Tạo sân chơi trong xây dựng gia đình hạnh phúc

QUỲNH HOA - T.MAI (thực hiện)

VHO - Bắc Giang là một trong những địa phương tích cực, tiên phong trong xây dựng các phong trào, sáng kiến, cuộc thi về đề tài Xây dựng gia đình hạnh phúc, với phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”…

 Tạo sân chơi trong xây dựng gia đình hạnh phúc - ảnh 1
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa giới thiệu về Quy tắc ứng xử trong gia đình được rút gọn thành những thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ. Ảnh: L.QUÂN

Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang về những vấn đề liên quan đến câu chuyện này.

P.V: Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6) vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng để hưởng ứng. Xin ông cho biết tỉnh Bắc Giang đã tổ chức những hoạt động hưởng ứng như thế nào?

- Ông Đỗ Tuấn Khoa: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL và các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thi, hội diễn ở cấp cơ sở. Năm 2024, chúng tôi tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc hạnh phúc gia đình”, lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. BTC đã nhận và lựa chọn được 227 tác phẩm hợp lệ, đăng tải trên Fanpage để khán giả “thích”, “chia sẻ”, bình chọn cho tác phẩm. Những khoảnh khắc hạnh phúc gia đình được thể hiện ở nhiều góc độ, có thể là trong bữa cơm hằng ngày, trong lao động sản xuất, ngày nghỉ cuối tuần, con giúp cha, bà nựng cháu, mẹ dạy con, cả nhà sum vầy ngày lễ, ngày Tết… Qua đó truyền tải ý nghĩa của tình đoàn kết, yêu thương, chung thủy, giúp đỡ lẫn nhau; sự bình đẳng giới và trách nhiệm nuôi dạy con cháu, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Một sự kiện khác là hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024”, thu hút 10 đội đại diện cho các CLB phòng, chống bạo lực gia đình của 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, được lựa chọn từ cuộc thi cấp huyện. Các đội đã thể hiện 4 phần thi bằng hình thức sân khấu hóa với các nội dung về kiến thức, xử lý tình huống và tiểu phẩm, tìm hiểu các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ tiêu chíứng xử trong gia đình, kiến thức về giáo dục đời sống…

Hiệu quả mang lại không chỉ là kết quả chung cuộc, mà hơn thế, một gia đình, một CLB đi thi là thu hút cả họ hàng, làng xóm cùng đi theo cổ vũ, động viên, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và hiệu ứng rất tích cực.

Thưa ông, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bắc Giang đã triển khai tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí như thế nào?

- Bắc Giang đã có cách làm riêng, tạo nên sự khác biệt và được Bộ VHTTDL đánh giá cao. Trên thực tế, nội dung được quy định trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình khá dài và bao quát nhiều vấn đề, do đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo làm sao để những quy tắc ấy trở thành thông điệp ngắn gọn, khẩu hiệu dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, gói gọn trong 1 trang và được treo tại các gia đình.

Bộ quy tắc sau khi được phê duyệt đã in ra và phát cho các gia đình, treo nơi công cộng, nhà văn hóa, khu vui chơi… Cũng có một số ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc in ấn như vậy có vẻ lỗi thời. Xin khẳng định là: Không! Bộ quy tắc này cần được treo ở vị trí trang trọng để mỗi thành viên hằng ngày nhìn vào và thực hiện, như con cháu phải hiếu thảo, vợ chồng phải thủy chung, nghĩa tình, anh em phải đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, có như vậy xã hội mới tốt đẹp được. Ngoài ra, Bộ quy tắc còn được treo những nơi tập trung đông người, nhà hội họp để ai đến cũng nhìn thấy.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu đạt từ khoảng 20-25% số gia đình được truyền tải thông điệp này và treo tại nhà. Tuy nhiên, đến nay có những địa phương đã đạt đến 30- 35 %, vượt con số dự kiến.

Theo ông, bí quyết thành công của Bắc Giang trong việc tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc là gì?

- Theo đánh giá 6 tháng đầu năm, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng đi đầu cả nước (14,14%). Ngoài yếu tố phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh cũng rất chăm lo đến đời sống văn hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Hiện nay, tất cả các quy hoạch về phát triển kinh tế của địa phương đều gắn với văn hóa.

Kinh tế phát triển thì đi kèm theo nó là những mặt trái, như các thành viên trong gia đình mải mê làm kinh tế, đi sớm về muộn, sự gắn kết giảm, vấn đề như bạo lực gia đình cũng còn xảy ra. Để tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, Bắc Giang hình thành các CLB phòng, chống bạo lực, đã được phát huy và phát triển tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Đây được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá về phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình hằng năm; có vinh danh khen thưởng các thôn, bản, làng, gia đình làm tốt.

Sự tuyên truyền và vào cuộc quyết liệt của BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Công tác gia đình tỉnh Bắc Giang, của các cấp chính quyền, đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố… rất bài bản. Hằng năm, BCĐ đều phân công cho thành viên theo dõi các địa phương, có tổng hợp báo cáo sơ kết 6 tháng, sơ kết năm và tổng kết phong trào, có vinh danh khen thưởng kèm theo quà tặng giá trị. Khi các gia đình được vinh danh, tuyên dương sẽ lan tỏa, truyền động lực cho các thôn, xã, gia đình khác phấn đấu.

Mới đây, Bộ VHTTDL cũng ban hành Nghị định 86 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, Bắc Giang cũng xây dựng những hướng dẫn cụ thể và đã có dự thảo lần một, khi có hướng dẫn chính thức sẽ đưa vào triển khai thành các tiêu chí thi đua.

Xin cảm ơn ông!

(Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện)