Bình Định:

Giao lưu, tuyên truyền nghệ thuật Tuồng vào trường học

Bài, ảnh: PHAN HIẾU

VHO - Sau khi giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, nhiều học sinh Trường THCS Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) chia sẻ, đây là buổi ngoại khóa thật ý nghĩa khi có thêm những kiến thức bổ ích, lý thú về chương trình giáo dục địa phương, về loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng văn hóa Bình Định.

Đặc biệt, ươm mầm tình yêu nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài chòi trong mỗi học sinh, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật Tuồng Hát bội (di sản văn hoá phi vật thể quốc gia), nghệ thuật Bài chòi (di sản của nhân loại).

Giao lưu, tuyên truyền nghệ thuật Tuồng vào trường học  - ảnh 1

Học sinh của Trường THCS Phước Lộc giao lưu, tìm hiểu nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định

Mới hơn 6 giờ sáng nay, học sinh Trường THCS Phước Lộc đã tập trung đông đúc, ngồi nghiêm trang để dự chương trình “Giao lưu - trải nghiệm nghệ thuật truyền thống” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao, Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước tổ chức tại trường.

Đi vào nội dung giao lưu, trải nghiệm với học sinh nhà trường, nghệ sĩ Đoàn Thanh Tâm - nhà viết kịch đã giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật Tuồng; đặc trưng cơ bản và nét độc đáo của nghệ thuật Tuồng Bình Định. “Nghệ thuật Tuồng có tính ước lệ, tượng trưng, khoa trương, cách điệu cao. Không gian, thời gian, diễn biến nội tâm, tính cách nhân vật đều được các nghệ sĩ thể hiện bằng lời văn tuồng và nghệ thuật diễn xuất”, nghệ sĩ Đoàn Thanh Tâm vừa cầm đuôi ngựa diễn xuất, vừa chia sẻ giọng điệu thân tình với học sinh Trường THCS Phước Lộc.

Giao lưu, tuyên truyền nghệ thuật Tuồng vào trường học  - ảnh 2

Đông đảo học sinh Trường THCS Phước Lộc ngồi nghiêm trang, lắng nghe buổi ngoại khóa “Giao lưu - trải nghiệm nghệ thuật truyền thống”

Giao lưu với các em học sinh, NSND Phương Thảo chia sẻ: “Muốn theo đuổi nghệ thuật sân khấu, trong đó có nghệ thuật Tuồng thì bản thân mình phải đam mê yêu nghề và quyết tâm cống hiến cho nghề".

Cũng tại buổi giao lưu, trải nghiệm, các em học sinh còn được nghe các NSND, NSƯT giới thiệu, minh hoạ một vài câu thai cũng như giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định.

Không khí tại buổi giao lưu, trải nghiệm thêm sôi nổi hơn khi các em học sinh xung phong lên trình bày một vài câu hát trong nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định mà các em đã học trong chương trình giáo dục tại trường. “Cháu đã học Ca kịch Bài chòi Bình Định được 2 năm rồi. Các cô chú ở Trung tâm văn hóa huyện thường xuyên đến trường dạy, nên giờ các cháu mới hát được như vậy. Cháu rất thích và yêu nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định", Trần Mạnh Quân, học sinh lớp 7A5 Trường THCS Phước Lộc hào hứng bày tỏ.

Được biết, Trường THCS Phước Lộc được huyện Tuy Phước thống nhất chọn điểm triển khai việc vận dụng chương trình giáo dục địa phương cho học sinh được trải nghiệm nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Thầy Mai Văn Em - Hiệu trưởng Trường THCS Phước Lộc cho biết: Nằm trong chương trình giảng dạy phổ thông, việc hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học phổ thông là vô cùng quan trọng, góp phần đắc lực bồi dưỡng nhân cách. Nhà trường chúng tôi cũng đã có kế hoạch dạy học bộ môn giáo dục địa phương cho từng khóa học, trong đó có nghệ thuật truyền thống, như âm nhạc nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài chòi.

"Chúng tôi mong rằng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm sâu sát hơn nữa, tạo điều kiện cho học sinh của trường tiếp cận nhiều sự kiện ngoại khóa, bổ trợ cho chương trình học tập, giáo dục truyền thống, nhất là nghệ thuật sân khấu Tuồng, Ca kịch Bài chòi. Để từ đó, tạo trực quan sinh động để học sinh hiểu sâu hơn về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đại diện của nhân loại", thầy Mai Văn Em nói.

Giao lưu, tuyên truyền nghệ thuật Tuồng vào trường học  - ảnh 3

Nghệ sĩ Đoàn Thanh Tâm diễn xuất về nghệ thuật Tuồng

Hiệu trưởng Trường THCS Phước Lộc cũng đề nghị Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, giúp nhà trường sớm được UBND huyện có quyết định thành lập “Câu lạc bộ Em yêu nghệ thuật truyền thống trong nhà trường”.

Trao đổi với Văn Hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định cho hay: Phước Lộc, là một trong những cái nôi nghệ thuật Hát bội (Tuồng), Bài chòi. Danh nhân văn hóa Đào Tấn - nhà soạn Tuồng, hậu Tổ nghệ thuật Hát bội. Ngày nay, Phước Lộc đang định hướng phát huy giá trị đền thờ Đào Tấn, từ đường Đào Tấn, phục dựng lại Học Bộ đình, một thiết chế truyền thống đảm nhận nhiệm vụ thực hành và truyền dạy nghệ thuật Hát bội Đào Tấn trong lịch sử.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc, để tiếp nối di sản cha ông để lại, học sinh Trường THCS Phước Lộc là một địa chỉ được các cơ quan trên địa bàn chọn làm điển hình, nhằm ươm mầm thế hệ trẻ hiểu và nắm giữ sâu sắc nghệ thuật hát Bội, Bài chòi. Hy vọng, nhà trường sẽ đáp ứng sự mong đợi của lãnh đạo huyện Tuy Phước.

“Chúng tôi sẽ tư vấn cho nhà trường quy trình thành lập Câu lạc bộ em yêu nghệ thuật truyền thống tại Trường THCS Phước Lộc, từng bước phối hợp với địa phương có kế hoạch khai thác, sử dụng các di tích trên địa bàn gắn với danh nhân văn hóa Đào Tấn, đó là đình làng Vinh Thạnh, từ đường họ Đào, đền thờ Đào Tấn, khôi phục Học Bộ Đình Vinh Thạnh…”, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định cam kết và tin tưởng, tại chương trình “Giao lưu - trải nghiệm nghệ thuật truyền thống” hôm nay, các nghệ sĩ Nhà hát sẽ cùng giao lưu với các em, tìm hiểu tâm tư các em đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Hy vọng sau này các em sẽ nối tiếp cha ông gìn giữ, phát huy di sản trên quê hương hậu Tổ tuồng Đào Tấn.