Làng quê Sơn Mỹ, điểm đến của khát vọng hòa bình

VHO - Làng quê Sơn Mỹ hôm nay đã đổi thay với những nét bình dị, người dân có lối sống chân chất, gần gũi và thân tình. Nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới.

Làng quê Sơn Mỹ, điểm đến của khát vọng hòa bình - Anh 1

 Người dân làm hướng dẫn viên đưa khách tham quan các điểm di tích, cảnh quan làng quê

 Xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi nằm ngay cạnh Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Tháng 12.2023, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện “Mô hình du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình” tại đây. Du khách đến tìm hiểu lịch sử tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ sẽ có dịp hiểu thêm về cuộc sống của người dân Sơn Mỹ xưa và nay.

Với việc được gặp gỡ, trò chuyện cùng những nhân chứng sống của Vụ thảm sát Sơn Mỹ, trải nghiệm một ngày làm nông dân và thưởng thức những điều đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của vùng quê yên bình, du khách sẽ có một cái nhìn mới mẻ về làng quê Sơn Mỹ hôm nay. Đường về Sơn Mỹ hôm nay đã khác xưa. Những cánh đồng lúa mênh mông như muốn níu chân người. Những mảnh vườn cây trái tốt tươi. Bà Trần Thị Huy, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê chia sẻ, du khách đến đây để cảm nhận sự hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ của một vùng quê nghèo khó, về lòng bao dung, chân tình của những người dân quê mộc mạc, luôn yêu chuộng hòa bình. Dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng người dân Sơn Mỹ luôn sẵn lòng vị tha.

“Nơi này, còn rất nhiều người biết hát bài chòi Thuận Yên Mỹ Hội kể lại nỗi đau của vụ thảm sát Sơn Mỹ cách đây 56 năm. Chiến tranh đã qua, vết thương đã lành. Phát triển làng du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình, tôi cũng hát cho khách hiểu được xóm làng, người dân đã vượt qua nỗi đau của quá khứ để hướng đến tương lai, lan tỏa giá trị của hòa bình đến với du khách thập phương”, bà Huy nói. Anh Trương Hồng Thái cùng nhóm bạn trẻ ở TP Quảng Ngãi đã tìm về làng Sơn Mỹ những ngày tháng 3 này, lắng nghe tiếng chuông nguyện cầu, được người dân địa phương kể lại câu chuyện lịch sử. Nhìn lên nền trời xanh, đàn bồ câu trắng đang sải cánh đi muôn nơi như muốn gửi niềm khát vọng của nhân dân Sơn Mỹ về một nền hòa bình mãi trường tồn trên toàn thế giới. “Chúng tôi về thăm Sơn Mỹ, thắp nén hương trước tượng đài của những người đã ngã xuống, nghe nhân chứng kể lại vụ thảm sát vào buổi sáng ngày 16.3.1968, 504 thường dân vô tội đã bị giết hại. Tham quan khu vực chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật… tôi rất xúc động”, anh Thái bộc bạch.

Làng quê Sơn Mỹ, điểm đến của khát vọng hòa bình - Anh 2

 Du khách được sống với không gian di tích

Phát triển du lịch cộng đồng vừa là bảo tồn văn hóa, vừa phát huy các giá trị vốn có. Ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa khác biệt, trước tiên, cần một cộng đồng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ lợi ích. Để triển khai “Mô hình du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình”, người dân xóm Khê Thuận đã được hỗ trợ đi tham quan, học hỏi thực tế ở một số địa phương khác đã thực hiện thành công. Đồng thời, được tập huấn kỹ năng làm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ để tạo ấn tượng tốt với du khách khi đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Ông Đỗ Tấn Bạch, Trưởng Ban điều phối mô hình du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình cho biết: “Người dân chung tay làm du lịch để du khách trong và ngoài nước biết đến nơi đây nhiều hơn nữa. Bà con làm ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường, chỉnh trang lại đường làng, chế biến món ăn,… phục vụ du khách tốt hơn”. Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, hằng năm có hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ, nhưng có rất ít du khách được kết nối với người dân bản địa để gặp gỡ những nạn nhân sống sót, trải nghiệm cuộc sống làng quê Sơn Mỹ.

“Mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và thực hiện tại xóm Khê Thuận là điều kiện để người dân Sơn Mỹ kết nối với thế giới, lan tỏa giá trị của hòa bình thông qua nỗi đau chiến tranh mà họ đã từng gánh chịu. Qua đó, du khách thập phương có cơ hội cảm nhận về văn hóa, con người nơi đây, chung tay hành động vì nền hòa bình của nhân loại, góp phần phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương trong hành trình tham quan, du lịch của mình”, ông Dũng cho hay.

 “Xóm Khê Thuận và Khu Chứng tích Sơn Mỹ nằm trên Quốc lộ 24B đi Cảng Sa Kỳ - Dung Quất, cách khu du lịch biển Mỹ Khê 3 km và cách trung tâm TP Quảng Ngãi 13 km về phía Đông Bắc, đường ven biển và cầu Cổ Lũy ở phía Nam. Nơi đây rất thuận lợi khi kết nối với nhiều địa điểm hấp dẫn trong vùng như: Thành cổ Châu Sa, rừng dừa nước Tịnh Khê, đảo Lý Sơn, biển Châu Me,…”

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc