Việt Nam và giấc mơ phim trường chuẩn quốc tế
VHO - Phim trường hiện đang là vấn đề được ngành Điện ảnh và Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm. Tại Tọa đàm tham vấn quốc tế về hồ sơ TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN), ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định: “Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một phim trường thực sự chuyên nghiệp!”…

Có thể nói, việc xây dựng một phim trường đạt chuẩn quốc tế là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi TP.HCM đặt mục tiêu trở thành “Thành phố điện ảnh” và gia nhập UCCN. Tuy nhiên, sự thiếu hụt phim trường hiện đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của điện ảnh Việt. Vấn đề này đã nhiều lần được đề cập trong các hội thảo, diễn đàn và cuộc họp do Bộ VHTTDL cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Sản xuất phim kết hợp với các hoạt động du lịch
Theo ông Đỗ Quốc Việt, từ cơ sở hạ tầng đến công tác quản lý, hệ thống phim trường tại Việt Nam đều còn hạn chế. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đã giao Cục Điện ảnh xây dựng đề án phim trường cấp quốc gia, dự kiến triển khai vào năm 2025 với mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.
“Phim trường không chỉ là nơi quay phim mà còn cần phát triển thành tổ hợp dịch vụ. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của ngành điện ảnh. Một phim trường hiện đại, quy mô lớn sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất phim trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các bộ phim lịch sử, cách mạng, đặc biệt là những tác phẩm về cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết, việc xây dựng một phim trường trong tương lai là điều hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, sở, ngành để rà soát nội dung quy hoạch của TP, từ đó đề xuất phương án phù hợp lên các cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, bà Thanh Thúy cũng khẳng định, TP.HCM không thiếu phim trường, với các cơ sở hiện có tại Củ Chi, Gò Vấp và quận 12. Dù vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành điện ảnh, vẫn cần một phim trường đạt chuẩn quốc tế với quy mô trên 100 ha.
“TP đang hướng tới việc phát triển một phim trường lớn tại khu vực Thủ Đức, trong khuôn viên Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, với diện tích lên đến 324 ha. Nơi đây không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất phim mà còn kết hợp với các hoạt động du lịch…”, bà Thanh Thúy chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng phim trường quy mô lớn sẽ nâng cao chất lượng ngành điện ảnh trong nước, đồng thời thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Không chỉ các lãnh đạo ngành điện ảnh, những người trực tiếp tham gia sản xuất phim cũng có những góc nhìn thực tế về vấn đề này. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã chia sẻ trải nghiệm khi tham quan phim trường tại Busan (Hàn Quốc): “Khi tôi hỏi giá thuê một phim trường rất lớn, họ cho biết chi phí quay trong 30 ngày rất hợp lý, chỉ khoảng 500 USD/ ngày. Nếu TP.HCM có thể hợp tác công tư để xây dựng một phim trường đạt chuẩn quốc tế như vậy, chúng ta sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài rất lớn”.
Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, cũng đưa ra một dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của phim trường trong việc bảo tồn bối cảnh lịch sử để phát triển du lịch.
Bà kể, khi Hãng phim Giải phóng thực hiện bộ phim Người Mỹ trầm lặng, họ đã phải chi tới 300 triệu đồng để tháo dỡ một ngôi nhà cổ sau khi quay xong. Nếu có một phim trường quy mô lớn, những bối cảnh này có thể được giữ lại để khai thác du lịch, tạo thêm nguồn thu và việc làm cho cộng đồng địa phương.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, nhận xét: “Hàn Quốc đã rất thành công trong việc đưa các đoàn phim đến quay tại những địa danh nổi tiếng, sau đó biến các bối cảnh thành điểm du lịch, mang lại nguồn thu lớn”. Theo ông, đây chính là một trong những giá trị gia tăng mà điện ảnh có thể đóng góp cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.
Hiện thực hóa giấc mơ về một phim trường đạt chuẩn quốc tế
Để hiện thực hóa giấc mơ về một phim trường quốc gia và các phim trường đạt chuẩn quốc tế, các chuyên gia khẳng định, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân. Việc xây dựng phim trường quốc gia không chỉ giúp ngành điện ảnh Việt Nam có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước mà còn thu hút các đoàn làm phim quốc tế.
Về kế hoạch xây dựng phim trường tại TP.HCM, ông Đỗ Quốc Việt chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với TP.HCM và được biết TP đang ấp ủ kế hoạch phát triển các phim trường phục vụ không chỉ điện ảnh địa phương mà còn cả nước. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận sâu với chính quyền TP để tìm ra giải pháp hiện thực hóa mong muốn của các nhà sản xuất phim”.
Liên quan đến đề án phim trường quốc gia trị giá hàng nghìn tỉ đồng, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết sẽ sớm cung cấp thêm thông tin chi tiết. “Bộ VHTTDL đã xây dựng đề án phát triển phim trường vào năm 2025 và sẽ tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim trong và ngoài nước để cùng chia sẻ kinh nghiệm”, theo ông Việt.
Trong bối cảnh TP.HCM đang hoàn thiện hồ sơ gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN), nhu cầu có một phim trường đạt chuẩn quốc tế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, để biến điều này thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ về tài chính và chính sách hợp tác công tư. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể xây dựng những phim trường đạt chuẩn quốc tế, đưa ngành điện ảnh vươn ra thế giới và phát triển bền vững.
Dự kiến, hồ sơ đăng ký sẽ được nộp lên UNESCO vào ngày 3.3 tới, nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ trở thành “Thành phố điện ảnh” đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á trong UCCN.