"Cõi an thường” trong tranh sơn mài Hoài Hương

THÙY TRANG

VHO - Tối 17.11, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc triển lãm “Cõi an thường” của họa sĩ Hoài Hương. Triển lãm giới thiệu những sáng tác mới nhất với gần 60 tác phẩm nhiều kích cỡ, trong đó phần lớn là tranh sơn mài.

Hội họa của Nguyễn Hoài Hương thời kỳ đầu là tranh sơn dầu - chất liệu mà anh theo học và tốt nghiệp năm 1986 tại Trương ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Vài năm gần đây Hoài Hương chuyển sang làm tranh sơn mài, bước đầu có sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhiều bậc đàn anh lão luyện trong nghề, để rồi mau chóng “nhập” vào cõi tranh có thể gọi là “thuần Việt” này.

Tác phẩm của họa sĩ Hoàng Hương đầy ắp những ký ức miền quê, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên

Dường như chất liệu sơn mài truyền thống mới có khả năng chuyên chở sự tinh tế trong cảm nhận và sự khéo léo của đôi tay từng miệt mài làm đẹp những không gian đầy mỹ cảm.

Bản lĩnh và sáng tạo, anh còn tìm tòi những mảng miếng, thủ pháp để có thể tạo dấu ấn riêng biệt của sơn mài Nguyễn Hoài Hương.

Dễ nhận thấy ở “Cõi an thường” vẫn là sự tiếp nối mạch lạc của nhiều đề tài họa sĩ đã theo đuổi nhiều năm qua. Cái “không gian Việt” vốn đã bàng bạc trong tranh Hoài Hương từ buổi đầu…

Đó là những tàu lá chuối xanh nõn xõa xuống mái tóc bạc của bà mẹ nhà quê, là đụn rơm vàng trong vườn, là những chiếc lá sen, hoa sen, những mái đầu đao đình làng, là cô gái bên bờ ao với chiếc yếm đào gợi cảm, là con chuồn chuồn ngô rập rờn hàng dậu…

Đó còn là những cổng làng, cổng xóm, những mái nhà nông thôn miền Bắc, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên. Cây cầu đá bắc ngang dòng kênh với các liền chị áo tứ thân dạo bước. Đó là các ca nương mớ ba mớ bảy trên chiếu chèo ngày hội làng. Những bầy trâu - hình tượng quen thuộc trong hội họa Hoài Hương - cùng đám mục đồng đủng đỉnh trên đường làng…

Sen, thiếu nữ... trong tranh sơn mài

“Cõi an thường” không thiếu những thể nghiệm sơn mài trừu tượng, song đậm nét vẫn là những bức tranh đầy nỗi nhung nhớ làng quê. Cõi an thường của họa sĩ là một sự trở về với ký ức, với những hoài niệm tuổi thơ.

Trong hội họa của Hoài Hương có yếu tố không gian và ngược lại, trong không gian kiến trúc - nội thất của anh in đậm dấu vết hội họa. Anh cứ lặng lẽ đi tìm những gì mình yêu thương, gắn bó, hoài vọng, mơ màng, với một chút “điệu đàng” như chính con người anh. 

Nguyễn Hoài Hương (sinh năm 1956), tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM khoa Sơn dầu, nhưng cơ duyên lại đưa đẩy anh bén duyên với sơn mài truyền thống. Một chất liệu đòi hỏi lớn về sự hợp cạ và sức bền, vui mừng thay, Nguyễn Hoài Hương lại hội tụ đủ hai điều ấy.

Sơn mài của Hoài Hương là chất màu lộng lẫy từ sơn ta truyền thống nhưng phả vào hơi thở tươi mới của đương đại

Chất sơn mài của Nguyễn Hoài Hương là chất màu lộng lẫy từ sơn ta truyền thống nhưng phả vào hơi thở tươi mới của đương đại với bảng màu trong trẻo mà không quá bóng bẩy.

Cộng thêm không chỉ là một họa sĩ, anh còn là một nhà thiết kế nội thất nên tranh sơn mài của anh luôn tạo dựng được một không gian phi thực để cho các nét màu được tung tẩy tự do.

Dùng phương tiện truyền thống, không ngơi nghỉ trong thực hành nghệ thuật và đứng ngoài sự khen chê là cách thức Hoài Hương đi sâu vào tìm kiếm sự độc đáo của bản thân.

Tranh của Nguyễn Hoài Hương là sự trừu tượng giàu tính biểu hiện

Vẫn là những điệu hình cổ điển nhưng dưới nét bút của anh, hình ảnh Việt Nam hiện lên đằm thắm, dịu dàng nhưng canh tân và bay bổng hơn. Hay ở một chiều hướng khác là trừu tượng, ở anh là một sự trừu tượng giàu tính biểu hiện. 

Hoài Hương là người nghệ sĩ cần mẫn không ngơi nghỉ đi tìm dáng hình của di sản văn hóa kết hợp cùng với tinh thần đương đại, để tô sắc thêm những rạng rỡ và lộng lẫy của sơn mài cho công chúng Việt thưởng ngoạn. 

Hoài Hương tại không gian sáng tác của anh

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ: Triển lãm “Cõi an thường” không chỉ trưng bày, giới triệu những tác phẩm hội họa, mà còn gợi mở với hành trình khám phá tâm hồn, hy vọng sẽ mang đến cho công chúng những khoảng lặng quý giá trong đời sống hiện tại.

Triển lãm diễn ra từ 17-28.11.2024 (từ 8h-17h), tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).