng”.

Bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 2024, khi công ty AI Anthropic tuyển dụng nhà nghiên cứu đầu tiên về “AI welfare” (phúc lợi dành cho trí tuệ nhân tạo). Đây không phải là việc nhân đạo hóa máy móc, mà là bước khởi đầu cho việc xây dựng khung ứng xử đạo đức khi AI tiến gần đến trạng thái tương tác giống con người.

Câu hỏi đặt ra không còn là “AI có cảm xúc không?” mà là “Chúng ta muốn mình trở thành ai khi đối thoại với một cỗ máy?”.

Nếu nhìn từ góc độ kinh tế và môi trường, rõ ràng một từ “cảm ơn” thêm vào yêu cầu ChatGPT có thể làm tăng chi phí điện năng, kéo theo áp lực hạ tầng và tác động môi trường.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ văn hóa và đạo đức xã hội, “cảm ơn chatbot” lại mang ý nghĩa đặt nền móng cho một chuẩn mực giao tiếp lành mạnh trong thời đại số.

Khi thế giới ngày càng vận hành qua các thuật toán, có lẽ giá trị con người không nằm ở câu trả lời của AI, mà ở chính cách ta đặt câu hỏi.