Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

VHO - Chiều 13.1 tại Bắc Giang, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Báo cáo tại Hội nghị, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho cho biết, bám sát những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành VHTTDL nói chung, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch công tác năm. 

Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Năm 2023, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, nhiệm vụ chính trị. 

Các hoạt động VHTTDL dần sôi động trở lại. Nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, NSƯT Trần Ly Ly cho hay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ trì, phối hợp xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học theo hướng tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của Bộ Tư pháp; nghiên cứu, soạn thảo 35 văn bản đóng góp ý kiến cho dự thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư do các cơ quan khác chủ trì; nghiên cứu, soạn thảo đối với 31 lượt văn bản đóng góp ý kiến cho dự thảo quy hoạch một số tỉnh/thành phố, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do các cơ quan khác chủ trì.

NSƯT Trần Ly Ly tiếp tục cho biết, bám sát định hướng chỉ đạo của Bộ VHTTDL, được sự quan tâm của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở VHTT, Sở VHTTDL trên toàn quốc đã triển khai đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Công tác thẩm định, cấp phép, tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức. 

Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Anh 2

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly trình bày báo cáo

Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.

Cũng theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, các hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức.

Theo báo cáo của 53 Sở VHTTDL/ Sở VHTT các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 1.12.2023 các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã tổ chức dàn dựng 1153 chương trình, tiết mục, vở mới; sửa chữa, nâng cao 671 chương trình, tiết mục; tổ chức 8019 buổi biểu diễn (trong đó có 3063 buổi biểu diễn phục vụ chính trị và vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo).

Các chương trình thu hút 154.869.326 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và kênh youtube... Số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 78.742.163.915 đồng.

Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng. Hầu hết, các đơn vị nghệ thuật đều có chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Tuy nhiên, NSƯT Trần Ly Ly cũng nhận định trong năm qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật, chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập; khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. 

Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.

Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức. Các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc.

Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Anh 3

Toàn cảnh Hội nghị

Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả.

Các tác phẩm nghệ thuật mới chưa được đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng.

Quá trình thực hiện và đổi mới cơ chế chính sách đặc thù cho nghệ sĩ còn chậm, bất cập dẫn đến người lao động có tâm lý chán nản, không thực sự toàn tâm toàn ý với nghề.

Một số khó khăn chung cũng được đại diện các Sở, đơn vị nghệ thuật nêu ra tại hội nghị. Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang Tạ Quang Lẫm cho biết hiện nay, sân khấu truyền thống đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với những loại hình nghệ thuật mang tính hiện đại, giải trí cao. Nghệ thuật truyền thống chịu sự lép vế, khó thu hút khán giả. 

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, hiện nay Chính phủ và Bộ VHTTDL rất quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, chưa có chính sách, nguồn lực đối với công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng. Vì thế, rất cần thiết bổ sung nguồn lực tài chính cho công tác này. 

“Cùng với đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống có những bất cập nhất định, gây khó trong công tác chiêu mộ nhân lực, nhất là đội ngũ biểu diễn. Chúng tôi rất hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm chế độ đãi ngộ cho nhân lực được đào tạo hệ trung cấp của nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng. Bởi đây là nhân lực nguồn, được đào tạo bài bản, đáp ứng những yêu cầu của nghề biểu diễn”, ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Anh 4

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2023 gặt hái được nhiều thành công. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh năm 2023 là năm lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi.

Thứ trưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Đặc biệt trong quá trình triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tư duy, có hành động cụ thể để phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Ngoài biểu dương, đánh giá cao những kết quả Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các đơn vị nghệ thuật đã đạt được, Thứ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn mà lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang gặp phải như thiếu kinh phí, cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho các nghệ sĩ; đặc biệt là những nghệ sĩ đang cống hiến hết mình trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị của những loại hình nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, còn là sự xuống cấp của cơ sở vật chất, không đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai các hoạt động nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Việc cấp phép cho các cuộc thi hoa hậu phải được thực hiện nghiêm theo đúng quy định; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội của địa phương.

Các Sở, đơn vị nghệ thuật, đơn vị liên quan cũng chủ động tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Một trong những nội dung Thứ trưởng yêu cầu tập trung thực hiện là dồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn phát triển.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

Thứ trưởng cũng bày tỏ, đối với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương cần có sự kết nối đối với những loại hình nghệ thuật có tính tương đồng để xây dựng những đề án bảo tồn, phát triển mang tính đặc thù chuyên biệt. “Tôi mong muốn, trong năm tới có sự liên kết chặt chẽ của các địa phương trong bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ví dụ bảo tồn Chèo là sự kết nối của các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, bảo tồn Đờn ca tài tử, Cải lương của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long... Khi có các đề án, Bộ VHTTDL sẽ xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hơn nữa, cần tăng cường việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới. Từ đó, tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc