Những ấn tượng phim “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” mang đến cho khán giả
VHO - Nhiều khán giả đã đưa việc đến rạp xem phim Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối vào danh sách “Những việc cần làm để chào mừng dịp lễ 30 tháng 4”.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là lời tri ân sâu sắc dành tặng những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố nhân văn, đầu tư hoành tráng, và chất lượng nghệ thuật tinh tế, bộ phim mang đến cho khán giả những trải nghiệm vô cùng ấn tượng và sâu sắc.
Chỉ vài giờ sau khi phim ra mắt, doanh thu phim lên đến hơn 10 tỷ đồng. Hãy cùng tìm hiểu, điều gì đã thu hút khán giả đến với bộ phim mang tính lịch sử thú vị này.

Phim tái hiện chân thực cuộc chiến lịch sử của dân tộc Việt Nam
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận xét: “Cuộc chiến diễn ra trong lòng đất với những câu chuyện rất Việt Nam, rất đặc biệt, chưa từng có”.
Địa đạo Củ Chi là không gian kiên cố nhưng chật hẹp tới mức không thể đặt máy quay, nhiều ngõ ngách, khó di chuyển, thiếu ánh sáng, thiếu không khí. Đó quả thật là một thách thức không hề nhỏ đối với đạo diễn, diễn viên và toàn bộ ekip…
Nguồn ánh sáng duy nhất có thể tồn tại chỉ qua đèn dầu và đèn pin du kích.
Anh em quay phim đã được tập luyện thể lực hơn một tháng để chuẩn bị cho hành trình quay, để có thể vác được máy quay và di chuyển theo phương thức đặc thù trong địa đạo, đồng thời quen với cường độ làm việc cao trong suốt quá trình làm phim.
Đối với những phân cảnh cần không gian rộng, gặp phải những nơi địa hình không mấy thuận lợi, ekip bắt buộc phải sử dụng biện pháp tái hiện lại địa đạo Củ Chi được đào bằng tay với hình thái thô sơ, nhiều luồng lạch, tối giản mà hữu dụng.
Trong quá trình tái hiện địa đạo Củ Chi, ekip may mắn được sự tư vấn của các chiến sĩ, anh hùng từng góp mặt trong trận chiến tại Địa đạo Củ Chi năm xưa, điển hình là anh hùng Tô Văn Đực.
Địa đạo dài, nhỏ hẹp nên mỗi khu vực có một đặc tính về địa chất khác nhau, có chỗ đất sét, có chỗ đất sình, đôi chỗ pha cát…
Đơn vị sản xuất đã dựng lại hệ thống Địa đạo bằng hình thức mô phỏng 3D trên máy tính, dự kiến các tình huống thực tế khi rung lắc, đất sập…
Họ đã phải thử nghiệm rất nhiều chất liệu, cuối cùng đi đến quyết định chọn thạch cao làm chất liệu chính, thêm vào đó là đất, rêu, đá tổ ong, đá tảng … giúp mang lại sự phong phú về địa chất, mãn nhãn cho khán giả.
Mọi sự dàn xếp, tái hiện, xây dựng phim trường để có những thước phim đẹp nhất với mục đích mang lại cái nhìn và cảm nhận chân thực nhất cho người xem. Đó là niềm vui sau bao nỗ lực của toàn bộ ekip.

Khắc họa nhân vật có chiều sâu
Sau khi xem xong bộ phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối, nhiều khán giả cùng chung nhận xét: “Các diễn viên đã sống trong nhân vật của mình chứ không chỉ là diễn”, hay “Phim chân thực đến từng hơi thở”...
Toàn bộ diễn viên, những con người chưa từng có mặt trong cuộc chiến tranh năm xưa tại Địa đạo Củ Chi, nay phải vác trên vai trọng trách tái hiện lịch sử qua màn ảnh.
Họ không chỉ tái hiện hình ảnh đơn thuần mà đã hóa thân thành những con người thực, với những suy nghĩ, cảm xúc và động cơ rất đỗi con người.
Các diễn viên Thái Hòa (vai Bảy Theo), Quang Tuấn (vai Tư Đạp), Hồ Thu Anh (vai Ba Hương)... đã trải qua rất nhiều khó khăn, nỗ lực tìm cách gỡ rất nhiều nút thắt về không gian, thời gian để lột tả từng cung bậc cảm xúc từ những giây phút căng thẳng trên chiến trường đến những khoảnh khắc lắng đọng khi lui về căn cứ.
Họ đã làm nên bộ phim mang đậm tính lịch sử, đảm bảo truyền đạt gần như trọn vẹn nhất tinh thần và ý chí gang thép của các chiến sĩ ta trong thời kỳ chiến trách chống giặc ngoại xâm.
Ekip làm phim chau chuốt từng chi tiết nhỏ nhất
Mỗi chi tiết trong phim, từ âm thanh đến hình ảnh, đều được chăm chút kỹ lưỡng. Âm thanh trong phim vô cùng sống động và chân thực, từ tiếng động cơ xe tăng đến tiếng súng nổ, tiếng bom rơi hay tiếng thở dốc của các chiến sĩ khi lâm trận.
Màu sắc hoang tàn của cảnh vật khi bị bom mìn thiêu rụi, ánh sáng le lói của những cây đèn cầy, đèn pin trong địa đạo hay ánh bình minh yếu ớt lúc tờ mờ sáng biểu trưng cho cuộc chiến đấu u tối còn đang tiếp diễn.
Đạo cụ và trang phục được tổ phục trang lựa chọn tỉ mỉ, phản ánh đúng không gian, thời gian của chiến tranh, giúp người xem dễ dàng hòa mình vào không gian lịch sử mà bộ phim muốn tái hiện.
Mỗi thành viên trong ekip đều đóng góp công sức không mệt mỏi, từ những ngày quay phim dài đằng đẵng dưới lòng đất trong các địa đạo, đến những cảnh quay hoành tráng tái hiện sự tàn khốc của chiến tranh.
Tất cả những điều này giúp bộ phim trở thành một bức tranh sống động và chân thực về những ngày tháng đau thương mà anh dũng của quân và dân Việt Nam trong chiến tranh.
Bộ phim có giá trị đầu tư “khủng”
Dự án được đầu tư với mức kinh phí lên đến 50 tỷ đồng và được huy động 100% kinh phí tư nhân.
Các nhà làm phim đã thuê 6 ha rừng, dựng đường hầm 250 mét trong phim trường, đồng thời sử dụng máy zoom cơ học đánh sập hầm để tạo hiệu ứng.
Khi bạn chiêm ngưỡng những thước phim tái hiện bối cảnh lịch sử, chắc chắn bạn không khỏi ngỡ ngàng trước số lượng máy bay, xe tăng được huy động. Chưa kể rất nhiều bom xăng được sử dụng thay vì dùng kỹ xảo để tăng tính chân thực cho bộ phim.
Tính nhân văn và tình người xuyên suốt trong các cảnh quay
Cũng theo lời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Địa đạo Củ Chi là một biểu tượng của chiến tranh nhân dân góp phần lớn vào việc bẻ gãy ý chí xâm lược của người Mỹ”.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, phim tái hiện trận càn Cedar Falls bắt đầu từ ngày 8 - 26.1.1967 tại Củ Chi. Bộ phim mang đến một thông điệp nhân văn mạnh mẽ, khắc họa những hi sinh lớn lao của các chiến sĩ và người dân trong cuộc chiến tranh gian khổ nhưng cũng đầy phẩm giá.
Những hành động quả cảm, sự hy sinh thầm lặng của các nhân vật không chỉ cho thấy tinh thần bất khuất của người Việt Nam mà còn tôn vinh giá trị của tình yêu quê hương, gia đình và lòng dũng cảm vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn.
Lời dạy của cổ nhân: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” đã được khắc họa sâu sắc trong những phân cảnh cuối cùng trong bộ phim, khi những tù nhân Mỹ rơi vào tay chiến sĩ Việt Nam.
Kết thúc buổi công chiếu phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối dài 128 phút, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc đã có chia sẻ hết sức thẳng thắn: “Bộ phim nào quý vị và các bạn có thể bỏ qua, còn Địa đạo thì nhất định phải đi xem”, “Tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh người đàn ông hút thuốc và kể cho tốp lính Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Tôi sẽ góp sức lan tỏa bộ phim rộng rãi đến mọi người”.