Du lịch cộng đồng làm sống dậy không gian văn hóa Sa Huỳnh
VHO - Tỉnh Quảng Ngãi xác định giá trị về văn hóa, lịch sử của các di sản là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm du lịch địa phương. Trong đó, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh (VHSH) là cái hồn làm nên sức cuốn hút của một vùng đất, đang dần trở thành địa chỉ lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng.
Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng, trải nghiệm gốm Sa Huỳnh được coi là chạm tay vào linh hồn của văn hóa tiền sử
Tạo dựng thành sản phẩm
Sa Huỳnh là địa danh nổi tiếng thuộc thị xã Đức Phổ, cách TP Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía Nam. Được các nhà khoa học dùng đặt tên cho nền văn hóa thời tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 3.000 năm trước. Bởi Sa Huỳnh là nơi đầu tiên phát lộ nền văn hóa cổ này vào năm 1909. VHSH là một trong ba nền văn hóa lớn của Việt Nam: Sa Huỳnh – Đông Sơn – Óc Eo. Các tư liệu khoa học khảo cổ, địa chất… đã cho thấy Sa Huỳnh thời tiền sử là mảnh đất vàng để con người cư ngụ, phát triển lâu đời, tạo ra di sản địa văn hóa mang tầm quốc tế. Quần thể di tích khảo cổ, di tích văn hóa – lịch sử gắn với đầm nước ngọt An Khê đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được tỉnh Quảng Ngãi định hướng trở thành di sản văn hóa thế giới.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, di sản VHSH đã tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến của tỉnh. Năm 2023, Sở thực hiện dự án “xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ VHSH và đầm An Khê”. Sản phẩm du lịch trải nghiệm không gian VHSH nhằm bảo tồn văn hóa tiền sử Sa Huỳnh và mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú xoay quanh ba nền văn hóa từ thời đại Sa Huỳnh - Cham pa - Đại Việt tại khu vực di tích cấp quốc gia VHSH.
Ông Dũng chia sẻ, sản phẩm “Du lịch cộng đồng trải nghiệm không gian văn hóa Sa Huỳnh” sẽ giúp du khách “quay về” thời tiền sử bằng những tương tác với thiên nhiên và hoạt động của người dân sống quanh khu vực đầm An Khê, đặc biệt là nghề làm gốm và làm muối Sa Huỳnh. Nghề làm muối, làm gốm, đi biển, làm nông là đặc trưng sinh tồn của người tiền sử Sa Huỳnh, cũng là sinh kế của người dân hiện nay tại địa phương. Trải nghiệm tất cả các hoạt động gắn với thiên nhiên và con người bản địa, du khách sẽ được chìm đắm trong không gian tiền sử, cảm nhận tri thức của người cổ Sa Huỳnh.
Phong phú nguồn “tài nguyên” văn hóa phục vụ du lịch
Làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, nằm cạnh đầm nước ngọt An Khê và trong vùng lõi di sản VHSH. Làng nghề gốm này hình thành cách đây hơn 300 năm. Các hoạt động của làng nghề gốm thủ công này là một mắt xích trong truyền thống chế tác gồm từ VHSH đến hiện đại. Các hộ làm gốm làng Vĩnh An còn bảo lưu kỹ thuật làm gốm truyền thống VHSH ở các khâu làm đất, tạo khí hình với kỹ thuật nặn tay kết hợp với bàn xoay chậm, sản phẩm đồ gốm được nung bằng lò thủ công mà nguyên liệu là thảo mộc.
Bắt đầu kéo đất, nặn gốm trên chiếc bàn chày bằng gỗ, tròn, to như cái mâm, có thể xoay quanh trục cố định, bà Đặng Thị Mỹ, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh cho hay, bà có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm thủ công. Mỗi loại sản phẩm có độ khó, dễ và cách nặn khác nhau. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn. Gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào.
Nói đến VHSH là nói đến táng thức mộ chum làm bằng gốm. Ngoài chum gốm dùng trong nghi lễ mai táng, gốm Sa Huỳnh còn rất phong phú, đa dạng về đồ dùng, vật dụng. Bằng chứng là các nghiên cứu khảo cổ học từ di vật gốm được tìm thấy, bộ sưu tập 18 bình hoa gốm Long Thạnh (Đức Phổ) đã được công nhận là báu vật quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh cho biết, đến với vùng đất Sa Huỳnh, du khách sẽ được thăm làng gốm truyền thống tại thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh và tận tay trải nghiệm các công đoạn làm gốm xưa và nay. Trải nghiệm gốm Sa Huỳnh du khách được chạm tay vào linh hồn của văn hóa tiền sử, gốm sẽ cho du khách nhiều cảm xúc về bức tranh đời sống vật chất - tinh thần của người cổ Sa Huỳnh. Người Sa Huỳnh sử dụng các kỹ thuật hoa văn như đập dấu thừng, văn chải, văn in ấn, văn khắc vạch hoặc kết hợp các kỹ thuật khác nhau, tạo ra mô típ trang trí phong phú, tinh tế; tạo ra các hoa văn chạy quanh đồ gốm, ngoài ra còn dùng chì tô màu trong các họa tiết hoa văn, làm cho hoa văn sinh động mang tính mỹ thuật.
Nền VHSH hiện hữu sống động xung quanh “trái tim” là đầm nước ngọt An Khê. Hoạt động sinh sống của người Sa Huỳnh nay vẫn làm gốm thủ công, trồng lúa nước ven đầm An Khê, đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ, thô sơ; làm muối biển; canh tác nông nghiệp trên ruộng bậc thang xếp bằng đá… Tại đây, giúp du khách quay về thời tiền sử bằng những tương tác với thiên nhiên và hoạt động của người dân sống quanh khu vực đầm An Khê.
Người dân sống trong vùng di sản đa phần là nông dân, ngư dân, diêm dân… Do đó, du lịch cộng đồng trải nghiệm không gian VHSH sẽ được nhận diện bằng mạng lưới các điểm du lịch như làng muối, làng gốm, làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh) và nhiều ngôi làng khác.
Làng muối Sa Huỳnh nằm trong không gian VHSH và là thành tố không thể tách rời với nền văn hóa khảo cổ này. Đây là vựa muối nổi tiếng ở miền Trung, cánh đồng muối là kế sinh nhai của khoảng 600 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố là Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1 có diện tích hơn 110ha.
Truyền thống làm muối biển liên tục kéo dài từ Sa Huỳnh - Cham pa - Đại Việt không bị đứt quãng, cái yếu tố quyết định đó là con người với tri thức sản xuất hàng ngàn đời truyền lại. Đi kèm với trải nghiệm làm muối, du lịch cộng đồng trải nghiệm không gian VHSH còn góp phần bảo tồn các di tích kiến trúc tín ngưỡng liên quan đến nghề làm muối, phát huy các hoạt động lễ hội…
Khai thác du lịch song song với bảo tồn, gìn giữ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, sau khi di tích VHSH được côn nhận di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm khai thác và tạo thương hiệu du lịch riêng dựa trên những giá trị nổi bật về di sản của địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc bảo vệ giá trị văn hóa, chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền địa phương và người dân bản địa biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ, bảo tồn.
Đến nay, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch (tuyến đường nối QL 1A đến Nhà trưng bày VHSH, bãi đỗ xe…), xây dựng các chương trình tour du lịch kết hợp tham quan di tích VHSH, tổ chức đón hơn 30 doanh nghiệp chuyên kinh doanh thị trường inbound, cơ quan thông tấn báo chí đến từ TP. Hồ Chí Minh và cả nước tham dự famtrip “Du lịch cộng đồng, OCOP – Kết nối thiên nhiên, văn hóa Quảng Ngãi”; tổ chức cuộc thi thiết kế logo VHSH; tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm văn hóa và lịch sử liên quan đến di sản này.
“Tỉnh tập trung lập Hồ sơ Di tích khảo cổ VHSH trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đồng thời, quảng bá, marketing du lịch dựa trên di tích VHSH thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch địa phương tham gia vào việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo dựa trên giá trị di sản văn hóa này”, ông Tuấn chia sẻ.
Tỉnh Quảng Ngãi đang định hướng phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh như phát triển du lịch văn hóa đối với các huyện có nhiều di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử. Điểm đến di tích quốc gia đặc biệt về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; VHSH; di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; Nhà lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng; dệt thổ cẩm làng Teng...
NHƯ ĐỒNG