Thúc đẩy phát triển AI nhưng phải kiểm soát rủi ro
VHO - Chiều 9.5, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Bổ sung nguyên tắc quản lý tài sản số và tài sản mã hóa
Về nội dung liên quan đến tài sản số, ông Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề nghị cần xây dựng một khung pháp lý toàn diện, quy định chi tiết các vấn đề cốt lõi như quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm pháp lý, giải quyết tranh chấp và quản lý rủi ro.
Đề xuất này nhằm bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ tài sản số có thể được sử dụng cho mục đích trao đổi, đầu tư hay không, đồng thời xác định rõ nội hàm và tiêu chí phân loại tài sản số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, dự thảo luật xác định tài sản số là một dạng tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Các quyền liên quan như sở hữu, giao dịch, bảo mật hay xử lý tranh chấp... đã được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành như pháp luật hình sự, luật phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền, và các văn bản có liên quan.
Do đó, để bảo đảm tính linh hoạt và khả thi, dự thảo luật chỉ quy định các nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết phù hợp với thực tế từng ngành, lĩnh vực.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung các nội dung cụ thể hơn liên quan đến việc tạo lập, phát hành, lưu trữ, lưu ký, chuyển giao và xác lập quyền sở hữu tài sản số.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật. Các điều kiện kinh doanh với dịch vụ tài sản mã hóa và phát hành tài sản mã hóa cũng được đề cập rõ ràng.
Theo quy định tại dự thảo, tài sản số là tài sản được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, lưu giữ và xác thực bằng công nghệ số trên môi trường điện tử.
Tài sản ảo là một loại tài sản số có thể dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư, nhưng không bao gồm chứng khoán, tiền pháp định dạng số và các tài sản tài chính khác.
Tài sản mã hóa là tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ tương đương trong quá trình tạo lập và giao dịch.
Việc phân loại tài sản số sẽ căn cứ vào các tiêu chí như mục đích sử dụng, công nghệ nền tảng và các yếu tố chuyên ngành khác. Việc quản lý nhà nước đối với tài sản số sẽ bao gồm cấp phép, giám sát hoạt động, bảo đảm quyền lợi các bên liên quan và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật.
Cần bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro và quy định về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm AI
Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề xuất cần bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro và thiết lập các biện pháp bảo đảm để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra.
UBTVQH cho biết, dự thảo luật đã tiếp cận theo hướng thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI, trong khi kiểm soát rủi ro dựa trên mức độ ảnh hưởng.

Theo đó, các hệ thống AI rủi ro cao hoặc có tác động lớn sẽ phải chịu quy định quản lý cụ thể, còn những hệ thống không rủi ro cao sẽ không bị điều chỉnh quá mức. Chính phủ sẽ được giao quyền quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn quản lý.
Nguyên tắc quản lý rủi ro đối với AI trong dự thảo được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung nội dung về chiến lược nghiên cứu và phát triển AI nhằm hướng đến việc ứng dụng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm trong toàn xã hội.
Về quyền sở hữu trí tuệ, UBTVQH cho rằng hiện pháp luật Việt Nam chỉ công nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp tạo ra sản phẩm – nghĩa là con người, không áp dụng đối với hệ thống AI.
Trên thực tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhiều quốc gia vẫn đang nghiên cứu vấn đề này, chưa có văn bản quốc tế nào chính thức công nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm do AI tạo ra.
Ông Lê Quang Huy cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu và xem xét sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong tương lai vào thời điểm phù hợp, trên cơ sở tham chiếu tiến triển của pháp luật quốc tế.