Phim Việt chiếu hè:

Chờ sự bứt phá

BÁ TRƯỜNG

VHO - Nếu như hè năm 2023, phim Việt chiếu rạp rơi vào trạng thái “vườn không nhà trống”, thì năm nay bức tranh điện ảnh có phần nhộn nhịp hơn khi có tới 4 cái tên ra rạp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bộ phim tiên phong chào hè lại đang rơi vào cảnh ế ẩm, đối diện khả năng thua lỗ cao…

 Chờ sự bứt phá - ảnh 1

 Bộ phim Mùa hè đẹp nhất được đặt nhiều kỳ vọng trong dịp này

Đa dạng sắc màu

Mùa hè luôn được xem là thời điểm vàng để nhà sản xuất tung ra các dự án “bom tấn”, được đầu tư mạnh về kinh phí, kỹ xảo lẫn khâu quảng bá. Sau những tháng đầu năm bội thu với hơn 1.000 tỉ đồng, giới nghề càng mạnh dạn hơn để mang những “đứa con tinh thần” của mình đến với khán giả cả nước.

Trong tháng 6 này, phim điện ảnh Móng vuốt chính thức ra mắt. Đây là tác phẩm khai thác chủ đề sinh tồn, được đạo diễn Lê Thanh Sơn ấp ủ suốt hơn 7 năm qua. Bộ phim xoay quanh buổi dã ngoại trong rừng của nhóm bạn 7 người. Nhưng chuyến đi chơi bỗng hóa thành những trải nghiệm kinh hoàng khi họ bất ngờ đụng độ con gấu hung dữ, khát máu. Cả nhóm bị cô lập giữa rừng sâu, thế nhưng từng phương án trốn thoát vạch ra đều lần lượt thất bại. Và cũng từ đây, họ hiểu nhau hơn khi tâm tư, tình cảm của các nhân vật dần được hé lộ. Dự án quy tụ dàn diễn viên trẻ nổi tiếng như Tuấn Trần, Thảo Tâm, Rocker Nguyễn…

Không để Móng vuốt cô đơn, Mùa hè đẹp nhất sẽ chính thức ra mắt khán giả vào cuối tháng 6 này. Phim kể về một nhóm bạn chơi thân với nhau từ thời sinh viên với bối cảnh trải dài từ thập niên 1990 đến hiện đại, hứa hẹn mang khán giả đến với hành trình đầy kỷ niệm và cảm xúc. Mùa hè đẹp nhất có sự tham gia của những gương mặt nổi bật như Đỗ Khánh Vân, Trần Nghĩa, Công Dương, Minh Dự, Nguyễn Tụ; cùng dàn diễn viên gạo cội như NSND Thanh Nam, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh và diễn viên Đức Sơn.

Bên cạnh đó, bộ phim Vầng trăng thơ ấu do Công ty cổ phần Phim Giải phóng sản xuất cũng đã được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành. Phim lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901, khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên. Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim sẽ có một số chi tiết hư cấu, song đều dựa trên tư liệu tin cậy để khi xem phim khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục. Vầng trăng thơ ấu đã có buổi công chiếu đầu tiên vào ngày 5.6 vừa qua và sẽ phát hành trên nhiều cụm rạp trong tháng 6 này.

Đặc biệt, theo yêu cầu của đông đảo khán giả, Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng dự kiến sẽ trở lại các rạp chiếu. Phim sản xuất từ năm 2017, kể về cậu bé Cá mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng chưa bao giờ từ bỏ ước mơ sẽ có một ngày vượt qua được dãy núi để tận mắt được nhìn thấy thế giới rộng lớn. Bộ phim từng chinh phục nhiều LHP quốc tế lớn như: LHP của Chính phủ Iran lần 36 (IFFI) với giải “Phim châu Á xuất sắc nhất”; được lựa chọn vào LHP Tallinn Black Nights và LHP quốc tế Ấn Độ (GOA); đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 20 và được chọn là đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự vòng loại giải Oscar lần thứ 90. Được biết, trong dự án đưa Cha cõng con chiếu tại các trường học, ê kíp đã nhận được nhiều lời chia sẻ đầy xúc động từ các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Hy vọng với sự trở lại lần này, bộ phim sẽ được công chúng yêu phim Việt đón nhận nồng nhiệt.

 Chờ sự bứt phá - ảnh 2

 Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng dự kiến sẽ trở lại các rạp chiếu

Chất lượng vẫn hơn số lượng

Dù thị trường phim chiếu rạp hè năm nay sôi động hơn năm trước, tuy nhiên có vẻ như sự mở màn của Móng vuốt không mấy thành công khi chưa đủ sức thu hút khán giả. Qua đó thấy được, sau khi Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải tạo cơn sốt phòng vé, thì phim Việt đã quay trở lại tình trạng ế ẩm. Tưởng chừng sự xuất hiện của nhiều “tay đua” nội địa sẽ là “cứu cánh” cho thị trường điện ảnh nước nhà, thì đến nay, “miếng bánh” béo bở đã và đang rơi vào tay các dự án ngoại.

Trước đó, tại buổi ra mắt Móng vuốt, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho biết cột mốc doanh thu mà ê kíp hướng đến là 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau ba ngày (tính cả các suất chiếu sớm), tác phẩm chỉ thu hơn 1,3 tỉ đồng theo thống kê của Box Office Vietnam. Con số này là khá thấp so với một tác phẩm quy tụ dàn sao đình đám, lại được đầu tư quảng bá rầm rộ trước đó. Và sau một tuần, phim cũng chỉ thu về vỏn vẹn 3 tỉ và có lẽ sẽ khó có thể tăng tốc trong những tuần tới. Phần lớn ý kiến khán giả đánh giá thấp nội dung phim, khi gợi nhớ nhiều tác phẩm cùng dòng từng được Hollywood thực hiện. Một số tình tiết còn mang tính khiên cưỡng. Diễn xuất của các diễn viên, đặc biệt là gương mặt chính Thảo Tâm, chưa đủ thuyết phục người xem. Bù lại, tác phẩm có phần kỹ xảo hình ảnh được đầu tư chỉn chu, vượt trội hơn hẳn so với nhiều phim Việt ra mắt gần đây. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì nhiều khả năng phim khó vượt mốc 20 tỉ đồng, có nguy cơ đối diện thua lỗ nặng nề.

Với những bộ phim còn lại, chỉ có Mùa hè đẹp nhất là được đặt nhiều kỳ vọng; còn Vầng trăng thơ ấu hay Cha cõng con, thì khâu truyền thông yếu cùng nội dung kén khán giả, số lượng người xem bỏ tiền mua vé vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, “30 chưa phải là Tết”, điện ảnh Việt vẫn có quyền kỳ vọng vào những dự án nội địa sẽ có thể đảo ngược thế cờ để làm nên chuyện.

Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của điện ảnh Việt mùa hè này là thiếu vắng phim thiếu nhi. Nhìn lại những năm qua, màn bạc thực sự khuyết thiếu những tác phẩm “cây nhà lá vườn” dành riêng cho các em nhỏ. Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 10 bộ phim điện ảnh ngoại dành cho khán giả nhí đã, đang và sẽ công chiếu tại Việt Nam. Nhưng sự hẫng hụt này cũng là điều dễ hiểu, bởi công chúng vẫn chưa mặn mà, chưa có niềm tin đối với phim thiếu nhi nội địa. Cùng với đó, các nhà sản xuất cũng thường “né” bởi dòng phim này dễ thua lỗ, không mang lại doanh thu cao như các thể loại khác. Bởi thế, thị trường điện ảnh béo bở vào mỗi dịp hè ở nước ta đều phải nhường sân cho đội bạn.

Rõ ràng, chất lượng vẫn hơn số lượng. Trước đó, những bộ phim như Án mạng lầu 4, Đóa hoa mong manh, Cái giá của hạnh phúc, B4S: Trước giờ yêu… dù đã giúp đa dạng bức tranh điện ảnh Việt, song đều phải “ngã đau”. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất, bởi khán giả luôn cần những “món ăn tinh thần” xứng đáng để họ bỏ ra cả thời gian lẫn tiền bạc đến rạp thưởng thức, chứ không phải là những sản phẩm “mì ăn liền”.