Phim Việt mùa cuối năm:

Những ẩn số phòng vé

BÁ TRƯỜNG

VHO - Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2024 kết thúc, “đường đua” phim Việt mùa lễ hội bắt đầu sôi động. Trong khi một số dự án hoãn ngày phát hành, thì lại bất ngờ xuất hiện những tân binh chọn “thời điểm vàng” cuối năm để ra mắt, với hy vọng khuấy động phòng vé…

Những ẩn số phòng vé - ảnh 1
Bộ phim “Chị dâu” của đạo diễn Khương Ngọc gây bất ngờ cho phòng vé Việt mùa cuối năm

 “Thời điểm vàng” trình làng

Tuần qua, mọi sự chú ý đổ dồn vào bộ phim Chị dâu. Dự án này được giới thiệu khá muộn và quyết định ra rạp vào dịp cuối năm, chậm hơn so với nhiều tác phẩm khác. Được đạo diễn Khương Ngọc dẫn dắt, Chị dâu quy tụ dàn diễn viên ăn khách như Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung... Mặc dù mới ra rạp chưa đầy một tuần, phim đã nhanh chóng dẫn đầu phòng vé với doanh thu 36 tỉ đồng tính đến sáng ngày 24.12, vượt qua cả bom tấn Disney Mufasa: Vua sư tử (13,7 tỉ đồng) và Yêu em không cần lời nói của Hàn Quốc (234 triệu đồng), dù cả ba phim cùng ra rạp ngày 20.12.

Chị dâu được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với Đêm tối rực rỡ (2022), khi cả hai đều xoay quanh sự kiện ma chay trong văn hóa Việt, bối cảnh diễn ra trong một đêm và những mâu thuẫn giữa các thành viên dần dần bùng nổ. Trước khi ra mắt, phim không nhận được kỳ vọng cao, nhưng rốt cuộc lại chạm đến cảm xúc mạnh mẽ của khán giả. Chị dâu khéo léo đưa người xem vào suy nghĩ và góc nhìn của từng nhân vật trong mỗi câu chuyện riêng của họ. Ai cũng là người bị hại, ai cũng bị ức hiếp, nhưng khi hiểu rõ những gì họ đã trải qua, sự đồng cảm bắt đầu nảy nở. Cuối cùng, cả năm chị em nhận ra rằng, mọi việc không có đúng hay sai, chỉ là cách hành động và suy nghĩ của mỗi người khác nhau. Tất cả trở lại với hai chữ gia đình.

Sau Đêm tối rực rỡ, tác phẩm của đạo diễn Khương Ngọc một lần nữa khẳng định phim Việt vẫn còn rất nhiều đề tài gần gũi, nhân văn, được công chúng yêu thích. Điều các đạo diễn cần là một kịch bản chắc tay và sự chỉ đạo tinh tế, thay vì tìm kiếm những yếu tố “đao to búa lớn” mà không thực hiện đến nơi đến chốn. Bộ phim hiện vẫn đang chiếu rộng rãi tại các cụm rạp và thu hút sự nhận xét, bình luận tích cực trên các trang mạng xã hội.

Trái ngược với Chị dâu, một số dự án được công bố trước đó lại quyết định dời ngày phát hành. Cụ thể, Nhà gia tiên (đạo diễn Huỳnh Lập) đã lùi lịch sang tháng 2 năm sau, còn Đồi thông hai mộ (đạo diễn Nhất Trung) vẫn đang “án binh bất động”. Điều này đồng nghĩa với việc Kính vạn hoa bản điện ảnh sẽ là phim Việt khép lại năm với ngày ra rạp chính thức là 24.12. Tác phẩm do Võ Thanh Hòa đạo diễn, gây ấn tượng mạnh với phần hình ảnh rất đúng tinh thần truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. So với các dự án khác, Kính vạn hoa có lợi thế rõ rệt khi sở hữu độ nhận diện cao hơn với công chúng.

Trước đó, khán giả cũng vừa được thưởng thức Ngày xưa có một chuyện tình, chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, vốn rất ăn khách khi ra mắt năm 2016. Mặc dù không có doanh thu mở màn ấn tượng, nhưng dự án đã “mưa dầm thấm lâu”, âm thầm thu về hơn 45 tỉ đồng. Điều này càng chứng minh sức hút mạnh mẽ của các phim chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Vì vậy, bản điện ảnh của Kính vạn hoa đang được mong chờ và kỳ vọng sẽ khuấy đảo phòng vé dịp lễ hội cuối năm. Đặc biệt, đạo diễn Võ Thanh Hòa là một tên tuổi quen thuộc, với nhiều phim từng gia nhập “câu lạc bộ trăm tỉ”.

Vẫn là những ẩn số

Tính đến nay, thị trường phim Việt 2024 đã có 6 bộ phim đạt doanh thu trên trăm tỉ đồng, dù chưa khép lại vì vẫn còn hai tác phẩm mới ra mắt là Chị dâu và Kính vạn hoa. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, chỉ riêng các bộ phim của Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm tới 86,4% doanh thu, với tổng cộng 1.033,9 tỉ đồng, trong khi 12 bộ phim còn lại chỉ đạt khoảng 161,7 tỉ đồng. Trong ba tháng hè từ tháng 5 đến hết tháng 7, chỉ có 3 phim nội địa công chiếu, với tổng doanh thu dưới 10 tỉ đồng, gồm Móng vuốt (gần 4 tỉ đồng), Mùa hè đẹp nhất (hơn 4 tỉ đồng) và Án mạng lầu 4 (gần 2 tỉ đồng). Những tháng tiếp theo, phòng vé chứng kiến sự đổ bộ của các phim kinh dị, thu về doanh thu ấn tượng như: Ma da (gần 130 tỉ đồng), Làm giàu với ma (128 tỉ đồng) và Cám (hơn 96 tỉ đồng). Tuy nhiên, những phim đạt trăm tỉ này vẫn còn kém xa thành tích của Trấn Thành và Lý Hải. Điều này càng cho thấy sự chênh lệch lớn về doanh thu giữa các phim Việt trong năm qua.

Chị dâu Kính vạn hoa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mùa phim cuối năm, nhưng “30 chưa phải là Tết”. Mới đây, Công tử Bạc Liêu là một trong những phim Việt nổi bật ra mắt, với kỳ vọng doanh thu cao nhờ dàn diễn viên nổi tiếng như Song Luân, NSƯT Thành Lộc, Kaity Nguyễn, Đoàn Thiên Ân (Miss Grand Vietnam 2022)... Tuy nhiên, sau 3 tuần công chiếu, tổng doanh thu phim mới đạt 36 tỉ đồng, con số không mấy ấn tượng với một dự án được đầu tư mạnh và quy tụ nhiều tên tuổi lớn. Dự báo, phim sẽ dừng lại ở mức doanh thu khoảng 40 tỉ đồng, nhường sân cho các tác phẩm khác. Nguyên nhân chính là chất lượng phim chưa đáp ứng kỳ vọng, cùng với chiến dịch quảng bá không đủ mạnh mẽ. Hầu hết khán giả đều không đánh giá cao tác phẩm.

Có thể thấy, sự thành bại của một bộ phim phụ thuộc nhiều vào khán giả, nhất là khi điện ảnh cũng là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, bên cạnh những giá trị mà nhà sản xuất mong muốn truyền tải, việc đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng cần được ưu tiên. Tuy nhiên, một thực tế là điện ảnh Việt hiện nay chưa hoàn toàn chú trọng đến tâm lý người xem. Điều này thể hiện qua việc nhiều bộ phim quá tập trung vào vai trò của người sáng tác mà bỏ qua cảm nhận của khán giả, hoặc có những phim chạy theo thị hiếu số đông một cách hời hợt, tạo ra những sản phẩm ăn xổi, thiếu chiều sâu. Rõ ràng, bên cạnh yếu tố nghệ thuật, các phim Việt thành công gần đây đều không quên “chiều chuộng” sở thích của người xem. Vì vậy, Chị dâu hay Kính vạn hoa vẫn là những “ẩn số” chưa thể đoán trước tại phòng vé Việt cuối năm 2024.

Không thể phủ nhận, “đường đua” phim Việt cuối năm đóng vai trò quan trọng, không chỉ là bước chạy đà cho mùa phim Tết mà còn giúp các nhà sản xuất thăm dò sự quan tâm của khán giả đối với phim nội địa. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là việc chọn “thời điểm vàng” không đồng nghĩa với doanh thu cao. Con đường duy nhất để tăng doanh thu vẫn là chất lượng tác phẩm. Chỉ khi làm tốt yếu tố này, phim Việt mới có thể tự thu hút khán giả đến rạp một cách chủ động.