Đời sống người dân Đồng bằng Bắc Bộ xưa qua tranh sơn mài
VHO - Sau hơn 30 năm gắn bó với hội họa, họa sĩ Nguyễn Thanh Hải phối hợp cùng SANN - The House of Art tổ chức triển lãm tranh sơn mài mang tên “Sắc xuân”. Triển lãm đang diễn ra tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM đến hết tháng 2.2025.

Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1968 tại Bắc Ninh và tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) năm 1992.
Anh là họa sĩ nổi bật với chất liệu sơn mài, và đã vẽ nhiều đề tài, trong đó đáng chú ý là những tác phẩm phản ánh cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Đồng bằng Bắc Bộ. Trong triển lãm lần nay, anh giới thiệu 30 tác phẩm,
Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “Ban đầu của tôi là vẽ tĩnh vật, phong cảnh, cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tôi vẽ nhiều nhất là thiếu nữ, thiếu nữ mặc áo dài, cảnh sinh hoạt đời thường và hình ảnh cây tre”.
Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Hải, trong những ngày đầu sáng tác, anh chủ yếu vẽ tĩnh vật, phong cảnh và đặc biệt là hình ảnh thiếu nữ trong tà áo dài, cây tre và những cảnh sinh hoạt đời sống quen thuộc.

Anh chia sẻ: “Vẽ chân dung trên tranh sơn mài khá khó, vì chất liệu này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi nét vẽ sai là điều dễ dàng nhận ra”. Sơn mài, với tính chất khô và dính bút, khiến công việc sáng tác càng trở nên thử thách.
Triển lãm “Sắc xuân” giới thiệu những tác phẩm ghi lại ký ức về cuộc sống xưa, như Ký ức tuổi thơ, Ký ức gia đình, Mùa hoa lau, Mùa sen...
Những khoảnh khắc sum vầy, du xuân của người dân ngày xưa cũng được thể hiện rõ nét qua các bức tranh như Hoa mùa xuân, Hương sắc mùa xuân, Đón xuân xưa, Nắng trong vườn, Chiều Hồ Gươm…
Đặc biệt, giới mộ điệu còn được thưởng thức những bức tranh chân dung sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thanh Hải, gồm các tác phẩm: Công chúa thời Nguyễn, Cô gái và nón quai thao, thiếu nữ xưa, Gia đình xưa…
Một điểm đặc biệt trong các tác phẩm của Nguyễn Thanh Hải là hình ảnh thiếu nữ trong tà áo dài dịu dàng, và ngay cả trẻ em cũng khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống.
“Tôi đưa những cảnh đẹp và nét văn hóa của người dân Đồng bằng Bắc Bộ vào tranh như một cách lưu giữ, để thế hệ sau có thể hiểu được cuộc sống ngày xưa”, Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Họa sĩ chuyên vẽ tranh với kích thước lớn, với khổ nhỏ nhất là 1m2, vì anh cho rằng vẽ tranh lớn sẽ giúp thể hiện chi tiết và thu hút người xem hơn.
Các tác phẩm của anh luôn toát lên không khí ấm áp, sum vầy, như trong bức Ký ức miền quê với rặng tre, cánh cò quây quần, hay Mùa hoa lau với những thiếu nữ vui đùa.
Anh cũng chia sẻ lý do mình gắn bó với sơn mài suốt 30 năm: “Sơn mài mang lại cho tôi cảm giác bất ngờ mỗi khi hoàn thành, từ việc chồng các lớp màu đến khi mài ra, tôi luôn thấy sự kỳ diệu trong chất liệu này”.
Mặc dù đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ, nhưng trước đó anh đã tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam và các quốc gia như Mỹ, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Ý, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia…

Từ năm 2005, anh đã mang tranh sơn mài ra thế giới, góp phần giới thiệu hội họa Việt Nam. Trong lần triển lãm này, anh chia sẻ: “Đây là cơ duyên lớn đối với tôi, nhờ sự kết nối của một người bạn lâu năm và sự hợp tác với SANN – ngôi nhà nghệ thuật mang hơi hướng di sản”.
Bên cạnh những bức tranh sơn mài, triển lãm còn giới thiệu các sản phẩm thủ công tinh xảo như hộp khắc, hộp khảm, do các nghệ nhân làng nghề truyền thống thực hiện.
Triển lãm “Sắc xuân” sẽ tiếp tục mở cửa tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1) đến hết tháng 2.2025.