Kết nối điện ảnh - du lịch để vươn xa
VHO -Sáng nay 7.12, tại thành phố Tuyên Quang đã diễn ra Hội thảo “Điện ảnh, du lịch - kết nối vươn xa”. Sự kiện do Sở VHTTDL Tuyên Quang phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam; Cục Điện ảnh; Viện Phim Việt Nam; Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Viện Phát triển du lịch châu Á tổ chức nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến phát triển “Điện ảnh với du lịch tỉnh Tuyên Quang”.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, các nhà làm phim uy tín trong nước và quốc tế.
Thông qua tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Hội thảo được kỳ vọng sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp, các giải pháp, kế hoạch nhằm đẩy mạnh hơn sự phát triển, kết nối giữa điện ảnh, du lịch Tuyên Quang nói riêng, các địa phương nói chung trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, với tầm nhìn mới, tỉnh Tuyên Quang xác định điện ảnh không chỉ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế, mà còn góp phần quan trọng trong quảng bá, lan tỏa giá trị di sản văn hóa, du lịch hữu hiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế.
Theo ông Hoàng Việt Phương, với những tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển du lịch cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ VHTTDL; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của ngành Du lịch, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, Tuyên Quang dần trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh, Tuyên Quang còn giữ gìn, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống hấp dẫn, như: Di sản Then Tày, Nùng, Thái; Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội Lồng Tông của người Tày, Lễ hội rước mẫu với hệ thống các đền, chùa độc đáo...
Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên (Lễ hội Trung thu), một sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Trung thu. Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, điểm đến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, mảnh đất xứ Tuyên còn sở hữu danh lam thắng cảnh tươi đẹp với Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình được ví như “Vịnh Hạ Long giữa đại ngàn” với vẻ đẹp nguyên sơ, hang động, thác nước kỳ vĩ; có suối nước nóng tự nhiên có giá trị đặc biệt đối với sức khỏe và sắc đẹp. …
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về phát triển các loại hình du lịch, trong những năm gần đây, tỉnh đã đặc biệt quan tâm và xác định nhiệm vụ phát triển du lịch là một trong các khâu đột phá (theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025).
"Trước bối cảnh mới, tầm nhìn mới cùng các giải pháp mới, Tuyên Quang quyết tâm đưa ngành du lịch của tỉnh bứt phá đi lên theo hướng du lịch xanh, bền vững.", ông Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.
Với tầm nhìn mới, xác định điện ảnh không chỉ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế, mà còn góp phần quan trọng trong quảng bá, lan tỏa giá trị di sản văn hóa, du lịch hữu hiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế. Tiếp nối hiệu quả từ việc Tuyên Quang tổ chức chương trình “Điện ảnh - kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang” năm 2023, trong năm 2024, Tuyên Quang đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất phim trong cả nước đến tìm hiểu, khảo sát, tìm bối cảnh quay như: Công ty TNHH sản xuất phim và giải trí Tứ Vân, Công ty Cổ phần Đông Tây Promotion, Công ty TNHH Truyền thông Phát triển Văn hóa nghệ thuật Âu Cơ, Công ty TNHH hãng phim tư nhân Đỗ Gia,…
Đặc biệt, Công ty TNHH Hãng phim Thế giới mới HN đã hoàn thành việc sản xuất phim “Đi về miền huyền thoại” (Đạo diễn Triệu Tuấn); hay phim “Thám tử Kiên” (Đạo diễn Victo Vũ) của Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân đang thực hiện cảnh quay tại Tuyên Quang đã phản ánh sinh động, khái quát nhất về bản sắc văn hóa, di sản, du lịch của xứ Tuyên.
"Với những kết quả đó, tỉnh Tuyên Quang luôn trân trọng và mong muốn thường xuyên được liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp, các công ty lữ hành, các cơ quan truyền thông, báo chí, các nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, nhà quay phim trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang, lựa chọn, khai thác nét đặc sắc về văn hóa, các câu chuyện lịch sử, các danh lam thắng cảnh của địa phương, đưa vào những tác phẩm phim, điện ảnh trong nước và quốc tế. Đồng thời, mong muốn điện ảnh và du lịch có sự liên kết “bắt tay” thật chặt trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch, quảng bá sâu rộng, kích cầu phát triển, tăng doanh thu du lịch. Đó là nền tảng quan trọng trong xây dựng ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí của tỉnh.", ông Hoàng Việt Phương nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được xem video clip, được nghe các ý kiến phát biểu của các chuyên gia đánh giá về hiệu quả sức hút du lịch thông qua điện ảnh, những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp văn hoá, giải trí. Đồng thời, nhiều ý kiến tham luận thiết thực, ý nghĩa của các chuyên gia, đại diện các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất điện ảnh trong nước và quốc tế với những gợi mở, đề xuất với địa phương những sáng kiến, giải pháp thiết thực nhằm tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, gắn kết chặt chẽ việc quảng bá, tạo sự phát triển bền vững cho du lịch, điện ảnh của Tuyên Quang theo hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết, hiệu ứng từ điện ảnh tác động lớn đến với du lịch Phú Yên. Đặc biệt sau bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", lượng khách du lịch tăng 20 - 25%.
Đồng thời, sau đó nhiều đoàn làm phim cũng tìm tới Phú Yên để làm phim. Tỉnh Phú Yên đã có những hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn phim, các nhà sản xuất đến Phú Yên tìm bối cảnh.
"Từ hiệu ứng điện ảnh, nhắc đến hoa vàng cỏ xanh là mọi người đều biết đến Phú Yên, du khách đến ngày càng đông hơn.", bà Nguyễn Thị Hồng Thái nói.
Thông thoáng về cơ chế, hỗ trợ tối đa cho điện ảnh để từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước con người nói chung và của các địa phương nói riêng, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo.
Ngày 26.11 Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 5% như luật hiện hành. Luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2025.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, quyết định này sẽ tạo thêm gánh nặng cho việc sản xuất phim. “Tăng thuế là thách thức và gánh nặng cho người làm phim. Điều này khiến việc điện ảnh thực sự vươn lên thành ngành công nghiệp văn hóa gặp không ít khó khăn.", ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.
Những phim về đề tài lịch sử văn hóa con người rất kén khách. Số lượng rạp tư nhân chiếm 80%, nhà nước là 20%. Phim nhà nước không có chi phí quảng cáo, phát hành và gặp không ít khó khăn khi ra rạp.
Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, để điện ảnh tạo động lực cho du lịch phát triển cũng như thu hút các đoàn làm phim đến, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực từ các địa phương.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, việc tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các đoàn phim, hỗ trợ điểm đến có vai trò quan trọng.
Ông Trần Hoàng chia sẻ, trước đây, có nhiều đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, đã có những cơ chế để các đoàn làm phim vào nhanh nhất, thông thoáng nhất về con người, trang thiết bị kỹ thuật...
"Với Tuyên Quang, nếu vừa cạnh tranh vừa hợp tác, có thể liên kết với các địa phương, tính toán liên kết có thêm sản phẩm thu hút đoàn làm phim trong nước, quốc tế thúc đẩy phát triển văn hóa địa phương. Vì đoàn làm phim vào có thể kéo một loạt dịch vụ khác kèm theo. Hy vọng Tuyên Quang là điểm đột phá mới thu hút nhiều đoàn làm phim trong nước, ngoài nước, tạo ra tiếng vang, từ đó thu hút khách du lịch cũng như quảng bá sản phẩm văn hóa địa phương.", ông Trần Hoàng nói.
Tại Hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn thừa nhận, những năm gần đây, dù đã có nhiều cố gắng để phát triển điện ảnh kết nối với di sản văn hoá, du lịch, song thực tế cho thấy, có thể nhìn nhận khách quan rằng, việc liên kết phát triển ngành điện ảnh, du lịch tại Tuyên Quang đang chỉ mới bắt đầu, tiềm năng về phát triển du lịch có nhiều lợi thế nhưng chưa được đánh thức mạnh mẽ; các sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú, hấp dẫn.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa, du lịch đã được quan tâm đầu tư thực hiện, tuy nhiên quy mô chưa đạt được nhu cầu mong muốn.
Khách du lịch hằng năm đến với Tuyên Quang có tăng, nhưng chưa có nhiều hoạt động dịch vụ trải nghiệm, mức chi tiêu còn hạn chế...
Chính vì thế, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang mong muốn các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch đến khám phá để tạo ra các tác phẩm điện ảnh ấn tượng, hấp dẫn, tạo doanh thu giá trị cho doanh nghiệp và góp phần quảng bá vô cùng hữu hiệu về điểm đến du lịch của tỉnh. Từ đó, thúc đẩy sự khám phá đối với du khách về miền đất, con người có bối cảnh trong phim.
"Tỉnh Tuyên Quang luôn trân trọng và mong muốn thường xuyên được liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư, các tổ chức, các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, nhà quay phim trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang, lựa chọn, khai thác nét đặc sắc về văn hóa, các câu chuyện lịch sử, các danh lam thắng cảnh của địa phương, đưa vào những tác phẩm phim, điện ảnh trong nước và quốc tế. Chúng tôi một lần nữa khẳng định và cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để quý vị đến quay phim và tham gia đầu tư các dự án phát triển văn hóa, du lịch, điện ảnh trên địa bàn tỉnh.", Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nói.