Bộ VHTTDL:
Khai giảng “Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống - 2024”
VHO - Ngày 10.5, Lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống – 2024 đã khai mạc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh TP Đà Nẵng. Lớp tập huấn do Bộ VHTTDL chỉ đạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhằm nâng cao một bước về chuyên môn cho diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh, Lớp tập huấn được tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ truơng của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; cụ thể hóa Quyết định số 1909/QD-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Là hoạt động thiết thực góp phần vào thành công chung trong thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng về “Bảo tổn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa nhân loại; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" và nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, Lớp tập huấn là một trong những cơ sở để các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ nghệ thuật tuồng đánh giá đúng thực trạng của loại hình nghệ thuật tuồng hiện nay, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm kế thừa, phát huy, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống trong thời kỳ mới; đồng thời tạo cơ hội cho các diễn viên được bồi dưỡng chuyên sâu về kĩ thuật diễn xuất, hát, múa tuồng truyền thống, các nhạc công được bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu tuồng cổ, phương pháp biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc và xử lý các tình huống sân khấu; là cơ hội cho các diễn viên, nhạc công có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trau dồi kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng.
Đồng thời, lớp tập huấn cũng nhằm nâng cao một bước về chuyên môn cho diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp trong cả nước, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng tại các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay; Ban tổ chức đã mời các giảng viên là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, nhạc công, các đạo diễn có chuyên môn cao, uy tín và có nhiều đóng góp cho sân khấu tuồng tham gia giảng dạy. Các trích đoạn, vai diễn được chọn làm mẫu trong đợt tập huấn lần này cũng là các trích đoạn, vai diễn kinh điển trong nghệ thuật tuồng.
Chương trình tập huấn sẽ kéo dài từ ngày 10.5 đến hết ngày 18.5.2024. Ban Tổ chức sẽ tiến hành tổng kết trao bằng chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn. Thay mặt Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, NSƯT Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng khẳng định: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức Lớp tập huấn Diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng truyền thống - 2024 tại thành phố Đà Nẵng là một hành động kịp thời và ý nghĩa; đây sẽ là cơ hội thuận lợi giúp anh, chị, em diễn viên, nhạc công tuồng có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, các giảng viên cũng như từ các đồng nghiệp để có nhiều sáng tạo, cống hiến hơn nữa trong thời gian tới”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã rất quan tâm, chú trọng hỗ trợ và chỉ đạo Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham mưu, đề xuất và tổ chức các hoạt động phát huy nghệ thuật tuồng, đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng. Thời gian qua, với sự nỗ lực và cố gắng hết mình, Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đã học hỏi và kế thừa được vốn tuồng cổ khá đồ sộ của các bậc thầy giàu kinh nghiệm. Những nỗ lực đó đã đem về cho Nhà hát nói riêng và tuồng nói chung nhiều kết quả đáng khích lệ như: tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế; đưa tuồng xuống phố để phục vụ người dân, đưa tuồng vào học đường để giới thiệu với thế hệ trẻ về loại hình nghệ thuật bác học của dân tộc; hình thành nhiều show diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước và Nhà hát đã sáng đèn thường xuyên để giới thiệu đến công chúng các chương trình tiết mục đặc sắc của tuồng.
Tuy vậy, NSƯT Nguyễn Thị Hội An cũng cho rằng, cần nhìn nhận thực tế rằng, hiện nay việc giữ gìn, phát huy, lan tỏa nghệ thuật tuồng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ và hiện đại hóa hiện nay. Đặc biệt, nghệ thuật tuồng đang thiếu lớp diễn viên, nhạc công kế cận là một trong những khó khăn lớn trong sự nghiệp giữ gìn di sản đáng quý này.
Việc mở lớp tập huấn không ngoài mục đích nâng cao trình độ chuyên môn về ca hát, vũ đạo, diễn xuất cho diễn viên, đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu tuồng cổ, cách xử lý các bài bản có tính kinh điển trong nghệ thuật sân khấu tuồng cho các nhạc công. Đây cũng là cơ hội để các diễn viên, nhạc công được lĩnh hội những bài học, kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn quý báu của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, các đạo diễn có chuyên môn cao, uy tín và có nhiều đóng góp cho sân khấu tuồng trong những năm qua; đồng thời là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công bộ môn nghệ thuật tuồng được giao lưu, học hỏi và cùng hun đúc ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng.
Thông qua lớp tập huấn khẳng định vai trò, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nghệ thuật Tuồng trong cả nước cùng chung tay, góp sức với Bộ VHTTDL - Cục NTBD và các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống trong tình hình thực tế hôm nay của đông đảo khán giả.