Quảng Ngãi:

Công nghệ làm “sống lại” giá trị văn hóa, lịch sử

NHƯ ĐỒNG

VHO - Nhằm số hóa các hiện vật, Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật, di tích để đa dạng hình thức phục vụ công chúng. Với việc áp dụng các nền tảng công nghệ trong trưng bày đã đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng, giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn những tài liệu, hiện vật quý.

Công nghệ làm “sống lại” giá trị văn hóa, lịch sử - ảnh 1
Du khách tham quan Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê TP Quảng Ngãi

Tăng trải nghiệm cho du khách

Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, từ năm 2023, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã gắn mã QR Code tại 15 địa điểm thuộc khu chứng tích. Du khách đến khu chứng tích thay vì phải có thuyết minh viên mới có thể hiểu nội dung ý nghĩa của các điểm, thì nay chỉ cần quét mã QR sẽ hiện ra phần tài liệu về điểm di tích và phần thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Chị Trần Thị Diệu, du khách ở TP HCM cho biết: “Qua quét mã QR bằng điện thoại thông minh, tôi nghe thuyết minh, đọc được các tài liệu liên quan đến khu chứng tích rất rõ ràng, sinh động”.

Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho biết, tất cả thông tin, nội dung chi tiết của hiện vật, điểm di tích sẽ hiện ra chỉ bằng thao tác sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR.

Ứng dụng công nghệ này tạo thuận lợi cho khách tham quan, khi không cần có thuyết minh viên giới thiệu vẫn có thể biết được thông tin ở khu chứng tích. Thuận tiện nhất là du khách nước ngoài, nhờ có phiên dịch tiếng Anh nên nhiều du khách tiếp cận dễ dàng các thông tin liên quan đến khu chứng tích.

Ngoài ứng dụng nói trên, Khu Chứng tích Sơn Mỹ được tỉnh bố trí hơn 3,5 tỷ đồng để xây dựng, đổi mới toàn bộ khu trưng bày nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Nhà trưng bày hiện có 117 hình ảnh và 274 hiện vật. Các hình ảnh, hiện vật được trưng bày gắn với các thiết bị âm thanh phù hợp với từng nội dung. Đặc biệt, các nhóm hiện vật có hồ sơ thuyết minh chân thật, có giá trị lịch sử, nhân văn, làm xúc động người xem...

Công nghệ làm “sống lại” giá trị văn hóa, lịch sử - ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tham quan, trải nghiệm màn hình tương tác 3D tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh thuộc di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh thị xã Đức Phổ, hiện đang trưng bày khoảng 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị. Mỗi năm, nhà trưng bày đón hơn 15 nghìn lượt khách đến tham quan.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã lắp đặt màn hình tương tác 3D tích hợp 50 hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh.

Anh Huỳnh Chí Cường, Phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh cho biết, du khách chỉ cần chạm tay vào màn hình 3D sẽ nghe thuyết minh và nhìn một cách tường tận các hiện vật, nắm đầy đủ thông tin chi tiết.

Ngoài ra, du khách có thể xoay chuyển bằng tay, xem hoa văn, kiến trúc các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở nhiều mặt khác nhau của hiện vật nhờ ứng dụng này.

Công nghệ làm “sống lại” giá trị văn hóa, lịch sử - ảnh 3
Các em học sinh chạm tay vào màn hình 3D nghe thuyết minh và nhìn một cách tường tận các hiện vật

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia, hơn 22 nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn chế.

Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chỉ mới gắn mã QR Code đối với 2 bảo vật quốc gia. Để đẩy mạnh chuyển đổi số, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí, xây dựng các ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng với các thiết bị hiển thị, trình chiếu, tương tác; các hệ thống cảm biến, nhận diện.

Triển khai cơ sở dữ liệu số bao gồm hình ảnh, âm thanh, phim, nội dung số 3D; phần mềm số hóa 3D, công tác lưu trữ, nghiên cứu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật, hình ảnh tư liệu, tham quan ảo 3D...

Tính đến nay, các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã số hóa 24 di tích lịch sử, văn hóa. Triển khai thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa như xây dựng các ấn phẩm truyền thông hiện đại, ngắn gọn, thu hút như Infographic để giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa. Tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống dân tộc... Đây là hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Quảng Ngãi nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh, tài liệu liên quan đến các di tích. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, Trần Đăng Minh cho biết.