Quảng Ngãi:

Chuyển đổi số thư viện còn nhiều khó khăn

NHƯ ĐỒNG

VHO - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành thư viện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số và liên thông thư viện tại Quảng Ngãi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như hạ tầng, tài nguyên thông tin số, phần mềm chuyên ngành…

Chuyển đổi số thư viện còn nhiều khó khăn - ảnh 1
Không gian phục vụ bạn đọc chật hẹp cần được đầu tư, mở rộng

Mỗi năm, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đón khoảng 20 nghìn lượt bạn đọc, đông nhất là 3 tháng hè. Nhưng con số này chưa phải là nhiều với một thư viện tỉnh. Một trong những nguyên nhân là cơ sở vật chất của đơn vị còn nhiều hạn chế. Không gian đọc chật hẹp, nóng bức, do được xây dựng từ cách đây hơn 30 năm, khiến bạn đọc ít mặn mà với việc đến đọc sách ở thư viện.

Em Lê Hoài Anh (12 tuổi) ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) không ngại quãng đường 8km, mỗi tuần đều đạp xe đến thư viện để đọc sách. “Thư viện có rất nhiều sách hay em chưa được đọc nên em thường đến đây cùng các bạn để tìm hiểu. Thư viện có sẵn máy tính để chúng em tra cứu và tìm mượn sách, truyện một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, không gian còn chật mà nhu cầu lại đông nên vào mùa hè rất nóng”, em Anh chia sẻ.

Chuyển đổi số thư viện còn nhiều khó khăn - ảnh 2
Tìm kiếm sách qua phần mềm thư viện

Thư viện Tổng hợp tỉnh đang lưu trữ hơn 210 nghìn bản sách thuộc 15 nghìn đầu sách các loại. Đây là nơi thu hút các em thiếu nhi đến trong dịp hè. Thời gian qua, ngành thư viện tỉnh đã nổ lực nắm bắt xu hướng chuyển dịch tìm đọc sách trên nền tảng mạng trực tuyến, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các ấn phẩm báo, tạp chí lên các nền tảng số như: Xây dựng chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, ấn phẩm thông tin trên hệ thống trang web thư viện tỉnh, facebook, youtube… Trong đó, trên fanpage “Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi”, mỗi tuần đều có chuyên mục giới thiệu sách mới đến đông đảo bạn đọc trên mạng xã hội.

Chị Võ Thị Bích Ngọc, phụ trách Phòng đọc thiếu nhi cho biết, từ ngày có phần mềm quản lý thư viện đã tạo nhiều tiện ích trong công tác chuyên môn. Dịp hè, dù mỗi ngày trên 30 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách nhưng mọi thao tác tìm kiếm, tra cứu đều rất nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu.

Tuy đã có phần mềm quản lý thư viện, nhưng Thư viện Tổng hợp tỉnh chưa được kết nối liên thông với hệ thống thư viện công cộng ở các địa phương. Điều này gây khó khăn trong việc chia sẻ tài nguyên thông tin, chưa thu hút nhiều người đến thư viện cấp huyện, xã để tra cứu sách.

Chuyển đổi số thư viện còn nhiều khó khăn - ảnh 3
Ngành thư viện tỉnh xây dựng không gian xanh trong phòng đọc

Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Phan Đình Độ cho biết, hằng năm, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thư viện các cấp cài đặt phần mềm quản lý thư viện. Tuy nhiên, muốn liên thông kết nối thì cần phải có nguồn lực lớn để xây dựng hệ thống hạ tầng.

Theo kế hoạch số 165 ngày 14.10.2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 phải có 70% tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do thư viện tỉnh sưu tầm, thu thập, quản lý được số hóa.

Thế nhưng, trên thực tế, hiện chỉ có 156 tài liệu về địa chí Quảng Ngãi được số hóa. “Muốn hướng tới việc xây dựng tài liệu số, thì thư viện tỉnh cần phải có máy scan chuyên dụng. Hiện đơn vị đang xin kinh phí để đầu tư thiết bị này”, ông Độ cho hay.

Chuyển đổi số thư viện còn nhiều khó khăn - ảnh 4
Phần mềm quản lý thư viện đã tạo nhiều tiện ích trong công tác chuyên môn

Theo ông Độ, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã có kế hoạch tham mưu cấp trên bổ sung kinh phí cải tạo, xây dựng không gian xanh, đầu tư trang thiết bị mới, các phương tiện nghe, nhìn hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành thư viện và mở rộng không gian vui chơi, giải trí cho thiếu nhi, từng bước trở thành điểm đến thu hút bạn đọc.

Triển khai Đề án xây dựng thư viện điện tử, từ năm 2019 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh được trang bị hệ thống máy chủ và phần mềm vận hành để quản lý. Đây là bước chuyển lớn từ một thư viện truyền thống phát triển thành thư viện hiện đại. Hiện việc tra cứu, biên mục sách đã được số hóa, áp dụng công nghệ thông tin, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp, lưu trữ và quản lý sách tại thư viện.