Thanh Hoá:

Cần kíp số hóa di sản phi vật thể

NGUYỄN LINH

VHO - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số đã trở thành một xu hướng tất yếu.

Tại Thanh Hóa, dù đã có những bước tiến trong số hóa di sản, song thực trạng vẫn cho thấy khoảng trống lớn trong việc số hóa các giá trị văn hóa phi vật thể – những tài sản tinh thần vô giá đang dần mai một theo thời gian.

Chuyển động còn chậm

Trong hai năm 2017–2018, Thanh Hóa đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời xây dựng dự án số hóa 3D các hiện vật, bảo vật quốc gia.

Cần kíp số hóa di sản phi vật thể - ảnh 1
Trò diễn Xuân Phả với các nghệ nhân đội mặt nạ, trình diễn các điệu múa truyền thống độc đáo

Một số di tích lớn như Thành nhà Hồ hay Lam Kinh đã được đưa vào số hóa, kết hợp với xây dựng website, các triển lãm ảnh, video trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân và du khách tìm hiểu di sản mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, việc số hóa vẫn chủ yếu tập trung vào di sản vật thể. Đối với di sản văn hóa phi vật thể – bao gồm các lễ hội, trò diễn dân gian, loại hình hát xướng – công tác số hóa gần như còn bỏ ngỏ.

Trên không gian mạng, thông tin về các lễ hội đặc sắc của tỉnh rất hạn chế, hình ảnh, video tư liệu thiếu thốn, thậm chí khó tiếp cận ngay cả trên Cổng thông tin điện tử lễ hội quốc gia.

Di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng – là không gian sinh hoạt văn hóa, là điểm tựa tinh thần và cũng là "tài nguyên mềm" cho phát triển du lịch.

Việc phục dựng nhiều loại hình lễ hội, trò diễn, diễn xướng dân gian đã thu hút đông đảo người dân tham gia, chứng minh giá trị bền vững của di sản trong xã hội hiện đại.

Trước thực trạng đó, Bộ VHTTDL đã triển khai Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam”, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể phục vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội trên nền tảng công nghệ số.

Thanh Hóa là địa phương sở hữu khối lượng di sản phi vật thể đồ sộ, cũng đang nỗ lực hòa vào xu thế.

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh cho biết: “Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh số hóa đồng bộ cả di sản vật thể và phi vật thể. Mục tiêu là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá hiệu quả”.

Cần nhận thức đúng và giải pháp mạnh

Thực tế cho thấy, Thanh Hóa đã và đang thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên, mà còn bởi những lễ hội độc đáo như lễ hội đền Bà Triệu với màn rước kiệu quay linh thiêng, hay trò diễn Xuân Phả với những chiếc mặt nạ và điệu múa "độc nhất vô nhị".

Tuy vậy, để công tác bảo tồn và phát huy di sản đạt hiệu quả bền vững, điều quan trọng là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ làm văn hóa cũng như cộng đồng.

Di sản cần được thực hành trong không gian văn hóa nguyên bản, đúng thời điểm, tránh thương mại hóa hoặc trình diễn sai lệch khiến di sản mất đi giá trị gốc.

Cùng với đó, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa là điều cần thiết, sao cho vừa bảo đảm yếu tố gốc, vừa thích ứng với điều kiện mới của xã hội và công nghệ.

Cần kíp số hóa di sản phi vật thể - ảnh 2
Nghi thức rước kiệu truyền thống đặc sắc tại lễ hội đền Bà Triệu

Thanh Hóa là nơi lưu giữ hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được UNESCO và Bộ VHTTDL ghi danh Mo Mường và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế quản lý, bảo tồn di sản theo hướng liên vùng, liên tỉnh.

Điều này khiến các địa phương hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kết trong việc gìn giữ và khai thác hiệu quả di sản chung.

Trong khi đó, liên kết vùng là một trong những hướng đi chiến lược. Bởi lẽ, di sản phi vật thể vốn sinh ra và phát triển trong cộng đồng, cần được cộng hưởng và trao truyền qua các không gian văn hóa liên tục, rộng mở.

Sự kết nối sẽ giúp đánh giá rõ đặc trưng từng loại hình, từ đó có biện pháp bảo tồn và phát huy phù hợp.

Để di sản không "chết" trong kho dữ liệu

Chuyển đổi số là chìa khóa, nhưng số hóa chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là làm sao để di sản được “sống” được trình diễn, được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Công nghệ có thể hỗ trợ lưu trữ và quảng bá, nhưng chính con người mới là chủ thể duy trì sức sống của di sản.

Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh số hóa, Thanh Hóa cũng cần xây dựng cơ chế huy động cộng đồng cùng tham gia gìn giữ di sản; đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực làm văn hóa; mở rộng hợp tác, liên kết vùng trong quản lý và khai thác giá trị di sản.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, là căn cước văn hóa của một vùng đất. Số hóa không chỉ là bảo tồn mà còn là cách để đưa những giá trị ấy bước vào đời sống hiện đại, góp phần phát triển du lịch bền vững và nâng tầm hình ảnh địa phương trên bản đồ văn hóa quốc gia.