45 năm Viện Phim Việt Nam:

Cống hiến lặng thầm phía sau những thước phim vô giá

MINH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Ngày 22.9.1979, Viện Tư liệu phim Việt Nam được thành lập - tiền thân của Viện Phim Việt Nam ngày nay. Suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ của Viện đã dành nhiều tâm huyết, tài năng, trí tuệ trong công tác lưu trữ, bảo quản, bổ sung tư liệu cho kho lưu trữ; nghiên cứu công nghệ, phổ biến những thước phim quý về lịch sử, đời sống xã hội và văn hóa của đất nước…

Cống hiến lặng thầm phía sau những thước phim vô giá - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2023 cho các đơn vị thuộc Bộ (Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam thứ 2 từ phải sang)

 Những mốc son trên hành trình 45 năm

Ngày 22.9.1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 343/ CP thành lập Viện Tư liệu phim Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin. Tiền thân của Viện là Phòng Tư liệu phim thuộc Cục Điện ảnh hợp nhất với Trung tâm tư liệu phim miền Nam, Ban Nghiên cứu lý luận và lịch sử điện ảnh thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật. Đến ngày 15.10.1979, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ra Quyết định số 153/VHTT-QĐ chuyển cơ quan Tư liệu điện ảnh II thành “Phân Viện Tư liệu phim Việt Nam” tại TP.HCM trực thuộc Viện Tư liệu phim Việt Nam.

Những ngày đầu thành lập, Viện Tư liệu phim Việt Nam gặp muôn vàn gian khó, không có trụ sở làm việc và kho phim cố định; điều kiện bảo quản thô sơ, lạc hậu; chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam đang diễn ra khốc liệt, tư liệu điện ảnh do Viện quản lý luôn nằm trong tình thế cấp bách phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi, từ ATK Tuyên Quang tới kho H79 Đà Lạt.

Năm 1989, sau 10 năm thành lập (ngày 22.9.1989), Viện Tư liệu phim Việt Nam chính thức có trụ sở riêng tại 115 Ngọc Khánh (nay là 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Phim tư liệu, vật liệu gốc được quy về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản, lưu trữ điện ảnh trong cả nước.

Năm 1991, Viện Tư liệu phim Việt Nam được đổi tên thành Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam. Quy mô hoạt động của Viện được mở rộng, đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận điện ảnh và sản xuất phim được hình thành, phát triển đến ngày nay.

Năm 2003, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam được đổi tên thành Viện Phim Việt Nam (viết tắt là VFI).

Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, theo thời gian, Viện đã từng bước khẳng định vị thế là đơn vị có điều kiện kho bảo quản phim tốt nhất trên cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Viện đang lưu giữ và bảo quản hàng triệu mét phim tư liệu, tài liệu quý hiếm của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bộ sưu tập gồm gần 20 nghìn tên phim, tương đương hơn 80 nghìn cuốn phim 16mm và 35mm, hàng chục nghìn băng video các loại được bảo quản trong kho của Viện tại Hà Nội và TP.HCM…

Cống hiến lặng thầm phía sau những thước phim vô giá - ảnh 2
Cán bộ kỹ thuật Phòng Bảo quản phim tiến hành kiểm tra phim trong kho 523 Kim Mã, Hà Nội

Những thước phim đồng hành cùng lịch sử dân tộc

Kế thừa và phát huy nền tảng vững chắc do các thế hệ đi trước tạo dựng, thế hệ kế cận của Viện đã và đang xây dựng, củng cố đơn vị ngày càng phát triển, hội nhập bền vững. Công tác tu sửa, bảo quản, số hóa phim luôn được chú trọng; phim được quay trở, lau, rửa bằng hóa chất định kỳ với số lượng mỗi năm đạt hơn 11 nghìn cuốn. Nhiều bộ phim có giá trị lịch sử đã được phục chế thành công như: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Miền Nam trong trái tim tôi; Những giây phút cuối đời Bác; Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin; Nước nguồn Pắc Pó; Chiến thắng Điện Biên Phủ… Nhằm hoàn thiện bộ sưu tập, kéo dài tuổi thọ phim, phục vụ công tác lưu trữ, khai thác tư liệu hiệu quả, Viện đã lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc in chuyển phim tới hạn, phim chua, phim thiếu bộ bản sang các bản phim mới trên vật liệu phim nhựa, băng betacam digital sang file số độ phân giải 2K, 4K.

Song song với công tác lưu trữ bảo quản, Viện luôn đẩy mạnh công tác sưu tầm, lập hồ sơ các phim, tư liệu mới. Đến nay, Viện có 1.500 hồ sơ phim truyện Việt Nam, 2.030 hồ sơ phim tài liệu, 615 hồ sơ phim hoạt hình, cùng hàng trăm hồ sơ về những nhà hoạt động điện ảnh, các vấn đề chung về điện ảnh… Đây là nguồn tư liệu quý cho công tác tra cứu, nghiên cứu và phục vụ trưng bày, triển lãm.

Trong công tác nghiên cứu lý luận và công nghệ điện ảnh, nhiều công trình đã được giải thưởng từ Hội Điện ảnh Việt Nam như: Đạo diễn Đặng Nhật Minh - Sự nghiệp và tác phẩm (Cánh diều Bạc năm 2011); Đạo diễn Hồng Sến - Con người và tác phẩm (Cánh diều Bạc năm 2012); Đời sống nghệ thuật (Cánh diều Vàng năm 2015); Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam (Cánh diều Bạc năm 2018)…

Ngoài các ấn phẩm sách, Viện đã thực hiện và hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp Bộ. Trong đó, Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục chế, tu sửa hình ảnh động (2006-2007) là đề tài trọng điểm cấp Bộ. Nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học chất lượng, phản ánh diện mạo điện ảnh nước nhà đã thu hút các nhà lý luận phê bình, nhà làm phim nổi tiếng, nhà quản lý, sáng tác nghệ thuật tham gia, đóng góp những ý kiến quý báu, thiết thực nhằm tìm kiếm giải pháp cho nền điện ảnh Việt Nam phát triển, vươn tầm khu vực và thế giới.

Viện Phim Việt Nam còn được biết đến là một đơn vị sản xuất phim với nhiều tác phẩm giành giải thưởng cao tại các kỳ LHP trong nước, có thể kể đến: Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 9 năm 1990); Đường mòn trên biển (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ 11 năm 1996); Khoảnh khắc mùa xuân (Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam); Lễ hội Arieuping của người Pako (Giải nhất Liên hoan Điện ảnh Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế - FICTS năm 2012)…

Viện cũng đã thực hiện thành công nhiều triển lãm tại các LHP Việt Nam, LHP Quốc tế Hà Nội… Tiêu biểu trong hai năm trở lại đây là các triển lãm Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2023); Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim Khánh Hòa - Điểm đến của bạn trong Chương trình Liên kết phát triển du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023; Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) tại tỉnh Điện Biên và tại TP.HCM; Du lịch Việt Nam qua không gian ảnh tại tỉnh Bình Định…

Trong công tác đối ngoại, đơn vị có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều Viện Lưu trữ phim trên thế giới và là Viện phim đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tổ chức thành công Hội nghị của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF) lần thứ 60 vào năm 2004. Viện cũng là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVVA) vào năm 1995 và tổ chức thành công 4 kỳ Hội nghị SEAPAVVA vào các năm 1998, 2004, 2012, 2021. Uy tín và vị thế của Viện Phim Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và quốc tế.

Bước sang giai đoạn mới, để vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị cốt lõi của di sản hình ảnh động, vừa bắt kịp với thời đại công nghiệp 4.0, đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, hệ thống tư liệu, di sản hình ảnh động quốc gia đang được lưu trữ tại Viện cần được số hóa, đặc biệt là phim nhựa, tiến tới xây dựng trung tâm lưu trữ số, chuyên môn hóa nghiệp vụ lưu trữ, bảo quản phim tại Viện.

Suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Phim Việt Nam nhiều năm liền được Bộ VHTTDL tặng Cờ thi đua và Bằng khen; được vinh danh là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Khối Điện ảnh, được đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua. Viện trưởng Lê Thị Hà bày tỏ, những danh hiệu cao quý là động lực để Viện Phim Việt Nam tiếp tục phát huy sự sáng tạo, nỗ lực cống hiến để trở thành một đơn vị lớn mạnh, chuyên nghiệp, xứng tầm là Viện lưu trữ phim hàng đầu quốc gia và khu vực Đông Nam Á, từng bước sánh ngang các viện phim lớn trên thế giới. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc