Lấp khoảng trống kịch bản, mở lối cho phim Việt
VHO - Hướng tới dấu mốc 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2030), Cục Điện ảnh khởi động chương trình đầu tư chiều sâu, tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh giàu giá trị lịch sử và cảm hứng dân tộc cho đề tài lớn này.

Trước thực trạng thiếu hụt kịch bản chất lượng, độc đáo - khoảng trống đang kìm hãm bước tiến của điện ảnh Việt - chương trình được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích mạnh mẽ.
Đây không phải lần đầu Cục Điện ảnh phát động tìm kiếm và đầu tư sáng tác, nhưng lần này, mục tiêu rõ ràng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn: Tạo nên những kịch bản xứng tầm với sự kiện trăm năm lịch sử của Đảng - một mốc son của dân tộc.
Nỗ lực lấp khoảng trống
Thực trạng thiếu kịch bản phim hay đã được nhìn nhận từ lâu. Là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh, nhưng sự thiếu hụt đến mức báo động những kịch bản chất lượng đã và đang đặt ra yêu cầu cần có giải pháp khỏa lấp khoảng trống này.
Mảng đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi… nhiều năm qua được Nhà nước chú trọng thúc đẩy sáng tác kịch bản, sản xuất phim từ nguồn ngân sách. Cùng với đó là những nỗ lực của nhiều hãng phim, nhà sản xuất.
Gần đây, đã có những bộ phim về đề tài lịch sử, lòng yêu nước, hay về các nhân vật có thật, để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Đang tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ có thể nhắc đến phim điện ảnh Địa đạo do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đảm nhận vai trò nhà sản xuất, viết kịch bản và đạo diễn.
Năm trước, có Đào, Phở và Piano do đạo diễn Phi Tiến Sơn vừa là tác giả kịch bản và đạo diễn; Hồng Hà nữ sĩ của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát…
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nhiều kịch bản xuất sắc để đưa vào sản xuất, thiếu những tác phẩm tạo hiệu ứng với đông đảo công chúng.
Song song với mảng đề tài được ưu tiên đặt hàng, chủ trương tìm kiếm các đề tài về cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới cũng đã được đặt ra.
Nguyên nhân cũng từ sự thiếu hụt nguồn kịch bản, nhiều đơn vị sản xuất phải lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi remake thành kịch bản phim Việt.
Trước thực tế này, trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý là Cục Điện ảnh và những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam đã nỗ lực tổ chức tìm kiếm những gương mặt mới trong làng biên kịch, phổ biến bằng hình thức tổ chức các cuộc phát động sáng tác, mở trại sáng tác... Vậy nhưng, những nỗ lực này cũng chưa thể lấp đầy khoảng trống.
Nhìn lại, từ đợt phát động thi sáng tác kịch bản phim năm 2020, cũng đã một số kịch bản chất lượng được lựa chọn để trao giải, trong đó nổi bật có hai kịch bản giải nhì (không có giải nhất) được trao cho Culi không bao giờ khóc của tác giả Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang; Thiên mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương…
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam với vai trò Trưởng ban Chung khảo nhận định, việc tổ chức cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng lớn của đội ngũ tác giả.
Nhiều kịch bản thể hiện sự đầu tư, tìm tòi kỹ lưỡng về các vấn đề của lịch sử hoặc đời sống; thể hiện sự chuyên nghiệp; hướng tới xây dựng thị hiếu lành mạnh cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Không ít kịch bản có triển vọng để sản xuất phim.
Bên cạnh đó thì cũng còn một số kịch bản chưa đạt chất lượng, chưa phù hợp với yêu cầu trình bày của một kịch bản phim truyện điện ảnh hoặc cách thể hiện còn cũ…
Tháng 10.2024, cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2030) được Bộ VHTTDL tổ chức, thu hút 70 kịch bản phim tài liệu và phim truyện tham dự.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, thông qua các bộ phim được hình thành từ những kịch bản chất lượng cao, tinh thần yêu nước, lý tưởng cộng sản và ý chí đấu tranh sẽ được truyền tải mạnh mẽ tới khán giả. “Cuộc thi cũng tạo thêm môi trường sáng tác chuyên nghiệp cho các nhà biên kịch, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong việc chuyển tải những câu chuyện lịch sử, cách mạng…”, Thứ trưởng khẳng định.
Cũng hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cục Điện ảnh mới đây đã thông báo về triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh về đề tài lớn này.
Mục tiêu hướng đến là xây dựng nguồn kịch bản phim có giá trị nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện tốt; ca ngợi đất nước và con người Việt Nam; đề cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc và các giá trị nhân văn…

Đầu ra cho kịch bản
Nếu chỉ có kịch bản hay, chất lượng thôi thì chưa đủ, điều cần thiết là phải hiện thực hóa các tác phẩm đó, từ kịch bản thành những tác phẩm điện ảnh. Đây cũng là vấn đề được các nhà làm phim, tác giả kịch bản dành sự quan tâm.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, bấy lâu nay, dường như sự ưu tiên trong các cuộc thi sáng tác kịch bản do cơ quan quản lý phát động thường nhắm tới các kịch bản mang tính tuyên truyền.
Nhiều nhà biên kịch cũng chia sẻ, trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh phát triển như hiện nay, việc xây dựng kịch bản hoặc triển khai làm phim về đề tài chiến tranh cũng cần có sự đổi mới.
Theo nữ đạo diễn Nhuệ Giang, nhìn ra thế giới sẽ thấy, thay vì ca ngợi chiến tranh, từ lâu họ đã chuyển sang làm phim với góc nhìn phản chiến. Chiến tranh đã qua mấy chục năm, có độ lùi thời gian đủ để thế hệ hôm nay nhìn vấn đề bằng con mắt của người đương thời. Có rất nhiều cách để nhìn về cuộc chiến mà vẫn thấy nhân văn, tự hào.
Giới nghề cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tìm kiếm nguồn kịch bản hay, tuy nhiên lưu ý không chỉ đóng khung với các đề tài mặc định, được ưu tiên khi đặt hàng sáng tác sử dụng nguồn ngân sách.
Về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành từng chia sẻ, bên cạnh nội dung được chú trọng như đề tài chiến tranh, lịch sử, thiếu nhi..., việc tổ chức thi sáng tác kịch bản luôn mong đợi nhận được tác phẩm mổ xẻ vấn đề của cuộc sống đương đại, về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.
Lâu nay, phần lớn các nhà làm phim đang hiểu phim đặt hàng là phim tuyên truyền, thay vì là tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền. Cách nhìn này chưa toàn diện.
Trong bối cảnh khan hiếm các kịch bản chất lượng, việc tổ chức các cuộc thi, hoặc đầu tư chiều sâu là điều cần thiết, cả từ phía cơ quan quản lý lẫn tác giả dự thi. “Có đi thì mới thành đường”, bởi cuộc thi nào cũng kỳ vọng sẽ khích lệ, động viên các biên kịch, đồng thời sẽ tạo được nguồn kịch bản tốt, hay cho các đơn vị sản xuất lựa chọn.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả có tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản Quyên, khẳng định: “Cuộc chơi có thể thành, có thể bại nhưng cần phải chấp nhận để đi những bước ban đầu sơ khai nhằm tìm được vị trí của mình trong làng điện ảnh”.
Đầu tư tìm kiếm kịch bản chất lượng
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2030), Cục Điện ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
Chương trình nhằm xây dựng nguồn kịch bản phim có giá trị nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện tốt; ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, đề cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc và các giá trị nhân văn.
Các nhà sáng tác chuyên nghiệp (biên kịch, đạo diễn, nhà văn, nghệ sĩ…) hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh được tham dự tối đa 2 đề cương kịch bản. Kịch bản có đề tài về lịch sử cách mạng, lãnh tụ, anh hùng dân tộc; vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Nội dung trọng tâm về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng: Lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm; Đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; Xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Hội nhập quốc tế; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Đề cương kịch bản có độ dài từ 3.000-5.000 từ. Kịch bản hoàn chỉnh cần đáp ứng để sản xuất phim thời lượng từ 90-120 phút…