AI sắp giúp bạn hiểu được “tiếng lòng” thú cưng?

N. THANH

VHO - Hiểu thú cưng như... trò chuyện với bạn bè? Đó có thể không còn là giấc mơ xa vời. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu đang nghiên cứu một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng giải mã và "dịch" tiếng kêu của động vật sang ngôn ngữ con người.

AI sắp giúp bạn hiểu được “tiếng lòng” thú cưng? - ảnh 1
Bạn sắp trò chuyện với thú cưng của mình như bạn bè? Ảnh: Reuters

Theo một tài liệu bằng sáng chế vừa được công bố bởi Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, Baidu đề xuất phát triển công nghệ AI thu thập và phân tích dữ liệu từ động vật như âm thanh, hành vi và tín hiệu sinh lý.

Hệ thống sẽ nhận diện trạng thái cảm xúc của động vật và chuyển hóa thành thông điệp có thể hiểu được bằng ngôn ngữ con người.

Baidu cho biết mục tiêu của hệ thống là tạo ra sự "giao tiếp cảm xúc sâu sắc hơn và hiểu biết hơn giữa con người và động vật", qua đó cải thiện độ chính xác và nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa các loài.

Một phát ngôn viên của công ty cho biết hiện công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng đã thu hút "nhiều sự quan tâm" từ công chúng kể từ khi thông tin bằng sáng chế được lan truyền.

Nỗ lực sử dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu ngôn ngữ loài vật không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Từ năm 2020, các nhà nghiên cứu quốc tế trong Dự án CETI (Sáng kiến Dịch thuật về Cá voi) đã ứng dụng phân tích thống kê và AI để khám phá cách cá nhà táng giao tiếp.

Trong khi đó, Earth Species Project, một tổ chức phi lợi nhuận ra đời năm 2017 với sự hậu thuẫn tài chính từ Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn), cũng đang phát triển các công nghệ tương tự nhằm "giải mã" tiếng nói của nhiều loài động vật khác.

AI sắp giúp bạn hiểu được “tiếng lòng” thú cưng? - ảnh 2
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang nghiên cứu một hệ thống có khả năng giải mã và "dịch" tiếng kêu của động vật sang ngôn ngữ con người. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi tin tức được lan truyền, các nền tảng như Weibo đã trở nên sôi động. Nhiều người bày tỏ hào hứng với khả năng hiểu được tâm trạng của thú cưng. Một người viết: "Tôi luôn muốn biết mèo của mình nghĩ gì khi nó nhìn tôi chằm chằm!"

Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra hoài nghi: “Nghe thì ấn tượng, nhưng vẫn cần xem nó có hiệu quả trong thực tế hay không.”

Kể từ làn sóng bùng nổ AI sau khi ChatGPT ra mắt vào năm 2022, Baidu đã là một trong những công ty Trung Quốc đi đầu trong cuộc đua này.

Tháng trước, công ty công bố mô hình ngôn ngữ Ernie 4.5 Turbo, tuyên bố đạt kết quả tương đương các sản phẩm hàng đầu thế giới trong nhiều bài kiểm tra chuẩn.

Tuy nhiên, chatbot này vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ trong thị trường AI toàn cầu đang cạnh tranh khốc liệt.

Theo Reuters