Điện ảnh tạo “cú hích” phát triển du lịch
VHO - Sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đang mở ra cơ hội vàng cho nhiều nước tiếp cận thị trường quốc tế. Không chỉ quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử, con người ra thế giới, ngành công nghiệp điện ảnh đã trở thành “kim chỉ nam” cho quá trình phát triển kinh tế du lịch toàn cầu.

Trong thời gian dài, những quốc gia như Na Uy, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tạo nên dấu ấn riêng về điện ảnh khi quảng bá hình ảnh tuyệt đẹp của đất nước ra thế giới. Được mô tả là một trong những quốc gia có bối cảnh dựng phim đẹp nhất châu Âu, Na Uy luôn kích thích sự tò mò của du khách đến khám phá những ngọn núi hùng vĩ bước ra ngoài đời thật từ những cảnh quay trong phim.
Nếu khán giả toàn cầu từng có cơ hội mãn nhãn với vẻ đẹp của vùng Møre og Romsdal tại Na Uy thông qua bộ phim Mission: Impossible - Dead Reckoning Part One (Nhiệm vụ bất khả thi - Nghiệp báo phần 1), chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những ngọn núi cao hùng vĩ khi ghé thăm quốc gia này.
Với Hàn Quốc, làn sóng K-drama đã trở thành hiện tượng khuynh đảo thế giới, giúp nước này thu hút số lượng lớn du khách ghé thăm. Đảo Nami - điểm quay chính của các bộ phim Hàn Quốc đã bắt đầu hút khách du lịch đến đây từ cuối thập niên 1990, khi bộ phim tình cảm lãng mạn Winter Sonata (Bản tình ca mùa đông) tạo ra làn sóng hâm mộ lớn ở các nước châu Á.
Hay mới đây nhất vào năm 2025, sự nổi tiếng toàn cầu của bộ phim Khi cuộc đời cho bạn quả quýt (When Life Gives You Tangerines) đã giúp phục hồi ngành du lịch vốn trì trệ tại Jeju - hòn đảo nghỉ dưỡng phía nam Hàn Quốc.
Tại Trung Quốc, bộ phim Đi đến nơi có gió vào năm 2023 cũng tạo nên “cơn địa chấn” thu hút số lượng khách lớn đến với Đại Lý, tỉnh Vân Nam. Theo thống kê, trước khi phim được phát sóng, số lượng khách du lịch đến Đại Lý khoảng 50 - 100 người/ngày, nhưng sau khi phim công chiếu, con số này đã tăng vọt lên gần 3.000 người mỗi ngày.
Còn ở Việt Nam, kể từ năm 2006, chúng ta đã ghi nhận số lượng du khách lớn đổ về nhà của Pao ở Hà Giang sau thành công của bộ phim Chuyện của Pao. Đến năm 2023, bộ phim A tourist’s guide to love đã quảng bá nhiều điểm đến như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Nội cũng mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới.
Đáng chú ý nhất, bộ phim Hollywood Kong: Skull Island của Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts lấy bối cảnh quay ở Ninh Bình đã lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Việc quảng bá nét đẹp thiên nhiên, cảnh quan, di sản văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương qua điện ảnh được đánh giá là một trong những cách làm hữu hiệu để tăng sức hút cho du lịch. Điện ảnh đã góp phần tác động vào sự tò mò cho người xem muốn trải nghiệm các điểm đến.
Cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người hiền hòa, thân thiện, văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú là những điều kiện quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng rõ rệt của các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Bộ phim Ấn Độ Love in Vietnam đã chọn Việt Nam làm bối cảnh chính, mở ra “cơ hội vàng” cho Việt Nam tiếp cận thị trường khách Ấn Độ - một trong những nguồn khách quốc tế tiềm năng và tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây. Với những bước tiến này, có thể thấy chiến lược gắn kết giữa điện ảnh và du lịch không còn là lý thuyết, mà đã bắt đầu bước vào giai đoạn thực thi.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần một hệ sinh thái đủ mạnh để chuyển hóa từng bộ phim thành dòng chảy du lịch thực sự. Mỗi cảnh quay trên phim sẽ không chỉ là hình ảnh, mà sẽ là lời mời gọi, là mong muốn được trải nghiệm của du khách.
Và khi điện ảnh trở thành chất xúc tác thì du lịch chính là hành trình cụ thể hóa giấc mơ điện ảnh, đưa Việt Nam vươn ra thế giới, nâng cao vị thế quốc gia trên toàn cầu.