Vang vọng âm sắc Tuồng trong giới trẻ:

Sự tiếp nối đáng tự hào của văn hóa dân gian

MINH CHÂU

VHO - Trong bối cảnh phần lớn giới trẻ bị cuốn theo những trào lưu giải trí hiện đại, vẫn có không ít bạn chọn nghệ thuật truyền thống làm sân chơi để nuôi dưỡng tâm hồn, thể hiện đam mê, thậm chí xác định là con đường sự nghiệp lâu dài…

Sự tiếp nối đáng tự hào của văn hóa dân gian - ảnh 1
Giới trẻ Đà Nẵng nỗ lực giữ gìn và phát huy nghệ thuật Tuồng

 Hiện đại hóa không gian nghệ thuật truyền thống

Bên cạnh những chương trình đưa nghệ thuật dân tộc vào trường học do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức, thời gian qua, Đà Nẵng cũng chứng kiến nhiều hoạt động sôi nổi do chính các bạn trẻ thực hiện nhằm tôn vinh giá trị truyền thống.

Tháng 11.2024, chương trình “Văn hóa nghệ thuật tân sắc Tuồng” do nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức tại Đình làng Hòa Mỹ đã thu hút đông đảo khán giả. Sự kiện không chỉ mang đến những màn trình diễn ấn tượng mà còn góp phần khơi dậy tình yêu với bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

“Văn hóa nghệ thuật tân sắc Tuồng” là dự án học tập kéo dài 2 tháng của nhóm sinh viên gồm Nguyễn Phước Quý Ngân, Phạm Thị Mỹ Thuận, Trần Kim Ngân, Hồ Nguyên Kha, Hoàng Công Tuấn Huy, Võ Thị Thanh Tình và Lê Thị Thanh Tuyền. Không chỉ tập trung tổ chức biểu diễn, nhóm còn dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghệ thuật Tuồng để mang đến cho khán giả những góc nhìn chân thực, sống động nhất.

Bằng cách khéo léo kết hợp yếu tố truyền thống với hơi thở hiện đại, các bạn đã gửi gắm thông điệp ý nghĩa về việc bảo tồn văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Nhóm cũng tích cực giao lưu với các nghệ sĩ gạo cội để học hỏi kinh nghiệm, từ đó đưa ra những sáng tạo mới, giúp Tuồng đến gần hơn với khán giả trẻ mà vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có.

“Lần đầu tiên em xem hát Tuồng mà thấy hay và truyền cảm đến vậy. Có lẽ một phần vì chính những bạn đồng trang lứa với em đứng trên sân khấu. Nhờ chương trình này, em càng thêm yêu và trân trọng văn hóa dân tộc, mong rằng những giá trị truyền thống sẽ luôn được gìn giữ để thế hệ sau có cơ hội thưởng thức”, Nguyễn Phước Quý Ngân, sinh viên lớp PR18301 - một thành viên trong nhóm chia sẻ đầy hào hứng.

Là một trong số ít bạn trẻ chọn nhạc cụ dân tộc làm “bước đệm” để vừa thỏa mãn đam mê vừa định hướng nghề nghiệp, suốt 5 năm qua, Nguyễn Kim Hoàng Đạt, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, đã không ngừng nỗ lực đưa âm nhạc cổ truyền đến gần hơn với công chúng.

Hoàng Đạt cùng nhóm bạn trẻ của mình thường xuyên tổ chức biểu diễn hát Bài chòi tại những địa điểm đông khách du lịch như cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo... Không dừng lại ở việc trình diễn, nhóm còn chủ động liên hệ với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm để học hỏi, tham gia nhiều lớp học nhạc cụ dân tộc nhằm nâng cao kỹ năng.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Hoàng Đạt cho biết: “Nếu chỉ biểu diễn trong phạm vi trường học hay các hội nhóm nhỏ lẻ, âm nhạc dân tộc sẽ khó tiếp cận được nhiều người. Vì vậy, chúng em chọn những địa điểm đông khách du lịch, để không chỉ người Việt mà cả du khách nước ngoài cũng có cơ hội thưởng thức. Khi nghe các làn điệu Bài chòi hay Tuồng, nhiều người tỏ ra rất thích thú, thậm chí còn muốn thử chơi nhạc cụ và nhờ chúng em hướng dẫn”.

Khi Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Đà Nẵng tổ chức lớp dạy đàn nhạc dân tộc, Hoàng Đạt lập tức đăng ký theo học và đặt mục tiêu sẽ thành thạo kỹ năng đệm hát và xử lý tốt các làn điệu dân ca Bài Chòi. Nhờ nỗ lực không ngừng, Đạt đã trở thành một trong những học viên xuất sắc, được chọn vào đội trình diễn báo cáo kết quả cuối khóa. Đây không chỉ là cơ hội để Đạt thể hiện tài năng mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình đưa nghệ thuật đến với nhiều người hơn.

Động lực để gìn giữ và trao truyền

Có thể nói, “Văn hóa nghệ thuật tân sắc Tuồng” đã mang đến một góc nhìn đầy lạc quan về cách giới trẻ đón nhận nghệ thuật truyền thống. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, biểu diễn (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) chia sẻ sự bất ngờ và vui mừng khi chứng kiến sức hút của Tuồng đối với khán giả trẻ: “Chúng tôi rất vui khi các bạn đã dành tình yêu đặc biệt cho nghệ thuật Tuồng.Hơn 300 khán giả cổ vũ nồng nhiệt đã tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi vào sự phát triển của bộ môn này. Những năm gần đây, số lượng sinh viên đến Nhà hát Tuồng ngày càng tăng, cho thấy sự quan tâm ngày một lớn của giới trẻ đối với nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động đưa đoàn diễn đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để lan tỏa tình yêu nghệ thuật Tuồng”.

Nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, từ năm 2016, Đà Nẵng đã triển khai chương trình “Đưa Tuồng vào học đường”, phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, chương trình tổ chức khoảng 30 buổi giới thiệu và biểu diễn, bao gồm các nội dung: Nói chuyện về nghệ thuật Tuồng, biểu diễn trích đoạn, giới thiệu cách vẽ mặt, phục trang, đạo cụ…

Nhà hát đã lựa chọn những trích đoạn phù hợp với từng độ tuổi học sinh, đặc biệt gắn với các nhân vật lịch sử mang tên các trường như Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo…

Qua đó, học sinh không chỉ tiếp cận Tuồng một cách sinh động mà còn có cơ hội hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước. Đặc biệt, các nghệ sĩ còn lồng ghép vào chương trình những phần giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, sự phát triển của nghệ thuật Tuồng, cùng những động tác múa đặc trưng của các nhân vật lão, nịnh thần, tướng, nhân vật hư cấu… giúp học sinh bổ sung kiến thức một cách trực quan, hỗ trợ cho bài học về nghệ thuật sân khấu trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài việc phối hợp với các trường học và tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn tổ chức nhiều buổi diễn tại các địa phương, tiếp cận đông đảo khán giả trẻ.

Đồng thời, để thực hiện tốt chương trình “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng vào học đường” năm 2025, các nghệ sĩ Nhà hát đã hoàn thành tập luyện trích đoạn Người giữ thành (thuộc vở tuồng Hoàng Diệu của tác giả Nguyễn Tứ Hải, do đạo diễn NSND Phan Văn Quang dàn dựng).

Đoạn trích đã được chính thức công diễn tại một số trường học và có lịch diễn cho những trường tiếp theo trong năm 2025, hứa hẹn mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị và sâu sắc hơn về nghệ thuật truyền thống.